ĐHY Parolin nói: Trong khủng hoảng đại dịch, đừng đóng kín mình nhưng liên đới với tha nhân
Hồng Thủy - Vatican
Giáo hội gần gũi chia sẻ khó khăn với mọi người
Trước hết, Đức Hồng y cho biết Đức Thánh Cha và giáo triều Roma chia sẻ thời gian khó khăn bi kịch với mọi người. Giáo hội gần gũi với những người đau khổ và thiếu thốn. Đức Thánh Cha vẫn tìm mọi cách có thể để gần gũi mọi người trên khắp thế giới. Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta là một ví dụ. Một ví dụ khác là Đức Thánh Cha không ngừng cầu nguyện cho mọi người.
Thời gian nhận ra mình là thụ tạo yếu đuối, cần tha nhân và cần trở về với Thiên Chúa
Theo Đức Hồng y, trước cuộc khủng hoảng đại dịch, chúng ta nhận ra sự yếu đuối dễ tổn thương của mình, nhận ra mình không phải là những người sáng tạo, nhưng là các thụ tạo nghèo hèn; chúng ta hiện hữu là do có Đấng ban sự sống cho chúng ta. Đồng thời trong thời gian này, chúng ta có cơ hội tái khám phá giá trị của gia đình, tình bạn, các mối liên hệ mà chúng ta thường bỏ qua, sự liên đới, lòng quảng đại, chia sẻ, gần gũi cụ thể trong những điều nhỏ bé. Chúng ta cần tha nhân, cần xã hội. Và đây cũng là thời gian thích hợp để chúng ta hết lòng trở về với Thiên Chúa.
Đức tin giúp tín thác vào Chúa và nhận ra điều tốt quanh mình
Đức tin Kitô giáo giúp chúng ta trong thời gian khó khăn hiện tại biết phó thác vào Chúa hơn, cầu nguyện không ngừng để xin Chúa chấm dứt đại dịch. Đức tin giúp chúng ta nhận ra mọi điều tốt chung quanh mình: các sáng kiến mục vụ của các linh mục tu sĩ, sự dấn thân của giáo dân. Giáo hội gần gũi với các bệnh nhân qua những người chăm sóc họ. Đức Hồng y nói: “Thật là đẹp và có ý nghĩa Tin Mừng khi nghĩ rằng vào thời gian khó khăn, cách nào đó, ngay cả bàn tay của các bác sĩ, y tá, các nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người mỗi ngày an ủi, chữa lành và đồng hành với các bệnh nhân vào giây phút cuối của họ, trở thành những bàn tay của tất cả chúng ta, của Giáo hội, của gia đình để chúc lành, từ giã, tha thứ và an ủi. Đó chính sự âu yếm chữa lành và ban sự sống của Thiên Chúa, ngay cả sự sống vĩnh cửu.”
Không phải là lúc đóng kín bản thân nhưng cần tình liên đới
Cuối cùng, khi cuộc khủng hoảng đại dịch lây lan khắp thế giới, Đức Hồng y nhận định đây là thời gian thực sự cần cầu nguyện và cùng nhau dấn thân để tình liên đới quốc tế không bị mất đi. Ngài nói: “Dù cho tình trạng khẩn cấp, dù cho sợ hãi, đây không phải là lúc khép kín mình với tha nhân… Đây là cơ hội để cảm thấy hiệp nhất hơn và nuôi dưỡng tinh thần liên đới và chia sẻ giữa các quốc gia, giữa các dân tộc, giữa mọi người trên thế giới… (REI 02/04/2020)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.