ĐTC gặp gỡ các tu sĩ dòng Chúa Thánh Thần
Hồng Thủy - Vatican News
Dòng Chúa Thánh Thần được phó tế Claude-François Poullart des Places thành lập vào năm 1703. Ngày 10/9/1848, theo ý Đức Piô IX, dòng được hợp nhất với dòng Thánh Tâm Đức Mẹ, đã được Đấng đáng kính François Libermann thành lập vào năm 1841.
Trong bài nói chuyện, dựa trên câu Kinh Thánh trong sách ngôn sứ Isaia – “Này Ta đang làm một điều mới mẻ” - Đức Thánh Cha chia sẻ với họ về một số giá trị cơ bản trong đặc sủng của dòng: can đảm, cởi mở và phó thác cho hoạt động của Thần Khí để làm một điều gì đó mới mẻ.
Hai lần thành lập
Nhắc lại lịch sử của dòng Chúa Thánh Thần, với hai lần thành lập, Đức Thánh Cha nói rằng lịch sử của dòng ngay từ đầu đã thể hiện những giá trị nói trên. Trước hết, dòng được thành lập bởi một phó tế trẻ, với mười hai bạn đồng hành trong chủng viện, được Thánh Thần thúc đẩy, can đảm dấn thân vào một cuộc phiêu lưu bất ngờ. Thay vì chọn là một linh mục tốt từ một gia đình có điều kiện, vị sáng lập đã chấp nhận hy sinh, hiểu lầm và chống đối, với sức khỏe rất mong manh, ngay cả trước khi có thể nhìn thấy giấc mơ của mình trở thành sự thật, vì một sứ vụ chưa được thấy rõ.
Khi dòng được thành lập lần thứ hai, vào năm 1848, hợp nhất với dòng Thánh Tâm Đức Mẹ, Đức Thánh Cha nói, Chúa Thánh Thần “yêu cầu cộng đoàn chia sẻ tất cả thành quả của quá khứ trong một bối cảnh mới... Để làm được điều này, chắc chắn cần phải vượt qua nỗi sợ hãi và sự ghen tị, và các anh em của hai gia đình chấp nhận thử thách, hợp lực và chia sẻ những gì họ có trong một khởi đầu mới.”
Phần thưởng của Chúa Quan phòng
Ngày nay khoảng 2.600 tu sĩ của dòng Chúa Thánh Thần hiện diện ở 60 quốc gia tại 5 châu lục, cùng với sự tham gia của nhiều giáo dân. Đức Thánh Cha nói rằng đây là sự ban thưởng của Chúa Quan phòng cho sự quảng đại và can đảm vâng theo Chúa Thánh Thần của họ. “Nhờ sự sẵn sàng thay đổi và sự kiên trì, anh chị em đã trung thành với tinh thần khởi nguồn của mình: truyền giáo cho người nghèo, chấp nhận sứ mạng ở nơi không ai muốn đến, ưu tiên phục vụ những người bị bỏ rơi nhất, tôn trọng các dân tộc và nền văn hóa, đào tạo giáo sĩ địa phương và giáo dân hướng tới sự phát triển toàn diện của con người, tất cả đều trong tình huynh đệ và đời sống giản dị và chuyên cần cầu nguyện.”
Sự cởi mở và tôn trọng
Và Đức Thánh Cha nhận xét rằng đặc sủng của dòng, sự cởi mở và tôn trọng, ngày nay đặc biệt quý giá, trong một thế giới mà thách thức về tính liên văn hóa và hòa nhập đang sống động và cấp bách, bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội. Do đó ngài mời gọi họ “đừng từ bỏ lòng can đảm và sự tự do nội tâm của anh em, hãy vun trồng nó và biến nó thành một đặc điểm sống động trong hoạt động tông đồ của anh em”. (CSR_1837_2023)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.