Tìm kiếm

2020.02.06 Abu Dhabi messa di ringraziamento per la visita di Papa Francesco 2020.02.06 Abu Dhabi messa di ringraziamento per la visita di Papa Francesco 

Công giáo và Hồi giáo: từ Abu Dhabi đến Pakistan, hành trình còn phải đi

Mặc dù có tiến bộ rất lớn trong tương quan giữa Công Giáo và Hồi giáo, với Văn kiện về ”Huynh đệ nhân đạo”, nhưng con đường còn dài để tiến tới sự bình đẳng giữa các công dân Kitô và Hồi giáo tại các nước Hồi giáo.

 G. Trần Đức Anh OP

Công giáo và Hồi giáo: từ Abu Dhabi đến Pakistan, hành trình còn phải đi

 Kỷ niệm 1 năm Văn kiện lịch sử

 Hôm 4-2-2020, đã có buổi lễ kỷ niệm đúng 1 năm ký kết Văn kiện về ”Huynh đệ nhân đạo” tại Abu Dhabi, giữa ĐTC Phanxicô và Đại Imam Ahmad al-Tayyib của Đền thờ Hồi giáo Al-Azhar ở Cairo, Ai Cập, là cơ quan lãnh đạo tinh thần của 900 triệu tín hữu Hồi giáo Sunnit.

 Trong sứ điệp Video gửi các tham dự viên buổi kỷ niệm, ĐTC Phanxicô tái bày tỏ ”hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại, một tương lai không còn oán hận, trào lưu cực đoan và khủng bố, và trong đó các giá trị hòa bình, tình thương và huynh đệ được trổi vượt”.

 Quả thực, một bầu không khí hòa dịu và thanh thản đã lan tỏa 1 năm qua trong tương quan giữa Công Giáo và Hồi giáo, từ sau khi hiệp định được ký kết giữa hai vị lãnh đạo; một trang sử mới trong quan hệ giữa Công Giáo và Hồi giáo được mở ra, làm cho nhiều người hy vọng tình trạng của các tín hữu Kitô bị thiệt thòi, bị kỳ thị như những công dân hạng nhì và nhiều khi bị bách hại tại các nước Hồi giáo có hy vọng được cải tiến.

 Văn kiện chung giữa Công Giáo và Hồi Giáo cũng khẳng định rằng ”cần dấn thân thiết lập trong các xã hội chúng ta một ý niệm về quyền công dân trọn vẹn và từ khước dùng những từ ngữ thiểu số có tính chất kỳ thị, chứa đựng trong đó những mầm mống làm cho ta cảm thấy bị cô lập và thấp kém”. Văn kiện cũng bênh vực và cổ võ việc giáo dục cho phụ nữ, loại bỏ mọi hình thức kỳ thị nữ giới, đồng thời bênh vực trẻ em.

 Một sự kiện đau thương tiêu biểu tại Pakistan

 Nhưng có một sự kiện trớ trêu là cùng thời điểm mừng kỷ niệm 1 năm Văn kiện chung về tình huynh đệ nhân loại, đó là tại Pakistan, ngày 3-2-2020, tòa thượng thẩm bang Sindh đã nhìn nhận giá trị của hôn nhân giữa một thiếu nữ Công Giáo 14 tuổi với 1 người đàn ông Hồi giáo là hữu hiệu. Thiếu nữ ấy tên là Huma Younus bị người đàn ông ấy bắt cóc, hãm hiếp, bắt phải cưới ông ta và phải theo đạo Hồi. Luật có từ năm 2014 của bang Sindh (Child marriage restraint Act) cấm các cuộc hôn nhân với các trẻ nữ vị thành niên, và dự trù án tù cho người phối ngẫu trưởng thành, nhưng hai thẩm phán của tòa Thượng Thẩm đã xử theo luật Sharia của Hồi giáo đưa ra phán quyết vừa nói dựa trên sự kiện cô Huma Younus đã có kinh nguyệt khi bị bắt cóc, và như vậy là ”sẵn sàng” để kết hôn rồi, theo một qui luật vàng rút từ cuộc sống của ngôn sứ Mohammad. Ông đã cưới nhiều vợ, và một trong những người vợ ấy Aisha, mới có 6 tuổi. Ông kiên nhẫn đợi cho đến khi người vợ này có kinh nguyệt đầu tiên mới hoàn hợp, và lúc đó Aisha mới được 9 tuổi.

 Tình trạng kỳ thị vì luật Sharia

 Bản án tại tỉnh Sindh hôm 3-2-2020 như thể một bản án đối với hàng ngàn thiếu nữ Kitô và cả các thiếu nữ Ấn giáo. Thực vậy, tại Pakistan, mỗi năm có hơn 1 ngàn thiếu nữ thuộc hai tôn giáo này bị bắt cóc, hãm hiếp, bị bó buộc cải đạo theo Hồi giáo và phải cưới một người đàn ông Hồi giáo. Thật là một điều dã man, có từ thế kỷ thứ 8 nhưng vẫn còn được duy trì và áp dụng ở thế kỷ 21 này.

 Đây là trường hợp đầu tiên được đưa tới tòa án, nhờ tổ chức bác ái ”Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” trang trải các phí tổn luật sư và án phí cho song thân của cô Huma Younus.

 Im lặng trong giới Công Giáo

 Tin về bản án bất công cô Huma phải chịu, từ Pakistan hầu như không loan tới tây phương và cả giới Công Giáo. Có cả trang mạng ghi nhận sự kiện ”Báo Quan sát viên Roma” ở Vatican, trong số ra ngày 4 và 5-2-2020, lẽ ra cũng phải nhắc đến tin vụ án bất công mà cô Huma và các tín hữu Công Giáo Pakistan phải chịu, nhưng chỉ có bài ở trang Nhất với tựa đề lớn: ”Một trang mới trong cuộc đối thoại giữa các tôn giáo” với hình ĐGH Phanxicô và Đại Iman Đền thờ Al-Azhar Ahmad al-Tayyib, đang ôm nhau.

 Người ta có cảm tưởng báo này không muốn làm xáo trộn bầu không khí ”hòa bình đại đồng” giữa Hồi giáo và Công Giáo.

 Quốc tế cần gia tăng sức ép trên Pakistan

 Thật ra, Văn kiện về ”tình huynh đệ nhân loại” mạnh mẽ bênh vực các tín hữu Kitô bị kỳ thị tại các nước Hồi giáo và cũng đặc biệt nói đến thân phận phụ nữ như trường hợp cô Huma Younus. Vì thế, một ký giả là ông Stefano Fontana, đã nhận định rằng: ”Bị lạc trong một cái vẻ an bình thanh thản mà im lặng trước thực tại các cuộc bách hại chống Kitô, phần lớn do các chính phủ Hồi giáo tạo nên. Phải chăng ai muốn đón nhận tiếng kêu của những anh chị em Kitô chúng ta. - Thánh Phaolô đã cảnh giác 'Anh chị em không biết anh chị em là chi thể của nhau sao?”, - thì bị coi là làm hỏng mất tình huynh đệ đại đồng đẹp đẽ sao?”

 Nhìn rộng hơn, người ta phải nói: cả các chính phủ và xã hội tây phương cũng có phần trách nhiệm trong việc thúc đẩy nhà cầm quyền Pakistan tôn trọng các quyền con người, kể cả quyền các tín hữu Kitô, nhưng nhiều khi họ chỉ nói miệng mà không hành động. Giả sử các chính quyền Âu Mỹ tạo sức ép, đe dọa ngưng các viện trợ phát triển hoặc chấm dứt chế độ giá cả ưu đãi nhà đó Pakistan có thể buôn bán với Âu Mỹ dễ dàng, cũng đủ thúc đẩy nhà cầm quyền Pakistan xét lại chính sách nhân quyền của họ. Nhưng dường như tại Âu Mỹ, nhiều chính trị gia quan tâm đến việc bênh vực quyền lợi của những người đồng tính luyến ái và phá thai hơn là nhân quyền của các tín hữu Kitô tại các nước Hồi giáo.

 Luật sư Tabassum Youssaf của song thân cô Huma, nhận định rằng ”Để Pakistan có uy tín trước mặt cộng đồng quốc tế, chính phủ nước này đã ban hành những đạo luật che mắt, để Pakistan khỏi bị mất các ngân khoản tài trợ phát triển do tây phương cung cấp hoặc những lợi lộc do quy chế tối huệ quốc mang lại (Generalized System of Preferences).

 Trước tình trạng trên đây, người ta thấy rõ tuy Văn kiện ký tại Abu Dhabi đã mở ra một trang sử mới, nhưng hành trình tiến tới sự tôn trọng thực sự đối với các công dân Kitô tại nhiều nước Hồi giáo, như Pakistan, vẫn còn dài. Mong rằng tinh thần của Văn kiện Abu Dhabi tiếp tục được đi vào mọi chiều kích của cuộc sống các tín hữu Kitô tại các nước Hồi giáo.

 _

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

10 tháng hai 2020, 16:07