Tiếp kiến chung 20/11/2024 - ĐTC Phanxicô: Không có Kitô hữu hạng hai; mỗi người có đặc sủng hữu ích cho cộng đoàn

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 20/11, Đức Thánh Cha đã chia sẻ các đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho các Kitô hữu. Ngài mời gọi các tín hữu khám phá lại các đặc sủng để việc hiểu được sự phong phú của các đặc sủng giúp đánh giá cao vai trò của giáo dân trong Giáo hội, vì giáo dân có những đặc sủng và ân sủng riêng để đóng góp cho sứ mạng của Giáo hội. Đây không phải là những khả năng ngoạn mục, mà là những món quà bình thường có giá trị phi thường vì được Chúa Thánh Thần linh hứng.

Vatican News 

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng những đặc sủng, dù lớn hay nhỏ, đều phục vụ cho đức ái; tình yêu của Chúa Kitô là nguồn gốc của các ân sủng và các ân sủng hướng đến tình yêu Chúa. Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu hãy cảm tạ Chúa Thánh Thần đã tô điểm cho Giáo hội bằng những ân sủng đa dạng này và cầu xin Người tiếp tục ban dồi dào các đặc sủng cho Giáo hội.

Đoạn Kinh Thánh được đọc vào đầu buổi tiếp kiến chung trích từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrintô (1Cr 12,4-7.11):

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.  Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong ba bài giáo lý vừa qua, chúng ta đã nói về hoạt động thánh hóa của Chúa Thánh Thần được thực hiện qua các bí tích, trong việc cầu nguyện và trong việc noi gương Mẹ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta hãy lắng nghe một đoạn nổi tiếng của Công đồng Vatican II: “Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hóa và dẫn dắt Dân Chúa nhờ các bí tích và các tác vụ của Giáo hội, hướng dẫn và trang điểm Dân Chúa bằng những nhân đức, mà còn phân phát các ân huệ ‘cho mỗi người theo ý Người muốn’” (x. 1 Cr 12,11). (Lumen Gentium, 12). Cả chúng ta cũng có những ơn cá nhân mà chính Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta.

Đặc sủng được ban cho mỗi người “vì lợi ích chung”

Do đó, đã đến lúc chúng ta phải nói về cách tác động thứ hai của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội, đó là hoạt động qua các đặc sủng. Đây là một từ ngữ hơi khó hiểu và tôi sẽ giải thích nó. Có hai yếu tố để giúp xác định đặc sủng là gì. Thứ nhất, đặc sủng là hồng ân được ban “vì lợi ích chung” (1 Cr 12,7). Nói cách khác, đặc sủng chủ yếu và thông thường không nhằm mục đích thánh hóa con người, nhưng là để “phục vụ” cộng đoàn (1 Pr 4,10). Thứ hai, đặc sủng là ân sủng được ban “cho một người”, hay đặc biệt là “cho một số người”, không phải cho tất cả mọi người theo cùng một cách. Đây là điều phân biệt đặc sủng với ơn thánh hóa, với các nhân đức đối thần và với các bí tích, vốn là những điều cùng được ban chung cho tất cả mọi người. Đặc sủng được ban cho một người hay cho một cộng đoàn cụ thể.

Công đồng cũng giải thích với chúng ta điều này. Công đồng nói rằng Chúa Thánh Thần “ban những ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi phẩm trật, nhờ đó Người làm cho họ thích hợp và sẵn sàng đảm nhận các công việc và chức vụ, hữu ích cho việc canh tân và mở rộng Giáo hội hơn nữa, theo những lời của Thánh Tông đồ [Phaolô]: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7).

Các đặc sủng là những “viên ngọc quý” hay đồ trang sức mà Chúa Thánh Thần ban để làm cho Hiền thê của Chúa Kitô trở nên xinh đẹp. Như vậy chúng ta hiểu tại sao tài liệu của Công đồng kết thúc bằng lời khuyên sau đây. “Dù là ơn thật đặc biệt hay ơn thật đơn sơ hoặc được ban rộng rãi cho nhiều người, những đặc sủng này phải được lãnh nhận với lòng tri ân và niềm an ủi, vì đó là những ơn thích hợp và hữu ích cho những nhu cầu của Giáo Hội” (LG, 12).

Tài liệu của Công đồng không đơn thuần là một tài liệu được viết thật hay, bởi vì chính Chúa Thánh Thần đã tự xác nhận điều này bằng các hành động. Trong bài giảng Thánh lễ Truyền Dầu Thứ Năm Tuần Thánh năm 2012, Đức Biển Đức XVI đã tuyên bố: “Bất cứ ai nhìn vào lịch sử của thời hậu Công đồng đều có thể nhận ra sự năng động của việc canh tân thực sự, điều vốn thường mang những hình thức bất ngờ trong các phong trào tràn đầy sức sống và làm cho sự sống động vô tận của Giáo hội thánh thiện trở nên hữu hình”. Đây là đặc sủng được ban cho một nhóm thông qua một người.

Giáo dân không phải là một kiểu cộng tác viên bên ngoài 

Chúng ta phải khám phá lại các đặc sủng bởi vì điều này bảo đảm rằng việc thăng tiến giáo dân và đặc biệt là phụ nữ không chỉ được hiểu như một sự kiện thể chế và xã hội học, mà còn theo chiều kích Kinh Thánh và thiêng liêng của nó. Thật vậy, giáo dân không phải là những người rốt cùng, không phải là một kiểu cộng tác viên bên ngoài hay “đội quân hỗ trợ” của hàng giáo sĩ. Họ có những đặc sủng và ân sủng riêng để đóng góp vào sứ mạng của Giáo hội.

Đặc sủng không phải là khả năng ngoạn mục và phi thường

Chúng ta hãy nói thêm một điều nữa: khi nói về các đặc sủng, chúng ta phải ngay lập tức xua tan một sự hiểu lầm: đó là việc đồng hóa các đặc sủng với những ân sủng và khả năng ngoạn mục và phi thường; ngược lại, các đặc sủng là những ơn thông thường có giá trị phi thường nếu được Chúa Thánh Thần soi sáng và được thể hiện bằng tình yêu thương trong những hoàn cảnh sống. Cách giải thích như vậy về đặc sủng là điều quan trọng, bởi vì nhiều Kitô hữu, khi nghe về các đặc sủng, cảm thấy buồn bã và thất vọng, vì họ tin chắc rằng họ không có đặc sủng nào và cảm thấy mình là những Kitô hữu bị loại trừ hoặc hạng hai. Không có những Kitô hữu hạng hai. Mỗi người có đặc sủng riêng và cả đặc sủng chung. Thánh Augustinô đã trả lời vấn đề này vào thời của ngài bằng một sự so sánh rất hùng hồn. Ngài nói với dân của ngài: “Nếu bạn yêu quý điều bạn có, thì đó chẳng phải là chuyện nhỏ. Thật vậy, nếu bạn yêu mến sự hiệp nhất, thì bạn cũng có những gì người khác có về sự hiệp nhất. Trên thân thể, chỉ có mắt có thể nhìn thấy; nhưng không lẽ mắt chỉ nhìn thấy bằng chính nó thôi? Không, nó nhìn bằng bàn tay, bàn chân và bằng tứ chi”.

Đức ái nhân rộng các đặc sủng

Điều này cho thấy lý do tại sao đức ái được Thánh Tông đồ định nghĩa là “con đường tốt nhất trong tất cả” (1 Cr 12, 31): nó khiến tôi yêu mến Giáo hội, hay cộng đồng nơi tôi sống và, trong sự hiệp nhất, không chỉ một số mà mọi đặc sủng là những đặc sủng “của tôi”, giống như những đặc sủng “của tôi”, mặc dù có vẻ nhỏ bé, chúng thuộc về mọi người và vì lợi ích của mọi người. Đức ái nhân rộng các đặc sủng; làm cho đặc sủng của một người trở thành đặc sủng của tất cả mọi người. Cám ơn anh chị em!

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

20 tháng mười một 2024, 14:31

Các buổi tiếp kiến chung mới nhất

Đọc tất cả >