Chờ đợi Tông Hiến mới về Giáo Triều Roma
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
Ngày 13 tháng 3-2020 tới đây, ĐTC Phanxicô sẽ kỷ niệm 7 năm được bầu làm Giáo Hoàng. Trong bối cảnh này, người ta hy vọng được thấy một văn kiện đúc kết thành quả cuộc cải tổ Giáo triều Roma ngài đã khởi xướng, theo lời yêu cầu của Hồng y đoàn trong những phiên họp trước mật nghị Hồng Y bầu giáo hoàng.
Tiến trình khởi đầu
Các hoạt động ban đầu của Hội đồng Hồng Y, gồm 8 vị cố vấn do ĐTC chọn, tất cả hầu như là những vị đại diện cho các châu lục (Italia, Honduras, Chile, Đức, Mỹ, Australia, Congo Kinshasa và Ấn độ), nhưng không phải là những người am tường guồng máy giáo triều. Vị Hồng Y cố vấn duy nhất người Ý trong số đó là ĐHY Giuseppe Bertello, làm sứ thần Tòa Thánh ở nhiều nơi, và hiện là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về quốc gia thành Vatican, một chức vụ không thuộc giáo triều đúng nghĩa. Vì thế giai đoạn ban đầu có nhiều điều không chính xác và có những tín toán sai. Sau đó, ĐTC đã bổ nhiệm thêm ĐHY Pietro Parolin, quốc vụ khanh Tòa Thánh, thực sự là người bên trong guồng máy. Với thời gian, số Hồng Y cố vấn giảm dần, mất đi 3 thành viên từ Chile, Australia và Congo, và ĐTC không bổ người thay thế.
Cho đến nay, ĐTC đã dành 7 bài diễn văn với Giáo triều Roma vào dịp cuối năm để đề ra những tiêu chuẩn cần theo để cải tổ giáo triều: từ việc vạch rõ những cám dỗ, những căn bệnh cần chữa trị, và những nhân đức cần thực hiện, cho đến sự hoán cải bản thân và mục vụ, những ưu tiên cần theo đuổi, những tương quan với các thực thể bên ngoài..
32 khóa họp của Hội đồng Hồng Y cố vấn
Trong gần 7 năm qua, Hội đồng Hồng Y cố vấn của ĐTC đã nhóm 32 khóa họp để giúp ngài trong công trình cải tổ, và đã đi đến dự thảo Tông hiến mới, với danh xưng tạm thời là ”Praedicate Evangelcum” (Các con hãy loan báo Tin Mừng). Mấy lần Hội đồng Hồng Y đã tiên báo văn kiện này có thể được công bố, lần đầu tiên vào năm 2018, rồi sau đó, dự kiến vào tháng 6 năm ngoái, 2019, nhưng rồi, con đường có nhiều chướng ngại cần vượt qua.
Vẫn còn chướng ngại
Thực vậy, trong thông cáo vào cuối khóa họp thứ 30 hồi hạ tuần tháng 6 năm ngoái, 2019, các HY Cố Vấn cho biết dự thảo Tông Hiến sẽ được đệ trình ĐTC vào cuối tháng 9 cùng năm 2019, hoặc nếu trễ là cuối năm 2019, sau khi nhận được những góp ý của các HĐGM, các dòng tu và Đại học Công giáo cũng như các chuyên gia. Tiếp đó Hội đồng đã nhận được 200 trang từ các nơi gửi về góp ý, phê bình và đề nghị cải tiến dự thảo và trong mùa hè vừa qua, các ý kiến này đã được cứu xét.
Trong thông cáo ngày 4-12-2019, sau khóa họp thứ 32, Hội Đồng Hồng Y cho biết từ tháng 9 năm 2019 và cho đến vài ngày trước khi khóa họp bắt đầu hồi tháng 12 vừa qua, Hội đồng vẫn nhận được một số đề nghị và nhận xét về dự thảo Tông Hiến mới liên quan đến Giáo Triều. Việc đọc và thẩm định những nhận xét sẽ tiếp tục diễn ra trong khóa họp tới đây, là khóa họp thứ 33, sẽ tiến hành vào tháng 2 năm tới 2020. Giả sử sau đó, Hội đồng Hồng Y cố vấn đệ trình dự thảo lên ĐTC, không có nghĩa là ngài chấp nhận ngay và công bố, có thể ngài sẽ cứu xét thêm và yêu cầu bổ túc. Vì thế người ta chưa thể biết chắc chắn khi nào Tông Hiến mới Praedicate Evangelium sẽ được công bố.
4 cuộc cải tổ trong 430 năm lịch sử Giáo Triều
Trong hơn 430 năm qua, từ khi được chính thức thành lập hồi năm 1588 đến nay, chỉ có 3 vị Giáo Hoàng có can đảm cải tổ guồng máy Giáo Triều, trước hết là thánh Piô 10 vào năm 1908, sau Công đồng chung Vatican I và mất nước Tòa Thánh, kế đến là Thánh Phaolô 6 vào năm 1967 sau Công đồng chung Vatican 2. Sau cùng là Thánh Gioan Phaolô 2 với Tông hiến Pastor Bonus, Mục Tử nhân lành, công bố năm 1988, nhưng thực ra ngài chỉ cải tiến một số điểm nhỏ mà thôi.
ĐTC Phanxicô là vị tiến hành việc cải tổ giáo triều lần thứ 4. Thực sự trong 7 năm qua, ngài đã thay đổi rất nhiều, qua việc gộp các Hội đồng của Tòa Thánh: 9 bộ và 12 hội đồng, được giảm xuống thành 15 cơ quan, gọi là Dicasteri, có phẩm giá ngang nhau về pháp lý. Có dự án ban đầu là giảm vai trò của Phủ Quốc Vụ Khanh, nhưng rồi trong tiến trình như hiện nay, Phủ này càng gia tăng quyền hành và tầm quan trọng.
Một số dự án trong Tông Hiến mới
Có một số dự án đã được nói tới trong dự thảo Tông Hiến, đó là Bộ truyền giáo sẽ giữ vai trò quan trọng nhất và phân làm 2 phân bộ: một lo về các vấn đề cơ bản liên quan đến việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, và phân bộ thứ hai có nhiệm vụ cống hiến sự đồng hành và nâng đỡ các Giáo phận không thuộc thẩm quyền của Bộ các Giáo Hội Đông Phương.
Bộ giáo lý đức tin không còn tầm quan trọng như trước kia gọi là bộ tối cao. Nay Bộ sẽ nới rộng hoạt động, không phải chỉ kiểm soát đạo lý nhưng còn kích thích những nghiên cứu thần học.
Có thể một bộ mới được thành lập là bộ bác ái: cho đến nay đây chỉ là văn phòng từ thiện của ĐTC, cấp các bằng phép lành Tòa Thánh, để lấy ngân khoản giúp đỡ người nghèo nhân danh ĐTC, nay có thể sẽ trở thành một bộ với một vị Bộ trưởng.
Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích sẽ lo thăng tiến phụng vụ thánh theo giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2, sẽ phê chuẩn chứ không cứu xét hoặc phán đoán các bản dịch phụng vụ do các HĐGM thi hành.
Số nhân viên của giáo triều hiện nay vào khoảng 2.500 người, không những phục vụ ĐTC, nhưng đồng thời cũng phục vụ các GM nữa. Các chức sắc của giáo triều phải có ít là 4 năm kinh nghiệm mục vụ.
Tinh thần cải tổ
ĐTC nhấn mạnh nguyên tắc chủ yếu này trong việc cải tổ, đó là ”cải tổ giáo triều không phải chỉ là thay đổi nhân sự, - chắc chắn là điều này đang và được tiến hành - nhưng nhất là cải tổ bằng sự hoán cải nơi nhân sự. Trong thực tế, ĐTC nói, không phải chỉ thực hiện việc thường huấn, nhưng nhất là phải có sự hoán cải và thanh tẩy liên tục. Nếu không có sự thay đổi não trạng, thì những cố gắng về phương diện chức năng sẽ vô ích”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.