Kinh Truyền Tin (18/2): Đi vào sa mạc nội tâm để nhìn thấy mình

Trưa Chúa Nhật ngày 18/2, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay, về việc Chúa được đưa vào sa mạc và chịu cám dỗ.

Vatican News

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc (x. Mc 1,12-15). Bản văn viết: “Ngài ở trong sa mạc bốn mươi ngày, bị Satan cám dỗ”. Trong Mùa Chay, chúng ta cũng được mời gọi “đi vào sa mạc”, nghĩa là đi vào thinh lặng, đi vào thế giới nội tâm, lắng nghe con tim, chạm đến sự thật. Trong sa mạc – Tin Mừng hôm nay cho biết thêm – Chúa Kitô “ở giữa dã thú và có các thiên thần phục vụ Người” (c. 13). Dã thú và thiên thần là bạn đồng hành của Người. Nhưng, theo nghĩa biểu tượng, họ cũng là bạn đồng hành của chúng ta: trên thực tế, khi chúng ta đi vào sa mạc nội tâm, chúng ta có thể gặp dã thú và thiên thần.

Dã thú. Theo nghĩa nào? Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta có thể coi chúng như những đam mê hỗn loạn đang chia cắt, cố gắng chiếm hữu trái tim chúng ta. Chúng chi phối chúng ta, dường như quyến rũ nhưng nếu không cẩn thận, chúng có nguy cơ xé nát chúng ta thành từng mảnh. Chúng ta có thể đặt tên cho những con “dã thú” này của tâm hồn: những tật xấu khác nhau, ham muốn của cải, vốn giam cầm trong toan tính và bất mãn, sự phù phiếm của thú vui, dẫn đến sự bồn chồn và cô đơn, và thậm chí cả lòng tham danh vọng, tạo ra sự bất an và nhu cầu liên tục cần sự công nhận và muốn trở thành nhân vật chính. Đừng quên những điều này mà chúng ta gặp bên trong chúng ta: ham hố, sự phù phiếm và tham lam. Chúng như những con “dã thú” và vì vậy chúng phải được thuần hóa và khuất phục: nếu không chúng sẽ nuốt chửng sự tự do của chúng ta. Mùa Chay giúp chúng ta đi vào sa mạc bên trong để sửa chữa những điều này.

Và sau đó, trong sa mạc còn có các thiên thần. Họ là những sứ giả của Thiên Chúa, những vị giúp đỡ chúng ta, làm điều tốt cho chúng ta; thực ra, đặc tính của họ theo Tin Mừng là phục vụ (xem câu 13): hoàn toàn trái ngược với sở hữu, đặc trưng của những đam mê. Phục vụ trái ngược với sở hữu. Các thiên thần, ngược lại, gợi nhớ lại những tư tưởng và tình cảm tốt đẹp do Chúa Thánh Thần khơi nên. Trong khi những cám dỗ xé nát chúng ta, những nguồn cảm hứng tốt lành của Thiên Chúa hiệp nhất chúng ta và giúp cho chúng ta đi vào trong sự hài hòa: chúng làm dịu tâm hồn, chúng thấm nhuần hương vị của Chúa Kitô, “hương vị Thiên Đàng”. Để đón nhận được sự soi sáng của Thiên Chúa, chúng ta cần đi vào trong sự thinh lặng và cầu nguyện. Và Mùa Chay là thời gian để làm điều này. Chúng ta tiến bước.

Chúng ta có thể tự hỏi: trước hết, đâu là những đam mê hỗn loạn, những “dã thú” đang khuấy động trong lòng tôi? Và thứ hai: để cho tiếng Chúa nói với tâm hồn tôi và bảo vệ nó mãi mãi, tôi có đang nghĩ đến việc rút lui một chút vào “sa mạc”, hay tìm thời gian trong ngày, dành không gian để suy nghĩ về điều này không?

Xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh, Đấng đã tuân giữ Lời Chúa và không để mình bị lấn lướt bởi những cám dỗ của ác thần, trợ giúp chúng ta trong thời gian Mùa Chay.

---

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến tình trạng chiến tranh và xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là đã 10 tháng xung đột vũ trang tại Sudan làm cho tình hình nhân đạo trở nên tồi tệ. Ngài tiếp tục kêu gọi cầu nguyện cho hoà bình.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi cầu nguyện cho các thành viên của Giáo triều, sẽ bắt đầu Linh thao từ hôm nay. Ngài cũng mời gọi: “Tôi mời gọi các cộng đoàn và các tín hữu hãy dành thời gian Mùa Chay này và trong suốt năm chuẩn bị cho Năm Thánh, tức là Năm Cầu Nguyện, dành những thời điểm cụ thể để hồi tâm trước sự hiện diện của Chúa”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

18 tháng hai 2024, 12:44

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >