ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại vườn “Dinh Quốc gia”
Ngọc Yến - Vatican News
Trong diễn văn trước khoảng 1.000 người, trước hết Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn vì sự đón tiếp dành cho ngài, và niềm vui vì được đến vùng đất xinh đẹp, rộng lớn. Ngài ví Congo như lá phổi xanh rất phong phú và đa dạng.
Vùng đất phì nhiêu nhưng bị chiến tranh tàn phá
Đức Thánh Cha lấy làm tiếc vì nếu vùng đất phì nhiêu như thế thì đáng lý ra người dân được hưởng một cuộc sống ấm no hạnh phúc, nhưng trái lại bị chiến tranh tàn phá, Cộng hòa Dân chủ Congo tiếp tục chứng kiến những cuộc xung đột và di cư cưỡng ép trong lãnh thổ, và phải chịu đựng những hình thức bóc lột khủng khiếp, không xứng đáng với con người và thụ tạo. Đất nước bao la và tràn đầy sức sống này, cơ hoành của châu Phi, bị bạo lực tấn công như thể bị đấm vào bụng, từ lâu dường như đã không còn hơi thở.
Như một người hành hương hoà giải và hoà bình
Đức Thánh Cha nói: “Khi quý vị, những người Congo, đấu tranh để bảo vệ phẩm giá và sự toàn vẹn lãnh thổ của quý vị trước những ý đồ đáng trách nhằm chia cắt đất nước, tôi đến với quý vị, nhân danh Chúa Giêsu, như một người hành hương hòa giải và hòa bình. Tôi đã rất mong muốn được ở đây và giờ đây cuối cùng tôi đã đến để mang đến với quý vị sự gần gũi, quý mến và an ủi của toàn thể Giáo hội Công giáo".
Quốc gia như một viên kim cương
Đức Thánh Cha lấy hình ảnh đẹp rực rỡ của kim cương để so sánh với vùng đất này. Ngài nói: “đất nước của quý vị thực sự là một viên kim cương của thụ tạo. Đồng thời, tất cả quý vị quý giá hơn bất kỳ kho báu nào được tìm thấy trên mảnh đất màu mỡ này! Tôi ở đây để ôm quý vị và để nhắc quý vị rằng quý vị là vô giá, Giáo hội và Giáo hoàng tin tưởng quý vị, tin vào tương lai của quý vị, một tương lai nằm trong tay quý vị và quý vị xứng đáng được hưởng những ân ban được dành cho quý vị, đó là sự thông minh, khôn ngoan, siêng năng.”
Ở điểm này, Đức Thánh Cha mời gọi người dân Congo can đảm đứng lên, cầm lấy viên kim cương trong tay là phẩm giá và ơn gọi để gìn giữ sự hài hòa và bình yên cho ngôi nhà đang sinh sống, để sống lại tinh thần của quốc ca: “Qua cần cù lao động, xây dựng đất nước tươi đẹp hơn xưa, trong hòa bình”.
Đức Thánh Cha giải thích: “Quý vị thân mến, kim cương thường rất hiếm, nhưng ở đây có rất nhiều. Nếu điều này đúng với sự giàu có vật chất ẩn chứa trong lòng đất, thì điều này càng đúng hơn với của cải tinh thần ở trong tâm hồn quý vị. Bởi vì chính từ tâm hồn mà hòa bình và phát triển được sinh ra, bởi vì, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, con người có khả năng thực thi công lý và tha thứ, hòa hợp và hòa giải, cam kết và kiên trì sử dụng tốt những tài năng đã nhận được. Vì thế, khi bắt đầu cuộc hành trình, tôi muốn đưa ra lời kêu gọi: Mong sao mỗi người dân Congo cảm thấy được kêu gọi thực hiện phần việc của mình! Ước mong bạo lực và hận thù không còn chỗ trong trái tim hay trên môi miệng của bất kỳ ai, bởi vì chúng là những cảm xúc vô nhân đạo và chống lại Kitô giáo, làm tê liệt sự phát triển và đưa chúng ta trở lại một quá khứ ảm đạm”.
Kêu gọi không bóc lột châu Phi
Theo Đức Thánh Cha, là một bi kịch khi những nơi này, và nói chung là toàn lục địa châu Phi, vẫn phải chịu đựng nhiều hình thức bóc lột. Sau bóc lột chính trị, một “chủ nghĩa thực dân kinh tế” cũng là tình trạng nô lệ đã đến. Hậu quả là đất nước bị cướp bóc ồ ạt này đã không được hưởng một cách xứng đáng nguồn tài nguyên phong phú của mình. Điều nghịch lý đã xảy ra là sự giàu có của đất đai lại khiến đất nước trở nên “xa lạ” đối với chính người dân của nó. Chất độc của lòng tham đã làm cho những viên kim cương bị vấy bẩn bằng máu. Đây là một bi kịch trước thế giới phát triển kinh tế thường bịt mắt, che tai và bịt miệng. Nhưng đất nước và lục địa này xứng đáng được tôn trọng và lắng nghe; xứng đáng có chỗ đứng và nhận được sự chú ý.
Ngài nói mạnh mẽ: “Không được can thiệp vào Cộng hòa Dân chủ Congo! Không được can thiệp vào châu Phi! Không được bóp nghẹt châu Phi: đó không phải là mỏ để khai thác hoặc vùng đất để cướp phá. Hãy để châu Phi là nhân vật chính cho số phận của mình! Thế giới hãy nhớ đến những thảm hoạ đã xảy ra trong nhiều thế kỷ gây thiệt hại cho người dân địa phương, và không quên đất nước và lục địa này. Châu Phi, nụ cười và niềm hy vọng của thế giới quan trọng hơn. Nếu châu Phi được nói đến thường xuyên hơn, châu lục này sẽ có trọng lượng và uy tín lớn hơn giữa các quốc gia!”
Mở con đường ngoại giao nhân văn
Để thực hiện tiến trình này, Đức Thánh Cha đề nghị mở con đường ngoại giao thực sự nhân văn, một ngoại giao của các dân tộc vì các dân tộc, không tập trung vào kiểm soát đất đai và tài nguyên, sự bành trướng và gia tăng lợi nhuận, nhưng tập trung vào việc tạo cơ hội phát triển cho mọi người. Trong trường hợp của dân tộc này, người ta có cảm tưởng trên thực tế Cộng đồng quốc tế đã cam chịu bạo lực đang nuốt chửng họ. Chúng ta không thể quen với cảnh đổ máu đã đánh dấu đất nước này trong nhiều thập kỷ, khiến hàng triệu người chết nhưng nhiều người không hề biết đến. Thế giới cần phải biết những gì đang xảy ra ở đây.
Ngài nói: “Các tiến trình hòa bình đang diễn ra, điều tôi rất khuyến khích, cần được duy trì bằng các hành động cụ thể và các cam kết cần được duy trì. Tạ ơn Chúa, có những người đang đóng góp cho lợi ích của người dân địa phương và cho sự phát triển đích thực qua các dự án hiệu quả: không chỉ là những can thiệp hỗ trợ nhưng còn là những kế hoạch phát triển toàn diện. Theo nghĩa này, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các quốc gia và các tổ chức đang cung cấp viện trợ đáng kể, hỗ trợ cuộc chiến chống nghèo đói và bệnh tật, hỗ trợ pháp quyền và thúc đẩy tôn trọng nhân quyền. Tôi hy vọng họ có thể tiếp tục thực hiện những nỗ lực này một cách can đảm và trọn vẹn.”
Vẻ đẹp của kim cương đến từ nhiều mặt
Đức Thánh Cha tiếp tục bài diễn văn, trở lại với hình ảnh của viên kim cương. Khi đã được đánh bóng, vẻ đẹp của nó còn đến từ hình dáng, từ sự sắp xếp hài hòa của nhiều mặt. Tương tự như vậy, đất nước này, với di sản quý giá của sự đa nguyên, có đặc tính đa diện. Sự phong phú đó phải được bảo tồn, tránh rơi vào chủ nghĩa bộ lạc và thù địch. Một tinh thần đảng phái, ngoan cố thúc đẩy một nhóm sắc tộc hoặc cho lợi ích cá nhân, sẽ nuôi dưỡng vòng xoáy hận thù và bạo lực, gây thiệt hại cho mọi người, vì ngăn chặn “hoá học lập thể” cần thiết. Thật vậy, từ quan điểm hóa học, điều thú vị là kim cương được tạo thành từ các nguyên tử carbon đơn giản, tuy nhiên, nếu được liên kết theo cách khác, sẽ tạo thành than chì: thực tế, sự khác biệt giữa độ sáng của kim cương và độ tối của than chì đến từ cách thức các nguyên tử riêng lẻ được sắp xếp trong mạng tinh thể. Ngoài ẩn dụ, vấn đề không phải là bản chất của con người hay các nhóm sắc tộc và xã hội, nhưng là cách người ta chọn chung sống với nhau: muốn hay không muốn gặp gỡ nhau, hòa giải và bắt đầu lại đánh dấu sự khác biệt giữa bóng tối xung đột và một tương lai rạng rỡ của hòa bình và thịnh vượng.
Các tôn giáo được mời gọi đóng góp cho tương quan con người
Từ hình ảnh đẹp của kim cương đến từ mọi góc cạnh, và từ câu tục ngữ của quốc gia“Bintu bantu”, mô tả sự giàu có thực sự là con người và các mối quan hệ tốt đẹp của con người, Đức Thánh Cha mời gọi các tôn giáo đóng góp cho sự phong phú này, trong nỗ lực hàng ngày để từ bỏ mọi hình thức gây hấn, cải đạo và cưỡng bức, những phương tiện không xứng đáng với tự do của con người. Bởi vì, khi người ta cố gắng áp đặt những phương tiện đó bằng lừa dối và bạo lực, trong một nỗ lực thiếu phân định để chiêu dụ các tín đồ, họ làm thương tổn lương tâm người khác và họ quay lưng lại với Thiên Chúa chân thật, bởi vì “ở đâu có thần khí của Chúa thì ở đó có tự do” (2Cr 3,17).
Những người cầm quyền được kêu gọi sống trong suốt như pha lê
Một lần nữa trở lại với hình ảnh kim cương, Đức Thánh Cha nói: “Với đặc tính trong suốt, kim cương phản chiếu ánh sáng nhận được một cách tuyệt đẹp. Tương tự như vậy, nhiều người trong quý vị đã toả sáng trong khi thực hiện vai trò của mình. Do đó, những người nắm giữ trách nhiệm dân sự và chính phủ được kêu gọi hoạt động với sự trong suốt như pha lê, sống trách nhiệm đã nhận như một phương tiện phục vụ xã hội. Quyền bính chỉ có ý nghĩa nếu nó trở thành một hình thức phục vụ. Điều rất quan trọng là thực hiện với tinh thần này, tránh sự độc tài, tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng và lòng tham tiền bạc mà tông đồ Phaolô định nghĩa là “cội rễ sinh ra mọi điều ác” (1 Tm 6,10). Đồng thời thúc đẩy các cuộc bầu cử tự do, minh bạch và đáng tin cậy, mở rộng hơn nữa sự tham gia của phụ nữ, người trẻ và các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội vào các tiến trình hòa bình; tìm kiếm công ích và an ninh của người dân hơn lợi ích cá nhân hoặc nhóm; tăng cường sự hiện diện của nhà nước ở mọi nơi trên lãnh thổ; và người tị nạn và những người di tản được chăm sóc. Chúng ta đừng để mình bị thao túng, bị mua chuộc bởi những kẻ kích động bạo lực trong nước, và khai thác nó để thực hiện các giao dịch kinh doanh đáng xấu hổ. Điều này chỉ dẫn đến mất uy tín và xấu hổ, cùng với cái chết và đau khổ. Trái lại, tốt hơn cần ở gần mọi người, để xem họ sống như thế nào. Dân chúng được tin tưởng khi họ cảm thấy sự gần gũi của những người cầm quyền, không phải để tính toán hay phô trương nhưng là để phục vụ.”
Tham nhũng và bất công là bóng tối của xã hội
Đức Thánh Cha nhận xét: “Điều làm lu mờ ánh sáng sự tốt lành trong một xã hội thường là bóng tối của bất công và tham nhũng. Nhiều thế kỷ trước, Thánh Augustinô, người sinh ra ở lục địa này, đã hỏi: “Nếu công lý không được tôn trọng, thì các quốc gia là gì nếu không phải là một liên minh lớn của những tên trộm?” (De civ. Dei, IV, 4). Thiên Chúa luôn đứng về phía những ai đói khát công lý (Mt 5,6). Chúng ta không được mệt mỏi trong việc thúc đẩy luật pháp và bình đẳng trong mọi lĩnh vực, chống lại sự không trừng phạt và thao túng luật pháp và thông tin”.
Ưu tiên giáo dục cho trẻ em
Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn mời gọi những người có trách nhiệm quan tâm đến việc giáo dục các trẻ em. Bởi vì theo ngài, một viên kim cương được đưa lên từ mặt đất có giá trị, nhưng thô ráp cần được đánh bóng. Những viên kim cương quý giá nhất của Congo là những trẻ em của quốc gia này; các em cần được tiếp cận với một nền giáo dục giúp các em có thể tỏa sáng những tài năng bẩm sinh. Giáo dục là nền tảng: đó là con đường dẫn tới tương lai, con đường cần thực hiện để đạt được tự do hoàn toàn cho đất nước này và lục địa châu Phi. Điều cấp thiết là phải đầu tư vào giáo dục để chuẩn bị cho xã hội, các em được củng cố nếu được giáo dục tốt, và tự chủ chỉ khi các em nhận thức được khả năng của chính mình và có khả năng phát triển chúng với trách nhiệm và sự kiên trì. Nhưng nhiều trẻ em không được đi học. Nhiều em, thay vì nhận được một nền giáo dục tốt, lại bị bóc lột! Nhiều em bị chết, phải lao động khổ sai trong hầm mỏ. Cần phải nỗ lực hết sức để tố cáo và cuối cùng là chấm dứt tai họa lao động trẻ em. Biết bao thiếu nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội và nhân phẩm của họ bị xâm phạm! Trẻ em, trẻ nữ và tất cả những người trẻ đại diện cho niềm hy vọng cho tương lai: chúng ta đừng để niềm hy vọng đó bị dập tắt, nhưng hãy nuôi dưỡng nó bằng niềm say mê!
Kết thúc ngày thứ nhất chuyến tông du
Sau khi kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha chào những người hiện diện và đến Toà Sứ Thần cách đó 750 mét để nghỉ đêm. Kết thúc ngày thứ nhất của chuyến tông du tại CHDC Congo.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.