Tìm kiếm

In_Viaggio_di_Gianfranco_Rosi.jpg

Bộ phim về các chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Ngày 4/10/2022, sau khi tham gia Liên hoan phim Quốc tế Venezia lần thứ 79, phim tài liệu “Tông du” của đạo diễn Gianfranco Rosi, nói về các chuyến tông du quốc tế của Đức Thánh Cha Phanxicô trong hơn chín năm làm Giáo hoàng, đã được công chiếu tại 190 rạp chiếu phim và hơn 100 hội trường giáo xứ ở Ý.

Hồng Thủy - Vatican News

Đạo diễn Gianfranco Rosi đã đoạt giải Sư tử vàng ở Venezia năm 2013 với phim “Sacro GRA” và giải Gấu vàng ở Berlin năm 2016 với phim “Fuocoammare”. Trả lời phỏng vấn của Vatican News về bộ phim "Tông du", ông giải thích: “Đó là một tác phẩm thử nghiệm: một bộ phim mà trong đó tôi cảm thấy mình như là một khán giả. Nó muốn là một lời tri ân cho những người cố gắng thay đổi mọi thứ bằng cách đối mặt với những bi kịch của thế giới. Khi nhìn vào đám đông, Đức Giáo hoàng dường như nhìn thẳng vào mắt mọi người.”

Ông Rossi đã thực hiện một thử thách chưa từng có bằng cách làm một bộ phim dựa trên các hình ảnh của Vatican. Các tài liệu lưu trữ liên quan đến các chuyến tông du của Đức Thánh Cha trong gần mười năm làm giáo hoàng. Ông muốn tạo ra một tác phẩm theo bước chân Đức Giáo hoàng và đồng hành cùng khán giả trong cuộc hành hương đến những địa điểm của các bi kịch trong thời đại của chúng ta. Ông nói: “Tôi thực sự hy vọng rằng mọi người sẽ trở lại rạp chiếu phim, bởi vì chỉ có ở đó có những điều kiện cần thiết để tạo ra sự thân mật bằng hình ảnh và một cuộc đối thoại từ xa với Đức Giáo hoàng.”

Những điều gây ấn tượng

Đối với đạo diễn Gianfranco Rosi, một số tuyên bố của Đức Thánh Cha về các chủ đề như môi trường, nghèo đói, chiến tranh, bán vũ khí đã gây ấn tượng với ông. Nhưng bộ phim của ông không gợi ý câu trả lời, nó là một lời tri ân dành cho những người cố gắng thay đổi điều gì đó. Ông nói thêm rằng không phải ngẫu nhiên mà bộ phim bắt đầu bằng một câu hỏi: “Quan điểm của bạn là gì?”. Đối với ông, “câu hỏi đó trở thành một ẩn dụ cho điều mà mỗi chúng ta nên tự hỏi: đâu là quan điểm của chúng ta về thế giới, về những gì đang xảy ra. Bởi vì đối với tôi, cuối cùng, chính cá nhân là người đưa ra quan điểm trước sự thay đổi có thể xảy ra. Phim không có thông điệp mà muốn thôi thúc người xem theo nghĩa này.”

Một điều khác gây ấn tượng với đạo diễn Rossi, chính là khả năng biết xin lỗi của Đức Thánh Cha, cả theo cách cá nhân. Trong phim, có cảnh Đức Thánh Cha xin lỗi người bản địa Canada nhân danh Giáo hội, nhưng cũng có cảnh ngài xin lỗi trong tư cách cá nhân, khi từ Chile trở về. Ông Rossi nói: “Điều đó đối với tôi là một khoảnh khắc có tác động lớn, bởi vì nhận ra lỗi lầm của mình là một điều gì đó ‘thiêng liêng’ từ sâu thẳm. Có lẽ đây là một thông điệp khác từ bộ phim: chúng ta cần hiểu tất cả những sai lầm của mình, cá nhân và tập thể.” 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

06 tháng mười 2022, 11:57