Diễn văn buổi gặp gỡ các Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ
TÔNG DU ĐẾN BAHRAIN
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Gặp gỡ các Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ
tại Nhà thờ Thánh Tâm, Manama
ngày 6/11/2022
Các Giám mục, linh mục, anh chị em sống đời thánh hiến và các chủng sinh, các nhân viên mục vụ thân mến! Chào anh chị em!
Tôi hân hạnh được ở giữa anh chị em, tại cộng đoàn Kitô hữu này, cộng đoàn thể hiện rõ nét tính “Công giáo”, nghĩa là, tính phổ quát: một Giáo hội có dân cư quy tụ từ nhiều nơi trên thế giới để tuyên xưng cùng một đức tin vào Chúa Kitô. Đức cha Hinder, người mà tôi cảm ơn vì sự phục vụ và vì những lời của ngài, hôm qua đã nói về “một đoàn chiên gồm những người di cư”. Sau đó, khi chào hỏi từng người trong anh chị em, tôi cũng nghĩ đến các dân tộc mà anh chị em thuộc về, đến gia đình mà anh chị em mang trong tim với sự thương nhớ, đến quê hương đất nước anh chị em. Đặc biệt, khi nhìn thấy các tín hữu của Liban hiện diện, tôi đảm bảo lời cầu nguyện và sự gần gũi của tôi đối với đất nước thân yêu đó, một đất nước rất mệt mỏi và chịu thử thách, và với tất cả các dân tộc đang đau khổ ở Trung Đông. Thật tuyệt vời khi thuộc về một Giáo hội được tạo nên từ những câu chuyện và khuôn mặt khác nhau, tìm thấy sự hài hòa trong khuôn mặt duy nhất của Chúa Giê-su. Và sự đa dạng - tôi đã thấy trong những ngày này - là tấm gương phản chiếu đất nước này, cả về con người lẫn cảnh quan đặc trưng, và mặc dù bị thống trị bởi sa mạc, đất nước này tự hào về sự hiện diện phong phú và đa dạng của các loài thực vật và sinh vật sống.
Những lời của Chúa Giêsu mà chúng ta đã nghe nói về nước hằng sống chảy ra từ Chúa Kitô và từ các tín hữu (x. Ga 7,37-39). Những lời này khiến tôi liên tưởng đến vùng đất này: thật đúng là sa mạc rất nhiều nhưng cũng có những nguồn nước ngọt âm thầm chảy dưới lòng đất, tưới mát cho nó. Đó là một hình ảnh đẹp về anh chị em và hơn hết là về những gì đức tin thể hiện trong cuộc sống: bề ngoài, nhân loại của chúng ta dường như bị khô héo bởi rất nhiều yếu đuối, sợ hãi, thách đố phải đối diện, các tệ nạn cá nhân và xã hội đủ loại; nhưng nơi nền tảng của linh hồn, nơi sâu thẳm của trái tim, dòng nước ngọt ngào của Thần Khí vẫn chảy nhẹ nhàng và âm thầm, tưới mát sa mạc của chúng ta, phục hồi sức sống cho những gì có thể bị khô héo, rửa sạch những gì làm chúng ta xấu xí, làm dịu cơn khát hạnh phúc của chúng ta. Người luôn canh tân sự sống. Đây chính là nguồn nước hằng sống mà Chúa Giêsu nói đến, là nguồn sự sống mới mà Người hứa với chúng ta: món quà của Thánh Thần, sự hiện diện dịu dàng, yêu thương và tái sinh của Thiên Chúa trong chúng ta.
Do đó, thật tốt cho chúng ta nếu được sống trong khung cảnh mà Tin Mừng mô tả. Chúa Giê-su đang ở trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi một trong những lễ quan trọng nhất đang được cử hành, trong đó dân chúng chúc tụng Chúa về món quà đất đai và mùa màng, tưởng nhớ đến Giao ước. Và vào ngày lễ đó, một nghi thức quan trọng đã diễn ra: vị thượng tế đến hồ nước Silôê, lấy nước và sau đó, trong khi dân chúng ca hát và vui mừng, ngài đổ nước ra ngoài tường thành để chỉ ra rằng sẽ có một nguồn phúc lành lớn từ Giê-ru-sa-lem chảy ra cho tất cả mọi người. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh đã nói về Giê-ru-sa-lem: “Mọi nguồn gốc của tôi ở nơi thành” (Tv 87,7); và tiên tri Ê-dê-ki-ên đã nói về một nguồn nước chảy ra từ đền thờ, sẽ tưới đẫm và tạo màu mỡ cho cả vùng đất như một dòng sông (xem Ez 47, 1-12).
Với những ý nghĩa này, chúng ta hiểu rõ điều mà Tin Mừng Gioan muốn nói với chúng ta trong khung cảnh này: chúng ta đang ở trong ngày bế mạc của kỳ lễ, Chúa Giêsu đứng thẳng và lớn tiếng tuyên bố: “Ai khát, hãy đến với tôi” (Ga 7,37), vì từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những “dòng nước hằng sống” (câu 38). Và Thánh sử giải thích: “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” (c. 39). Điều này được gợi lại vào lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá: ngay lúc đó, không còn từ đền thờ bằng đá nữa, nhưng từ cạnh sườn mở của Chúa Kitô, nước sự sống mới sẽ tuôn tràn, nước ban sự sống của Thánh Thần, để tái tạo toàn thể nhân loại bằng cách giải phóng nó khỏi tội lỗi và sự chết.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy luôn ghi nhớ điều này: Giáo Hội được sinh ra từ đó, được sinh ra từ cạnh sườn mở của Chúa Kitô, từ phép rửa tái sinh trong Chúa Thánh Thần (x. Tt 3,5). Chúng ta không phải là Kitô hữu vì công trạng của chúng ta hay chỉ vì chúng ta tuân giữ một tín điều, nhưng bởi vì trong Phép Rửa, chúng ta đã được ban cho nước hằng sống của Thánh Thần, khiến chúng ta trở thành con cái yêu thương của Thiên Chúa và là anh chị em của nhau, khiến chúng ta trở thành những tạo vật mới. Mọi sự tuôn chảy từ ân sủng, mọi sự đến từ Chúa Thánh Thần. Và, bây giờ, cho phép tôi tập trung cách ngắn gọn về ba món quà lớn lao mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta và mời gọi chúng ta đón nhận và sống: niềm vui, hiệp nhất, ngôn sứ.
Trước hết, Thần Khí là nguồn của niềm vui. Dòng nước ngọt mà Chúa muốn chảy vào sa mạc của nhân loại chúng ta, thấm vào lòng đất và vào sự mong manh, là sự chắc chắn rằng chúng ta không bao giờ cô đơn trên hành trình của cuộc sống. Thật vậy, Thánh Thần là Đấng không để chúng ta một mình, Người là Đấng An Ủi; Người an ủi chúng ta bằng sự hiện diện kín đáo và giúp ích của Người, Người đồng hành với chúng ta bằng tình yêu và, nâng đỡ chúng ta trong những vật lộn và khó khăn, khuyến khích những ước mơ đẹp nhất và những khát khao lớn nhất của chúng ta, mở ra cho chúng ta những điều kỳ diệu và vẻ đẹp của cuộc sống. Do đó, niềm vui của Thánh Thần không phải là một trạng thái tình cờ hoặc một cảm xúc nhất thời; càng không phải là loại “niềm vui tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân được nhìn thấy trong một số kinh nghiệm văn hóa ngày nay” (Tông huấn Gaudete et exsultate, 128). Thay vào đó, đây là niềm vui đến từ mối tương quan với Thiên Chúa, từ việc biết rằng, bất chấp những khó khăn và đêm đen mà đôi khi chúng ta phải trải qua, chúng ta không cô đơn, lạc lõng hay thất bại, vì Người ở cùng chúng ta. Và với Người, chúng ta có thể đối diện và vượt qua tất cả, ngay cả vực thẳm của nỗi đau và cái chết.
Với anh chị em, những người đã khám phá ra niềm vui này và sống nó trong cộng đồng, tôi muốn nói rằng: hãy gìn giữ nó, đúng hơn, hãy nhân nó lên. Và anh chị em có biết phương pháp tốt nhất là gì không? Là trao tặng nó. Đúng vậy, niềm vui của Kitô hữu có khả năng lan xa, bởi vì Tin Mừng làm cho người ta ra khỏi chính mình để thông truyền vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Do đó, điều thiết yếu trong cộng đoàn Kitô hữu là niềm vui không thiếu nhưng được chia sẻ; là chúng ta không giới hạn mình lặp lại những cử chỉ theo thói quen, không nhiệt huyết, không sáng tạo. Điều quan trọng là, ngoài Phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ, là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu (x. Sacrosanctum Concilium, 10), chúng ta cũng làm cho niềm vui của Tin Mừng được lan truyền trong hoạt động mục vụ sống động, đặc biệt cho những người trẻ, cho các gia đình và cho các ơn gọi của đời sống linh mục và tu sĩ. Niềm vui của Kitô hữu không thể được giữ cho riêng mình, và khi chúng ta lan truyền nó, nó sẽ nhân lên gấp bội.
Thứ hai, Chúa Thánh Thần là nguồn của sự hiệp nhất. Những ai chào đón Người thì nhận được tình yêu của Chúa Cha và trở thành con cái Người (x. Rm 8,15-16); và, nếu là con cái Thiên Chúa, họ cũng là anh chị em của nhau. Không thể có chỗ cho những hành động của xác thịt, nghĩa là ích kỷ: chia rẽ, cãi vã, vu khống, nói hành. Những chia rẽ của thế gian, và cả những khác biệt về sắc tộc, văn hóa và nghi lễ, không thể gây thương tích hoặc làm tổn hại đến sự hiệp nhất của Thần Khí. Ngược lại, ngọn lửa của Người đốt cháy những ham muốn thế gian và thắp sáng cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu chào đón và thương xót mà Chúa Giêsu yêu chúng ta, để chúng ta cũng có thể yêu thương nhau theo cách này. Vì vậy, khi Thần Khí của Đấng Phục Sinh ngự xuống trên các môn đệ, Người trở nên nguồn mạch của sự hiệp nhất và tình huynh đệ chống lại mọi ích kỷ; khai sinh ngôn ngữ duy nhất của tình yêu, để các ngôn ngữ khác nhau của con người không còn xa cách và không thể hiểu được; phá bỏ rào cản của sự ngờ vực và hận thù, để tạo ra không gian chào đón và đối thoại; nó giải phóng khỏi sự sợ hãi và khơi dậy lòng can đảm để đi ra gặp gỡ những người khác bằng sức mạnh của lòng thương xót không vũ trang và vũ khí.
Đây là những gì Chúa Thánh Thần làm, Đấng đã nhào nắn Giáo Hội từ khởi đầu: từ Lễ Ngũ Tuần, những người với xuất thân, sự nhạy bén và lối nhìn khác nhau được hòa hợp trong sự hiệp thông, được rèn nên sự hiệp nhất mà không đòi đồng nhất. Nếu chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí, thì ơn gọi Giáo Hội của chúng ta trên hết là giữ gìn sự hiệp nhất và vun đắp cùng nhau, nghĩa là - như Thánh Phao-lô nói - “duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4, 3-4).
Trong chứng tá của mình, Chris đã nói rằng, khi cô còn rất trẻ, điều khiến cô say mê về Giáo hội Công giáo là “lòng đạo đức chung của tất cả các tín hữu”, không phân biệt màu da, nguồn gốc địa lý, ngôn ngữ: tất cả đều quy tụ trong một gia đình, tất cả đều hát mừng ngợi khen Chúa. Đây là sức mạnh của cộng đoàn Kitô giáo, là lời chứng đầu tiên mà chúng ta có thể trình bày với thế giới. Chúng ta hãy là người bảo vệ và xây dựng sự hiệp nhất! Để trở nên đáng tin cậy trong cuộc đối thoại với người khác, chúng ta phải sống tình huynh đệ với nhau. Chúng ta làm điều này trong các cộng đoàn, đánh giá cao các đặc sủng của tất cả mọi người mà không làm mất giá trị của bất kỳ ai; chúng ta hãy làm điều này trong các cộng đoàn dòng tu, như những dấu chỉ sống động của sự hòa hợp và hòa bình; chúng ta hãy làm điều này trong các gia đình, để mối dây tình yêu của bí tích được chuyển thành thái độ phục vụ và tha thứ hàng ngày; chúng ta cũng hãy làm điều này trong xã hội đa tôn giáo và đa văn hóa mà chúng ta đang sống: luôn ủng hộ đối thoại, dệt nên sự hiệp thông với những người anh chị em của những niềm tin và hệ phái khác. Tôi biết rằng trên con đường này, anh chị em đã nêu gương tốt, nhưng tình huynh đệ và sự hiệp thông là món quà mà chúng ta không được mệt mỏi khi cầu xin Chúa Thánh Thần, để chống lại những cám dỗ của kẻ thù, kẻ luôn gieo rắc mối bất hòa.
Cuối cùng, Thánh Thần là nguồn của lời ngôn sứ. Như chúng ta đã biết, lịch sử cứu độ có vô số ngôn sứ được Thiên Chúa kêu gọi, thánh hiến và sai đến giữa dân để nói nhân danh Người. Các ngôn sứ nhận được từ Thánh Thần ánh sáng nội tâm khiến họ trở thành những nhà giải thích kỹ lưỡng về thực tế, có khả năng nắm bắt sự hiện diện của Thiên Chúa trong những tình huống, đôi khi mù mờ, của lịch sử và chỉ ra sự hiện diện đó cho dân chúng. Thông thường những lời của các ngôn sứ nghe chói tai: họ gọi đích danh những mưu đồ xấu xa vốn ẩn nấp trong lòng con người, họ làm khủng hoảng những an toàn giả tạo của con người hoặc tôn giáo, và mời gọi hoán cải.
Chúng ta cũng có ơn gọi ngôn sứ này: tất cả những người đã chịu phép rửa đều đã nhận được Thánh Thần và là những ngôn sứ. Và như vậy, chúng ta không thể giả vờ như không nhìn thấy những tác phẩm của sự ác, ở lại trong “cuộc sống bình lặng” để không làm bẩn bàn tay chúng ta. Ngược lại, chúng ta đã nhận được một Thần Khí của lời ngôn sứ để đưa Tin Mừng ra ánh sáng bằng chứng tá đời sống chúng ta. Đây là lý do tại sao Thánh Phao-lô khuyến khích: “hãy khao khát những ơn của Thần Khí, nhất là ơn nói tiên tri” (1Cr 14,1). Lời ngôn sứ cho phép chúng ta thực hành các mối phúc Tin Mừng trong những hoàn cảnh thường ngày, nghĩa là, bằng sự hiền lành kiên vững, xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa, nơi đó tình yêu, công lý và hòa bình đối nghịch với mọi hình thức ích kỷ, bạo lực và suy đồi. Tôi đánh giá cao những lời của Sơ Rose nói về mục vụ giữa các tù nhân trong các nhà tù - một cơ hội của lòng biết ơn. Lời ngôn sứ xây dựng và an ủi dành cho những người này là dành thời gian cho họ, chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện với họ; là chú ý đến họ, vì ở đâu có người anh em cần đến, như các tù nhân, thì ở đó có Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bị thương tích trong mỗi người đau khổ (x. Mt 25,40). Nhưng việc chăm sóc các tù nhân là tốt cho tất cả mọi người, với tư cách là một cộng đồng nhân loại, bởi vì chính cách đối xử với những người rốt hết là thước đo phẩm giá và hy vọng của một xã hội.
Anh chị em thân mến, trong những tháng này, chúng ta đã cầu nguyện rất nhiều cho hoà bình. Trong bối cảnh này, thỏa thuận đã được ký kết liên quan đến tình hình tại Ethiopia là điều đáng hy vọng. Tôi khuyến khích tất cả hỗ trợ cam kết này để hướng tới một nền hòa bình lâu dài, để với ơn Thiên Chúa nâng đỡ, chúng ta tiếp tục bước đi trên con đường đối thoại và mọi người sẽ sớm tìm thấy một cuộc sống thanh bình và xứng phẩm giá. Và tôi cũng không quên cầu nguyện và xin anh chị em cầu nguyện cho Ucraina đang bị dày xé, để cuộc chiến đó kết thúc.
Tôi muốn nói “lời cảm ơn” vì những ngày được sống cùng nhau – mà không quên ba điều: niềm vui, sự hiệp nhất và lời ngôn sứ. Với trái tim đầy lòng biết ơn, tôi chúc lành cho tất cả anh chị em, đặc biệt là những người đã làm việc cho chuyến viếng thăm này. Và, vì đây là những lời công khai cuối cùng, cho phép tôi cảm ơn Quốc Vương và những nhà chức trách của đất nước này - và bộ trưởng Tư Pháp cũng hiện diện ở đây-, vì sự hiếu khách tinh tế. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục hành trình thiêng liêng và giáo hội của mình với sự kiên trì và vui tươi. Và bây giờ chúng ta cùng cầu xin sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà tôi vui mừng tôn kính là Đức Mẹ Ả Rập. Xin Mẹ giúp chúng ta luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và giữ cho chúng ta luôn vui tươi, hiệp nhất trong lòng mến và lời cầu nguyện. Và tôi cần, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.