Hy vọng của Tòa Thánh sau Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos
Ngọc Yến - Vatican
Cha Augusto nhận định: “Năm nay, có một vài điều khác biệt ở Davos. Nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực giúp đỡ nhau, chúng ta sẽ có thể thấy một sự chuyển đổi căn bản. Cách đây ba năm, tôi không nghĩ Tòa Thánh thực sự có một vị trí trong sự kiện này. Nhưng bây giờ vai trò của Tòa Thánh đã trở nên rõ ràng hơn”.
Cha cho biết, lúc đầu, các nhà tổ chức chỉ đưa các vị đại diện Tòa Thánh vào các nhóm tập trung cùng với các đại diện tôn giáo khác. Điều này chưa thực sự đúng với vai trò của Tòa Thánh, nếu chỉ có vậy các vị đại diện không cần phải đến Davos để nói chuyện. Sau đó, cha Augusto đã đưa ra nhận xét này cho ban tổ chức, và ban tổ chức đã hiểu rõ vai trò của Tòa Thánh, phái đoàn Vatican đã có cơ hội tham gia ngày càng tích cực vào các cuộc thảo luận. Nhưng cha cũng khẳng định lập trường của Tòa Thánh: “Chúng tôi không đến đây để đưa ra bài học, mà là để lắng nghe, thấu hiểu và, khi cần thiết, đưa ra lời cố vấn”.
Cha Augusto giải thích về những bước tiến tích cực trong Diễn đàn này: Lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế đưa vấn đề bách hại Kitô hữu trên thế giới vào thảo luận một cách nghiêm túc. Tiếng nói của Giáo hội ngày càng được những người có quyền trên nền kinh tế thế giới lắng nghe. Ví dụ, có một số diễn giả trong bài thuyết trình đã trích dẫn Thông điệp Laudato Sì của ĐTC Phanxicô, đặc biệt những vấn đề liên quan đến sự cần thiết phải lắng nghe tiếng kêu của trái đất và người nghèo. Ngoài ra, trong thế giới tài chính, ngày càng có nhiều người nói về “các khoản đầu tư có trách nhiệm”; và điều này cũng được lặp lại trong lãnh vực môi trường, xã hội và chính trị.
Tuy nhiên, cha lưu ý rằng Tòa Thánh không phải là một đảng chính trị và không có chương trình kinh tế cụ thể. Ngay cả khi Tòa Thánh xuất hiện ở Assisi vào tháng 3 năm 2020, như là một phần của cuộc gặp gỡ “Nền kinh tế Phanxicô”. Đây là một cuộc hội thảo của các nhà kinh tế và doanh nhân trẻ từ khắp nơi trên thế giới được mời đến thành phố Ý để “nghiên cứu và thực hành một nền kinh tế tích cực. Một nền kinh tế làm cho sống, không loại trừ, nhân bản, chăm sóc sáng tạo”.
Theo cha Augusto vẫn còn nhiều việc phải làm và phải thực hiện nó tận căn trong một thế hệ. Có nhiều hy vọng vì nhiều người đã bắt đầu thay đổi. Và chúng ta, Giáo hội có thể giúp đẩy nhanh những thay đổi này. (Cath.ch 12/02/2020)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.