Tìm kiếm

ĐTC Phanxicô gặp giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bỉ

Sáng thứ Bảy, ngày 28/9, sau khi dâng Thánh lễ riêng, gặp một số lãnh đạo của Liên minh Âu châu, vào lúc 10 giờ 00, Đức Thánh Cha đến Vương cung Thánh đường Thánh Tâm Koekelberg, cách Toà Sứ thần khoảng 10 km, để gặp gỡ giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bỉ.

Vatican News

Vương cung Thánh đường Thánh Tâm Koekelberg

Vương cung thánh đường Thánh Tâm
Vương cung thánh đường Thánh Tâm

Vương cung Thánh đường Thánh Tâm là ngôi thánh đường lớn thứ năm trong số các nhà thờ lớn nhất thế giới, nằm ở ngoại ô huyện Koekelberg. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Art Deco để kỷ niệm 75 năm độc lập của Bỉ, theo ý muốn của vua Leopoldo II. Công việc xây dựng bắt đầu vào năm 1905, do bị gián đoạn trong hai Chiến tranh thế giới, nên hoàn thành vào năm 1971. Ngày 28/1/1952, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nâng nơi thờ phượng lên bậc tiểu vương cung thánh đường

Nhà thờ cao 89 m và dài 167 m, đặc trưng bởi hai tòa tháp cao 65 m và một mái vòm khổng lồ cao khoảng 100 m với đường kính 33 m, từ đây có thể ngắm nhìn quang cảnh tráng lệ xung quanh. Bên trong được trang trí bằng những cửa sổ kính màu.

ĐTC tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm
ĐTC tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm

Cuộc gặp gỡ

Khi đến Vương cung Thánh đường Thánh Tâm, Đức Thánh Cha được Tổng Giám Mục Malines-Bruxelles và cha sở chào đón và đưa Thánh giá cho ngài hôn và nước thánh để rảy. Tiếp đến, hai em bé tiến đến tặng hoa cho ngài.

Cuộc gặp gỡ được bắt đầu bằng lời chào mừng của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bỉ, tiếp đến là những bài thánh ca, các chứng từ của linh mục, nữ tu, nhân viên mục vụ, thần học gia, đại diện đón tiếp các nạn nhân bị lạm dụng, tuyên uý nhà tù.

ĐTC chào thăm một giáo dân
ĐTC chào thăm một giáo dân

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha bắt đầu bài diễn văn khởi từ vị trí địa lý của Bỉ, một ngã tư đường, và Giáo hội Bỉ là một Giáo hội “đang di chuyển”, điều này được thể hiện qua sự cố gắng biến đổi sự hiện diện của các giáo xứ trong khu vực, và phục hồi việc đào tạo giáo dân.

Từ những câu hỏi của các đại diện, Đức Thánh Cha tập trung bài nói chuyện xoay quanh ba cụm từ: loan báo Tin Mừngniềm vui và lòng thương xót.

Đức Thánh Cha tiến vào nhà thờ
Đức Thánh Cha tiến vào nhà thờ

Loan báo Tin Mừng

Đầu tiên là loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha nhận xét, những thay đổi của thời đại và cuộc khủng hoảng đức tin ở phương Tây đã thúc đẩy chúng ta trở lại với điều thiết yếu, nghĩa là Tin Mừng. Một lần nữa, tin vui mà Chúa Giêsu mang đến cho thế giới phải được loan báo cho tất cả mọi người và cho phép chiếu sáng trong tất cả vẻ đẹp của tin vui này. Giống như mọi cuộc khủng hoảng, cuộc khủng hoảng hiện nay làm cho chúng ta bị sốc, làm chúng ta đặt câu hỏi và thay đổi. Đó là một cơ hội quý giá, trong ngôn ngữ Kinh Thánh được gọi là kairòs, như đã xảy ra với Abraham, Mose và các ngôn sứ. Thật vậy, khi chúng ta cảm nghiệm sự hoang tàn, chúng ta phải luôn tự hỏi đâu là sứ điệp mà Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta. Và cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy điều gì? Khủng hoảng cho thấy chúng ta đã chuyển từ một Kitô giáo nằm trong khuôn khổ được xã hội chào đón sang một Kitô giáo “thiểu số”, hay đúng hơn, một Kitô giáo làm chứng. Điều này đòi hỏi lòng can đảm để thực hiện một cuộc hoán cải Giáo hội cho phép những biến đổi mục vụ liên quan đến cách làm việc theo thói quen của chúng ta, và ngôn ngữ mà chúng ta thể hiện đức tin của mình, để chúng thực sự hướng đến công cuộc loan báo Tin Mừng.

Hướng về các linh mục, Đức Thánh Cha nói các linh mục cũng cần sự can đảm này để trở thành những linh mục không chỉ giới hạn mình trong việc bảo tồn hay quản lý một di sản quá khứ, nhưng là những mục tử yêu mến Chúa Giêsu Kitô và chú ý nắm bắt những đòi hỏi thường tiềm ẩn của Tin Mừng khi bước đi với dân thánh Chúa. Khi làm như vậy, đôi khi các mục tử đi trước dân mình, đôi khi ở giữa và đôi khi ở phía sau họ.

Hướng đến người trẻ, đồng thời nhắc lại những gì một đại diện đã nói trước đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng khi chúng ta mang Tin Mừng, Chúa mở lòng chúng ta để gặp gỡ những người khác biệt với chúng ta. Có những ước mơ và linh đạo khác nhau giữa những người trẻ. Phải như vậy, bởi vì có thể có nhiều con đường cá nhân hoặc cộng đoàn, nhưng dẫn chúng ta đến cùng một mục tiêu, gặp gỡ Chúa. Trong Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người và không ai là một bản sao của người khác. Sự hiệp nhất trong Giáo hội không phải là sự đồng nhất, nhưng đúng hơn là tìm kiếm sự hòa hợp trong sự đa dạng.

Ở điểm này, Đức Thánh Cha nhắc đến Thượng hội đồng và lưu ý tiến trình này phải là sự trở lại với Tin Mừng. Đó không phải là ưu tiên những cải cách “thời thượng”, nhưng là tự hỏi, làm thế nào chúng ta có thể mang Tin Mừng đến một xã hội không còn lắng nghe hoặc đã xa rời đức tin? Tất cả chúng ta hãy tự hỏi mình điều này.

Nữ tu trình bày chứng từ
Nữ tu trình bày chứng từ

Niềm vui

Đức Thánh Cha tiếp tục với suy tư về con đường thứ hai: niềm vui. Ngài giải thích: “Chúng ta không nói về những niềm vui chóng qua, cũng không phải về việc đắm chìm trong các mô hình thoát ly thực tế hoặc giải trí tiêu dùng. Chúng ta đang nói về một niềm vui lớn hơn, đồng hành và nâng đỡ cuộc sống chúng ta, ngay cả trong những lúc đen tối hoặc đau khổ. Đây là một món quà đến từ trên cao, từ Thiên Chúa. Đó là niềm vui của những tâm hồn được Tin Mừng thắp sáng. Đó là biết rằng chúng ta không đơn độc trên hành trình của mình và ngay cả trong những tình huống nghèo đói, tội lỗi và hoạn nạn, Thiên Chúa vẫn gần gũi. Người quan tâm đến chúng ta và sẽ không cho phép cái chết có tiếng nói cuối cùng”.

Trích lời Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI “Nơi nào thiếu niềm vui và sự hài hước chết, thì ở đó ngay cả Chúa Thánh Thần cũng không còn [...] và ngược lại: Niềm vui là dấu hiệu của ân sủng”, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người phải làm sao để việc rao giảng, cử hành, phục vụ và tông đồ tỏa ra niềm vui tâm hồn, vì điều này sẽ nảy sinh những câu hỏi và thu hút ngay cả những người ở xa. Ở điểm này, ngài cám ơn đại diện của một nữ tu đã trình bày chứng từ trước đó: “Niềm vui là con đường. Khi sự trung thành dường như khó khăn, chúng ta phải cho thấy, như anh chị em đã nói, rằng đó là ‘con đường dẫn đến hạnh phúc’. Rồi bằng cách tập trung vào nơi con đường dẫn đến, chúng ta sẵn sàng hơn để bắt đầu cuộc hành trình”.

Các nữ tu
Các nữ tu

Lòng thương xót

Đức Thánh Cha nói đến điểm cuối cùng: lòng thương xót. Tin Mừng, được chào đón và chia sẻ, đón nhận và trao tặng, dẫn chúng ta đến niềm vui vì làm cho chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, Đấng được thúc đẩy đến lòng trắc ẩn đối với chúng ta, Đấng nâng chúng ta lên khi chúng ta vấp ngã và không bao giờ rút lại tình yêu của Người dành cho chúng ta. Cần phải ghi nhớ trong lòng rằng Thiên Chúa không bao giờ rút lại tình yêu của Người dành cho chúng ta. “Ngay cả khi tôi đã phạm điều gì đó nghiêm trọng?”. Thiên Chúa không bao giờ rút lại tình yêu của Người dành cho anh chị em. Điều này đôi khi có vẻ “bất công”, khi chúng ta phải đối diện với kinh nghiệm về sự dữ, bởi vì chúng ta chỉ đơn giản áp dụng một công lý thế gian nói rằng, “Bất cứ ai làm sai thì phải trả giá”. Tuy nhiên, công lý của Thiên Chúa cao cả hơn: những người đã phạm sai lầm được kêu gọi sửa chữa những lỗi lầm của họ. Nhưng họ cần tình yêu thương xót Chúa để chữa lành tâm hồn. Chính nhờ lòng thương xót mà Thiên Chúa biện hộ cho chúng ta; Người làm cho chúng ta trở nên công chính bằng cách ban cho chúng ta một trái tim mới, một cuộc sống mới.

Đức Thánh Cha giải thích đây là lý do tại sao ngài muốn hướng với một chứng từ trước đó nói về sự lạm dụng. Theo ngài, lạm dụng tạo ra đau khổ và vết thương tàn bạo, phá hoại ngay cả con đường đức tin. Và cần phải có rất nhiều lòng thương xót để giữ cho tâm hồn chúng ta không chai đá trước đau khổ của các nạn nhân, để chúng ta có thể giúp họ cảm nhận được sự gần gũi của chúng ta và ban tặng tất cả sự giúp đỡ mà chúng ta có thể. Chúng ta phải học hỏi từ họ, để trở thành một Giáo hội phục vụ tất cả mọi người mà không coi thường bất cứ ai. Thật vậy, một trong những gốc rễ của bạo lực bắt nguồn từ sự lạm dụng quyền bính khi chúng ta sử dụng các vị trí mà chúng ta có để đè bẹp hoặc thao túng người khác.

Giải thích thêm về lòng thương xót, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của một người trước đó nói về mục vụ nhà tù. Ngài nói: “Lòng thương xót là một từ khóa cho các tù nhân. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không tách mình ra khỏi những vết thương và ô uế của chúng ta. Người biết rằng tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm, nhưng không ai được tạo dựng sai lầm. Không ai bị hư mất mãi mãi. Đúng là khi đi theo tất cả các con đường của công lý trần gian và các quá trình con người, thì tâm lý và tội phạm có liên quan; nhưng trừng phạt phải là một loại thuốc; phải dẫn đến sự chữa lành. Mọi người phải được giúp đỡ để đứng dậy và trở lại con đường của mình trong cuộc sống và xã hội. Chúng ta hãy nhớ rằng: tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm, nhưng không ai được tạo dựng sai, không ai bị hư mất mãi mãi. Lòng thương xót, luôn luôn là lòng thương xót”.

Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha đề cập đến một tác phẩm nghệ thuật của René Magritte, họa sĩ nổi tiếng của Bỉ, có tựa đề L'acte de foi [Hành động của Đức tin]. Tác phẩm mô tả một cánh cửa đóng kín từ bên trong, nhưng bị phá vỡ ở giữa, mở ra bầu trời. Hình ảnh mời gọi chúng ta đi xa hơn, hướng cái nhìn của chúng ta về phía trước và hướng lên trên và không bao giờ khép lại chính mình. Đó là một hình ảnh Đức Thánh Cha để lại cho Giáo hội Bỉ như một biểu tượng của một Giáo hội không bao giờ đóng kín, một Giáo hội cống hiến cho mọi người một sự mở ra cho sự vô hạn, và biết cách nhìn xa hơn. Đây là Giáo hội rao giảng Tin Mừng, sống niềm vui Tin Mừng và thực hành lòng thương xót.

Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha

Sau bài nói chuyện của Đức Thánh Cha, buổi gặp gỡ được tiếp tục với thánh ca Đức Mẹ, phép lành. Sau đó Đức Thánh Cha lên xe trở về Toà Sứ thần Toà Thánh để dùng bữa trưa.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

28 tháng chín 2024, 12:03