Tìm kiếm

Kinh Truyền Tin (2/6): Trở nên tấm bánh được bẻ ra cho người khác

Trưa Chúa Nhật 2/6, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng về Bữa Tiệc Ly.

Vatican News

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Hôm nay, tại Ý và các quốc gia khác, Giáo hội mừng Lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa. Tin Mừng phụng vụ hôm nay kể cho chúng ta về Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu (Mc 14,12-26), trong đó Người thực hiện cử chỉ trao ban: thật vậy, nơi tấm bánh bẻ ra và nơi chén được trao cho các môn đệ, Chúa tự hiến cho toàn thể nhân loại và trao ban chính mình vì sự sống của thế giới.

Trong cử chỉ bẻ bánh này của Chúa Giêsu, Tin Mừng nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng bằng câu “Người trao cho họ” (c. 22). Chúng ta ghi khắc lời này: Người đã trao cho các môn đệ. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể trước hết nhắc lại chiều kích trao ban. Chúa Giêsu cầm lấy bánh không phải để tự mình ăn nhưng để bẻ ra và trao cho các môn đệ, qua đó mặc khải căn tính và sứ mạng của Người. Người không giữ sự sống cho mình mà trao ban cho chúng ta; Người không coi việc Người giống Thiên Chúa là một kho báu đáng ghen tị, nhưng Người đã lột bỏ vinh quang để chia sẻ nhân tính của chúng ta và dẫn chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu (x. Phil 2:1-11). Trọn cả cuộc đời, Chúa Giêsu đã trở nên một món quà.

Do đó chúng ta hiểu rằng việc cử hành Thánh Thể và ăn Bánh này, như chúng ta làm đặc biệt vào các ngày Chúa Nhật, không phải là một hành vi thờ phượng tách rời khỏi cuộc sống hay một giây phút an ủi cá nhân đơn thuần; chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho các môn đệ, và do đó, sự hiệp thông với Người giúp chúng ta cũng có thể trở thành tấm bánh được bẻ ra cho người khác, để chia sẻ những gì chúng ta là và những gì chúng ta có. Thánh Leo Cả đã nói: “Việc chúng ta tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có mục đích nào khác hơn là làm cho mình trở nên những gì chúng ta ăn” (Bài giảng XII về Cuộc Thương Khó, 7).

Đây là điều chúng ta được mời gọi thực hiện: trở thành những gì chúng ta ăn, trở thành “thánh thể”, nghĩa là trở nên những người không còn sống cho chính mình (xem Rm 14,7) theo cách nghĩ của sở hữu và tiêu thụ, nhưng biết cách làm thế nào để biến cuộc sống của mình thành một món quà cho người khác. Như vậy, nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những ngôn sứ và những người xây dựng một thế giới mới: khi chúng ta vượt qua tính ích kỷ và mở lòng ra với tình yêu, khi chúng ta vun trồng những mối dây huynh đệ, khi chúng ta thông phần vào những đau khổ của anh em mình và chia sẻ lương thực và tài nguyên cho những người đang cần giúp đỡ, khi chúng ta sẵn sàng sử dụng tài năng của mình cho người khác, thì chúng ta đang bẻ tấm bánh cuộc đời của mình giống như Chúa Giêsu.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi chỉ giữ cuộc sống của tôi cho riêng mình hay tôi sẽ cho đi như Chúa Giêsu? Tôi trao ban chính mình cho người khác hay đóng lại trong cái tôi nhỏ bé của mình? Và, trong những cảnh đời thường nhật, tôi có biết chia sẻ hay tôi luôn tìm lợi ích cho riêng mình?

Xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã đón nhận Chúa Giêsu là Tấm Bánh từ trời, và trao hiến trọn vẹn cùng với Người, cũng giúp chúng ta trở thành một món quà tình yêu, hiệp nhất với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

02 tháng sáu 2024, 12:00

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >