Tông du Bahrain: Diễn văn buổi gặp gỡ đại kết và cầu nguyện cho hoà bình
Diễn văn của ĐTC Phanxicô
Gặp gỡ đại kết và cầu nguyện cho hoà bình
Kính thưa Quý vị,
Thưa ông bộ trưởng bộ Công lý,
Xin cảm ơn quý vị đã hiện diện và đón tiếp chúng tôi.
“Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2, 9-11).
Kính thưa hiền huynh Bartolomêô, thưa anh chị em, những lời trên đây dường như được viết cho chúng ta ngày hôm nay: từ nhiều dân tộc, ngôn ngữ, lãnh thổ và nghi lễ, chúng tra quy tụ về đây bởi những kỳ công Thiên Chúa đã làm! Ở Giê-ru-sa-lem, vào ngày lễ Ngũ Tuần, dân chúng từ khắp các lãnh thổ đã được mời gọi hiệp nhất trong cùng một Thánh Thần. Hôm nay cũng vậy, sự đa dạng về nguồn gốc và ngôn ngữ không phải là vấn nạn, nhưng là sự phong phú. Một tác giả thời xưa đã viết rằng: “Nếu ai đó hỏi một người trong chúng ta rằng nếu anh đã lãnh nhận Thần Khí, vì sao anh không nói các thứ tiếng? Anh phải trả lời rằng chắc chắn là tôi nói mọi ngôn ngữ vì tôi đã được kết hợp vào trong thân thể của Chúa Ki-tô đó là Giáo Hội, mà Giáo Hội nói tất cả mọi ngôn ngữ.” (Diễn văn của một người Phi châu thế kỷ VI: PL 65, 743).
Anh chị em thân mến, điều này cũng đúng cho chúng ta bởi “tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13). Tuy nhiên, chúng ta đã làm tổn thương thân thể thánh thiêng ấy của Chúa bằng những giằng xé của chúng ta. Nhưng Thần Khí, Người đã quy tụ mọi thành viên lại, thì lớn hơn những chia rẽ trần tục của chúng ta. Vì vậy chúng ta có thể khẳng định rằng việc hiệp nhất thì vượt thắng sự chia rẽ và càng bước đi trong Thần Khí, với ơn Chúa, chúng ta càng được thúc đẩy đến việc thiết lập sự hiệp nhất trọn vẹn giữa chúng ta.
Trở lại với trình thuật lễ Ngũ Tuần, chiêm ngắm trình thuật ấy gợi cho tôi hai điều mà tôi thiết nghĩ sẽ giúp ích cho tiến trình hiệp nhất và tôi mong muốn chia sẻ với anh chị em. Hai điều ấy là hiệp nhất trong khác biệt và chứng tá của cuộc sống.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, như sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại, các môn đệ “đang tề tựu ở một nơi” (Cv 2, 1). Chúng ta để ý rằng Thần Khí đã ngự xuống mỗi người và chọn thời điểm mọi người đang ở cùng nhau. Họ có thể thờ kính Thiên Chúa và bác ái với tha nhân cách riêng biệt, nhưng hiệp nhất với nhau sẽ mở toang cánh cửa cho kỳ công của Chúa. Dân Chúa được mời gọi hiệp nhất để các kỳ công của Chúa được thực hiện. Ở đây, tại Bahrain, giống như một đoàn chiên bé nhỏ của Chúa, dù phân tán ở nhiều nơi và có nhiều tín ngưỡng khác nhau, được mời gọi tiến tới hiệp nhất và chia sẻ đức tin của mình. Giống như ở quần đảo này không thiếu những liên kết thuận tiện giữa các đảo với nhau, giữa chúng ta cũng vậy, không phải là cô lập nhưng là hiệp nhất huynh đệ.
Anh chị em thân mến, tôi tự hỏi rằng làm sao để hiệp nhất khi quá khứ, thói quen, công việc và khoảng cách dường như kéo chúng ta xa nhau? Đâu là “điểm quy tụ”, đâu là “nhà tạm thiêng liêng” của sự hiệp nhất? Đó là vinh quang của Chúa, là điều mà Thần Khí khơi lên trong tất cả chúng ta. Lời nguyện tán dương không cô lập mình, không khép kín trong tư lợi, nhưng đi vào con tim của Cha và do vậy nối kết tất cả anh chị em với nhau. Lời nguyện tán dương và hành động thờ phượng là đỉnh điểm, là vô giá và không điều kiện, khơi lên niềm hoan lạc của Thần Khí, canh tân tâm trí, tái lập sự hoà hợp và làm mới sự hiệp nhất. Đây chính là liều thuốc cho sầu khổ và cho cám dỗ rằng chúng ta là thiểu số cả về khía cạnh thiêng liêng lẫn bên ngoài. Ai biết tán tụng sẽ không quan tâm đến sự bé nhỏ của đàn chiên, nhưng là vẻ đẹp của những kẻ bé mọn của Chúa. Lời tán dương, qua đó Thần Khí tuôn đổ niềm an ủi nơi chúng ta, là liệu pháp tuyệt vời cho sự cô đơn và nỗi nhớ nhà. Lời tán dương giúp ta ý thức được sự gần gũi của vị Mục Tử Nhân Lành ngay cả khi thiếu vắng các mục tử như thường thấy ở đây. Ngay trong các hoang mạc của chúng ta, Thiên Chúa yêu thích mở ra những nẻo đường mới và bất ngờ để làm vọt lên nguồn nước hằng sống (x. Is 43, 19). Lời tán dương và sự thờ phượng dẫn ta tới nguồn nước ấy, tới nguồn sống của Thần Khí, dẫn ta tới nguồn cội là sự hiệp nhất.
Lời tán dương Thiên Chúa không ngừng là nguồn sống cho chúng ta, giúp ta trở nên dấu chỉ của hiệp nhất các Ki-tô hữu! Điều này giúp cổ võ thói quen tốt lành là khuyến khích các cộng đoàn khác củng cố việc thờ phượng Chúa. Thực ra, không chỉ ở trần thế, nhưng ở Thiên quốc, lời tán dương hiệp nhất chúng ta. Đó là lời tán dương của các Ki-tô hữu tử đạo, những vị trong thời đại chúng ta ở Trung Đông và trên toàn thế giới. Giờ đây, họ hợp thành bầu trời đầy sao dẫn đường cho những ai tiến bước trong sa mạc lịch sử. Chúng ta cũng vậy, tất cả được mời gọi đến sự hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa.
Chúng ta không quên rằng sự hiệp nhất mà chúng ta đang hướng tới là sự hiệp nhất trong dị biệt. Trình thuật lễ Ngũ Tuần nhấn mạnh rằng mỗi người nghe các Tông đồ nói “tiếng bản xứ” của họ (Cv 2, 6). Thần Khí không áp đặt một ngôn ngữ cho tất cả, nhưng để mỗi người nói tiếng khác nhau (c. 4) và mỗi người nghe người khác nói tiếng bản xứ của mình (c. 11). Như thế, chúng ta không đóng khung trong sự đồng nhất, nhưng mở ra để đón nhận sự dị biệt. Điều này xảy ra với ai sống theo Thần Khí. Là học biết gặp gỡ anh chị em trong đức tin như các bộ phận trong cùng một thân thể. Đây chính là tinh thần của đại kết.
Anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta đang thực hiện tiến trình đại kết như thế nào. Tôi, mục tử, chức vụ, tín hữu có phải là những người nghe theo Thần Khí chăng? Tôi sống tinh thần đại kết như một gánh nặng, một việc phụ thêm, một nghĩa vụ hay là khao khát chân thành của Chúa Giê-su là chúng ta “trở nên một” (Ga 17, 21) như sứ mạng của Tin Mừng? Một cách cụ thể, tôi đã làm gì cho tha nhân, những người tin vào Chúa Ki-tô, chứ không phải cho chính tôi? Tôi đã biết họ, tìm và quan tâm họ chăng? Tôi giữ khoảng cách và thái độ xa cách hay tôi tìm cách để hiểu lịch sử và quý chuộng sự đặc thù để chúng không trở thành rào cản không thể vượt qua?
Sau sự hiệp nhất trong khác biệt, yếu tố thứ hai là chứng tá của cuộc sống. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ mở ra, ra khỏi nơi trú ẩn của họ và từ đó đi khắp thế giới. Giê-ru-sa-lem dường như là điểm đến, giờ đây trở thành điểm xuất phát của một hành trình vi diệu. Nỗi sợ đã đóng kín họ trong nhà giờ chỉ còn là dĩ vãng xa xôi. Giờ đây họ đi khắp nơi, không phải để phân biệt mình với người khác hay làm cách mạng thay đổi trật tự thế giới, nhưng là để rao giảng cho mọi nơi vẻ đẹp của tình yêu Chúa ngang qua cuộc sống của họ. Quả vậy, chứng từ của chúng ta không phải là một diễn văn bằng lời, mà là chứng tá diễn tả bằng hành động. Đức tin không phải là đặc quyền để sở đắc nhưng là quà tặng để chia sẻ. Như trình thuật cổ xưa đã nói: các Ki-tô hữu “không ở trong các thành phố đặc thù, không sử dụng ngôn ngữ lạ, cũng không có lối sống dị biệt, […] mà mọi nơi là quê hương của họ […]. Họ sống trên đất, nhưng họ có quyền cư dân ở trên trời. Họ tuân thủ luật pháp nhưng lối sống của họ vượt lên trên luật pháp. Họ yêu mết hết thảy mọi người.” (Thư gởi Diognetus, V). Yêu mến mọi người chính là sự khác biệt của Ki-tô hữu, là mấu chốt của chứng tá cuộc sống. Hiện diện ở Bahrain cho phép anh chị em tái khám phá và thực hành việc bác ái đơn sơ, đó là việc trợ giúp tha nhân, là căn tính Ki-tô hữu trong các chứng từ khiêm tốn hàng ngày, trong nơi làm việc, thấu hiểu và kiên nhẫn, niềm vui và sự hoà nhã, lòng tốt và tinh thần đối thoại. Tóm lại trong một từ, đó là hoà bình.
Chúng ta cũng cần tự hỏi về chứng từ của mình, bởi theo thời gian, chúng ta có thể bị trì trệ và xao nhãng trong việc thể hiện Chúa ngang qua tinh thần Các mối phúc, trong sự nhất quán và yếu tính tốt lành của cuộc sống, trong lối hành xử hoà bình. Chúng ta tự hỏi rằng, giờ đây đang khi cầu nguyện cho hoà bình, chúng ta có thực sự là người của hoà bình chăng? Liệu chúng ta có thói quen mong muốn thể hiện sự hoà nhã của Chúa Giê-su mà không mong đợi trả công? Chúng ta có mang lấy, trong tâm trí và trong cầu nguyện, những đau khổ, tổn thương và chia rẽ mà chúng ta gặp phải?
Anh chị em thân mến, tôi mong muốn chia sẻ với anh chị em những suy tư này về sự hiệp nhất được củng cố bằng lời tán dương, và về chứng từ được vững mạnh bởi việc bác ái. Hiệp nhất và chứng từ cùng song hành. Không thể làm chứng rằng Thiên Chúa là tình yêu nếu chúng ta không hiệp nhất với nhau như Ngài mong ước. Cũng không thể hiệp nhất nếu mỗi người sống theo ý của mình, không mở ra với chứng từ, không nới rộng biên giới những lợi ích và cộng đoàn của chúng ta trong danh nghĩa Thần Khí, Người đã ôm trọn mọi ngôn ngữ và muốn đến với hết mọi người. Chính Thần Khí quy tụ và sai đi, hợp nhất trong liên đới và sai đi trong sứ vụ. Chúng ta hãy phó thác cho Ngài hành trình đại kết của chúng ta và cầu khẩn Người ơn thiêng trên chúng ta, một lễ Ngũ Tuần mới hầu đem lại cho tiến trình hiệp nhất và hoà bình của chúng ta những cái nhìn mới và những bước tiến vững mạnh.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.