Tìm kiếm

2024.11.05 Pontificia Universita' Gregoriana - Incontro con la Comunita' Accademica

Thăm Đại học Gregoriana, ĐTC Phanxicô cảnh giác sự hời hợt trong đào tạo đức tin

Thăm Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma vào sáng ngày 5/11/2024, Đức Thánh Cha cảnh giác các giảng viên và sinh viên tránh trở thành “môn đệ của linh đạo Coca-Cola”, cách nói ẩn dụ ám chỉ sự tiếp cận hời hợt đối với việc đào tạo đức tin.

Vatican News

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Anh chị em đã tự hỏi mình đang đi đâu và tại sao lại làm những điều mình đang làm chưa?” Ngài nói tiếp: “Cần phải biết mình đang đi đâu mà không đánh mất tầm nhìn về đường chân trời kết nối con đường của mỗi người với mục đích hiện tại và cuối cùng”.

Lấy ví dụ về Thánh Phanxicô Xaviê, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến nhu cầu “trở thành những nhà truyền giáo vì tình yêu thương dành cho anh chị em mình và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa”.

Ngài thúc giục cộng đồng học thuật tránh “những giả định biến dự án của Thiên Chúa thành thứ gì đó quan liêu, cứng nhắc và thiếu sự ấm áp khi áp đặt các chương trình nghị sự và tham vọng lên trên các kế hoạch của sự quan phòng”.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha kêu gọi đưa “trái tim” vào công tác đào tạo, cảnh báo rằng nếu không có nó, giáo dục sẽ trở thành “chủ nghĩa duy lý trí khô khan hoặc chủ nghĩa ái kỷ lệch lạc”.

Ngài kêu gọi một trường đại học có “mùi của người dân”, nơi thúc đẩy trí tưởng tượng và thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, “Đấng luôn đi đầu trong một thế giới dường như đã đánh mất trái tim mình”.

Ngài than thở rằng “thế giới đang bốc cháy” do “sự điên rồ của chiến tranh, bao phủ mọi hy vọng bằng bóng tối của cái chết”.

Đức Thánh Cha cũng thúc giục cộng đồng học thuật “mở rộng tầm nhìn của trái tim” và tìm kiếm sự thống nhất trong sự đa dạng thông qua việc trao đổi khả năng, kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về các truyền thống Đông phương. Ngài thúc giục tránh những ý tưởng trừu tượng nảy sinh trong các văn phòng và cổ võ “tiếp xúc với cuộc sống của người dân, biểu tượng của các nền văn hóa và tiếng kêu đau khổ của người nghèo”.

Chuyến thăm đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lịch sử của đại học Gregoriana, mới hợp nhất ba tổ chức giáo dục - Collegium Maximum, Học viện Kinh Thánh và Học viện Đông phương - theo chỉ thị của Đức Thánh Cha.

Được thành lập vào năm 1551 bởi Thánh Inhaxiô thành Loyola với tên gọi là Học viện Roma, Đại học Giáo hoàng Gregoriana hiện có 2.952 sinh viên từ 121 quốc gia đang theo học thần học, triết học, giáo luật, tâm lý học và nhân chủng học, cùng nhiều chuyên ngành khác.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

06 tháng mười một 2024, 11:27