ĐTC cảnh báo chống lại một thứ luân lý lạnh lùng, trên bàn giấy
Hồng Thủy - Vatican News
Có tương quan sống động với Dân Chúa
Nói chuyện với các tham dự viên hội nghị do Học viện Giáo hoàng Anphongsô ở Roma tổ chức, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “Mọi đề xuất thần học-luân lý đều có nền tảng tối hậu này là: chính tình yêu của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta, hướng dẫn các lựa chọn cá nhân và hành trình cuộc sống của chúng ta.” “Do đó, các nhà thần học luân lý, các nhà truyền giáo và các cha giải tội được mời gọi bước vào mối liên hệ sống động với Dân Chúa, đặc biệt đón nhận tiếng kêu của những người bé mọn nhất, để hiểu những khó khăn thực sự của họ, để nhìn vào cuộc sống từ góc độ của họ và cung cấp cho họ những câu trả lời phản chiếu ánh sáng tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha.”
Nền thần học luân lý mang tính yêu thương nhân hậu
Đức Thánh Cha lưu ý, trung thành với truyền thống Anphongsô, họ tìm cách đưa ra một đề xuất về đời sống Kitô hữu, “trong khi tôn trọng những đòi hỏi của suy tư thần học, không phải là một nền luân lý lạnh lùng, trên bàn giấy.” Ngược lại, đó phải là đề xuất “đáp ứng một sự phân định mục vụ mang tính yêu thương nhân hậu, nhằm mục đích hiểu biết, tha thứ, đồng hành và trên hết là hội nhập.”
Lương tâm trưởng thành
Hội nghị đã bắt đầu bằng việc suy tư về lương tâm và tính năng động của việc đào tạo nó. Theo Đức Thánh Cha, đây là một chủ đề quan trọng. Ngài nói rằng, “trước sự thay đổi nhanh chóng và phức tạp của thời đại mà chúng ta đang sống, chỉ những người có lương tâm trưởng thành mới có thể thực hiện, trong xã hội, vai trò truyền giáo lành mạnh để phục vụ anh chị em mình.”
Những suy tư về đạo đức sinh học và đạo đức xã hội
Đức Thánh Cha cũng cảm ơn các nhà thần học luân lý vì những suy tư của họ về đạo đức sinh học và đạo đức xã hội, đồng thời nhấn mạnh tính thời đại của chúng hơn bao giờ hết. Ngài nói: “Khủng hoảng môi trường, quá trình biến đổi sinh thái, chiến tranh, một hệ thống tài chính có thể điều chỉnh cuộc sống của con người đến mức tạo ra những nô lệ mới, thách thức xây dựng tình huynh đệ giữa con người và giữa các dân tộc: những vấn đề này phải kích thích chúng ta nghiên cứu và đối thoại”. (CSR_1215_2023)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.