Tìm kiếm

Kinh truyền tin (23/10/2022): ĐTC mời gọi hãy đề phòng tính tự ngưỡng mộ mình và chủ nghĩa phô trương

Trưa Chúa nhật 23/10/2022, từ cửa sổ Dinh Tông toà, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin cùng với các tín hữu và khách hành hương đang hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài suy niệm trước khi đọc kinh, ĐTC nói về người Pharisêu và người thu thuế trong bài Tin mừng hôm nay (x. Lc 18,9-14), một người sùng đạo và một người tội lỗi. Ngài mời gọi chúng ta hãy đề phòng tính tự ngưỡng mộ mình và chủ nghĩa phô trương, vốn đặt nền trên sự hư danh.

Văn Cương, SJ – Vatican News

ĐTC bắt đầu bài suy niệm của mình bằng lời chào:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về dụ ngôn với hai nhân vật chính: người Pharisêu và người thu thuế (x. Lc 18,9-14), một người sùng đạo và một người tội lỗi. Cả hai cùng lên đền thờ cầu nguyện, nhưng chỉ có người thu thuế mới thực sự tiến lên với Thiên Chúa, bởi vì với sự khiêm hạ, anh chân thành nhìn vào bản thân và thấy mình như mình là với sự khốn khổ của bản thân, anh không mang mặt nạ khi đến gặp Chúa. Do đó, chúng ta có thể nói rằng dụ ngôn nằm giữa hai chuyển động, được diễn tả bằng hai động từ: đi lên và đi xuống.

Chuyển động đầu tiên là đi lên. Thực tế, bản văn bắt đầu bằng câu: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện” (câu 10). Khía cạnh này gợi lại nhiều tình tiết trong Kinh thánh, để gặp gỡ Thiên Chúa, con người cần leo lên ngọn núi để gặp gỡ Thiên Chúa: Ápraham đã lên núi để dâng của lễ; Môsê lên núi Sinai để nhận mười điều răn; Chúa Giêsu lên núi, nơi Người hiển dung. Vì vậy, hành động lên núi diễn tả lòng khao khát muốn vượt ra khỏi cuộc sống bình bình để đi gặp gỡ Thiên Chúa; vượt ra khỏi sự đều đều của bản thân để hướng đến Thiên Chúa; vượt ra khỏi cái tôi của chính mình, để gói ghém tất cả những gì chúng ta đang sống và dâng chúng lên trước Thiên Chúa. Đây chính là chuyển động đi lên, khi chúng ta cầu nguyện nghĩa là chúng ta đang đi lên gặp gỡ Thiên Chúa.

Nhưng một trải nghiệm về cuộc gặp gỡ với Người, để được biến đổi qua lời cầu nguyện và để hướng mình về Thiên Chúa, chúng ta cần đến chuyển động thứ hai: đi xuống. Đi xuống nghĩa là gì? Để đi về phía Người, chúng ta cần biết đi xuống, đi vào trong chính mình, nuôi dưỡng sự chân thành và lòng khiêm tốn, điều này giúp chúng ta có được góc nhìn chân thực về sự mỏng manh và nghèo khó nội tâm của mình. Trên thực tế, với sự khiêm nhường, chúng ta có khả năng dâng lên cho Thiên Chúa, một cách chân thành không giả dối, tất cả những gì chúng ta có, những giới hạn và thương tổn, tội lỗi và đau khổ vốn đang đè nặng lên tâm hồn chúng ta, và khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa để Người chữa lành, phục hồi và nâng chúng ta lên. Chính Người là Đấng nâng chúng ta lên, không phải tự chúng ta. Chúng ta càng hạ mình xuống với sự khiêm nhường, thì Thiên Chúa càng nâng chúng ta lên.

Thật vậy, người thu thuế trong dụ ngôn, anh khiêm tốn đứng xa xa (câu 13), không dám đến gần, anh xấu hổ, xin sự tha thứ, và Thiên Chúa nâng anh lên. Trái lại, người Pharisêu tự nâng mình lên, một người tự cao, yên trí rằng mình hoàn hảo: đứng ở đó, anh bắt đầu nói với Chúa về chính mình, ngợi ca chính mình, liệt kê tất cả những việc tốt đã làm, và anh xem thường người khác, “con không giống người kia”. Đây chính là sự kiêu ngạo thiêng liêng. “Nhưng tại sao chúng ta lại nói về sự kiêu ngạo thiêng liêng?”, bởi vì tất cả chúng ta có nguy cơ rơi vào điều này. Nó khiến chúng ta tin rằng mình hoàn hảo và bắt đầu xét đoán người khác. Dấu hiệu của sự kiêu ngạo thiêng liêng này là: “tôi thấy mình rất tốt, tốt hơn những người khác ở điều này, điều này và những điều khác nữa. Do đó, nếu không cẩn trọng, chúng ta đang tôn thờ chính mình và rũ bỏ Thiên Chúa. Nó là việc chúng ta đang xoay quanh chính mình. Lời cầu nguyện như này không có sự khiêm nhường.

Anh chị em thân mến, người Pharisêu và người thu thuế liên quan chặt chẽ đến chúng ta. Nghĩ đến họ, chúng ta cùng nhìn lại chính mình và hãy kiểm chứng xem chúng ta có đang như người Pharisêu, đang “tự hào mình là người công chính” (câu 9) và khiến chúng ta xem thường người khác hay không. Điều này có thể xảy ra khi chúng ta tìm kiếm những lời tán dương, luôn liệt kê những công trạng và việc tốt của mình, khi chúng ta bận tâm mỗi khi xuất hiện, về vẻ bề ngoài hơn là sự hiện hữu, khi chúng ta để cho mình bị mắc kẹt vào tính tự ngưỡng mộ mình và chủ nghĩa phô trương. Chúng ta hãy đề phòng tính tự ngưỡng mộ mình và chủ nghĩa phô trương, vốn đặt nền trên sự hư danh, chúng làm cho chúng ta là những Kitô hữu, những linh mục, những giám mục luôn đề cập đến từ “Tôi” trên môi miệng: “Tôi đã làm điều này, tôi đã viết điều này, tôi đã nói điều này, tôi đã hiểu việc đó nhanh hơn mọi người”, và cứ tiếp tục như vậy. Ở đâu cái tôi càng lớn, ở đó Chúa càng nhỏ. Ở đây, những người này, họ được gọi là: “tôi-với-tôi-cho-tôi và chỉ-cho-tôi”. Có một lần, người ta nói về một vị linh mục, người đã xem mình là trung trâm, họ nói đùa rằng: "Khi cha ấy xông hương, cha đang làm ngược lại bởi cha tự xông hương cho chính mình".

Chúng ta hãy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh, người tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa, Mẹ là hình ảnh sống động về những gì Thiên Chúa mong muốn thực thi qua việc hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (x. Lc 1,52).

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

23 tháng mười 2022, 15:36