Vài phản ứng về Tự Sắc trao tác vụ đọc sách và giúp lễ cho nữ giới
Giuse Trần Đức Anh, OP
Cách đây 6 ngày, 11/1/2021, Đức Thánh Cha đã ban hành tự sắc “Spiritus Domini” (Thần Trí của Chúa), thay đổi khoản giáo luật số 230,1 để phụ nữ có thể chính thức lãnh nhận thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ, là những tác vụ họ đã thi hành trong thực tế từ lâu.
Nội dung Tự Sắc
Khoản Giáo Luật 230,1 cho đến nay qui định rằng: “Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Đồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương”.
Nay, trong Tự Sắc “Thần Trí của Chúa”, Đức Thánh Cha thay đổi khoản này như sau:
“Các giáo dân có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Đồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh nhận một cách bền vững - qua nghi lễ phụng vụ đã được thiết định - các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ; tuy nhiên việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương”.
Đức Thánh Cha viết thêm rằng: “Tôi cũng truyền thay đổi các qui định khác hiện hành, khi nói về khoản giáo luật này.
“Điều được quyết định qua Tông Thư tự sắc này, tôi truyền nó có hiệu lực vững chắc và vững bền, bất kỳ những gì trái ngược với nó, dù là đáng được nhắc đến, và quyết định này được công bố qua báo “Quan sát viên Roma” và bắt đầu có hiệu lực cùng ngày, rồi được đăng công báo chính thức của Tông Tòa”.
Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha cho biết ngài đã muốn chấp nhận những đề nghị được đưa ra trong nhiều Thượng Hội Đồng Giám Mục. Đây là những thừa tác vụ giáo dân, hoàn toàn khác biệt với thừa tác vụ thánh chức.
Cùng với Tự Sắc này, Đức Thánh Cha gửi một thư cho Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, qua đó ngài giải thích những lý do thần học khiến ngài đi tới quyết định thay đổi, đặc biệt là sự cấp thiết phải tái khám phá sự đồng trách nhiệm của tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa trong Giáo Hội, và đặc biệt là sứ mạng của hàng giáo dân.
Các phản ứng
Nói chung, các phản ứng được biết từ các nơi đều chào mừng quyết định của Đức Thánh Cha về điều đã được nói đến từ lâu và trong thực tế các phụ nữ đã thi hành các tác vụ này.
- Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick của giáo phận Bamberg bên Đức, cũng là một nhà giáo luật, nhận định rằng việc cho phép chính thức phụ nữ thi hành đọc sách và giúp lễ là “một bước tiến nhỏ” trong hướng đi đúng, không phân biệt nam nữ trong giáo dân.
- Tại Áo, từ Đức Hồng Y Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Vienne, cho đến phong trào phụ nữ Công Giáo, đều chào mừng Tự Sắc mới của Đức Thánh Cha. Phong trào này gọi Tự Sắc là “một tia hy vọng”. Bà Angelika Ritter-Grepl, Chủ tịch Phong trào, gọi đây là một bước tiến lớn đi tới sự bình đẳng nam nữ trong Giáo Hội. Quyết định của Đức Giáo Hoàng nuôi dưỡng hy vọng sẽ thêm có những suy nghĩ theo chiều hướng thánh chức cho phụ nữ, chỉ dẫn hướng đi tương lai và cho thấy cần phải có sự dấn thân trường kỳ để thay đổi, như ngài đã thực hiện qua Thượng Hội Đồng Giám Mục về miền Amazon. (KAP 12-1-2021)
- Các Bề trên Tổng quyền dòng nữ
Nhưng đáng lưu ý hơn là thông cáo ngày 13/1/2021 của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ: Các Bề trên cám ơn Đức Thánh Cha và tất cả những người đã góp phần vào việc nghiên cứu để có một bước tiến này về sự tham gia của nữ giới vào thừa tác vụ của Giáo Hội, đồng thời gọi đây là “một dấu chỉ và là sự đáp lại năng động vốn là đặc tính của bản chất Giáo Hội, năng động này chính là của Chúa Thánh Linh, Đấng liên tục kêu gọi Giáo Hội trong sự vâng theo mặc khải và thực tại”.
Các nữ Bề trên Tổng quyền cũng nhận xét rằng “trong nhiều vị trí, phụ nữ, đặc biệt những người nữ thánh hiến, theo chỉ dẫn của các Giám Mục, đang thi hành nhiều thừa tác vụ mục vụ, đáp lại nhu cầu loan báo Tin Mừng. Vì vậy, Tự Sắc của Đức Thánh Cha, với đặc tính hoàn vũ, là một sự khẳng định con đường của Giáo Hội, trong việc nhìn nhận sự phục vụ của bao nhiêu phụ nữ đã và đang chăm sóc việc phục vụ Lời Chúa và Bàn Thánh”. (Vatican News 13-1-2021)
Không thấy các nữ Bề Trên Tổng quyền nhắc đến chức phó tế phụ nữ, một vấn đề đã được các Bề trên nêu lên trong buổi Đức Thánh Cha tiếp kiến 900 nữ Bề Trên Tổng quyền ngày 12/5/2016 và ngài ứng khẩu loan báo sẽ lập một Ủy ban nghiên cứu vấn đề này. Nhưng Ủy ban không đi tới kết luận chung nên ngày 8/4/2020, Đức Thánh Cha lại lập một Ủy ban mới để nghiên cứu, tuy nhiên cho đến nay chưa thấy có kết quả nào được công bố.
Những phản ứng không hài lòng
- Trong số những người “thất vọng” vì Tự Sắc của Đức Thánh Cha, có nữ ký giả Lucetta Scaraffia, cũng là một nhà sử học, 73 tuổi (1948), đã từng xa lìa đức tin và đấu tranh trong phong trào nữ quyền, nhưng sau đó trở lại. Bà viết cho nhiều báo Công Giáo và từng phụ trách phụ trương “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới” (Donne Chiesa Mondo) từ 2011 cho đến khi bị loại ra ngoài vào năm 2019. Phản ứng về Tự Sắc mới của Đức Thánh Cha, bà viết một bài ngắn với tựa đề:
“Khép cửa đối với phụ nữ muốn làm linh mục: Đức Giáo Hoàng chẳng làm gì cho chúng tôi”. Bà than rằng trong Tự Sắc Đức Thánh Cha Phanxicô lấy lại lập trường của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2: Giáo Hội không có năng quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ. Bà cho rằng: “Đức Giáo Hoàng đã khơi lên nhiều hy vọng trong chúng tôi, nhưng rồi ngài làm cho chúng tôi thất vọng. Vatican không mở ra con đường nào cho phụ nữ làm linh mục. Đây thật là một sự thất vọng. Không phụ nữ nào vui mừng vì Tự Sắc này. Làm như vậy cũng là khép kín cửa đối với vấn đề phó tế phụ nữ…”.
Theo bà Scaraffia, việc Đức Giáo Hoàng cho phép trao tác vụ đọc sách và giúp lễ cho phụ nữ có nghĩa là Giám Mục kiểm soát, và trong thực tế, phụ nữ được hàng giáo phẩm chọn lựa trong khi cho đến nay họ được tự do hơn. Đức Giáo Hoàng làm nảy sinh bao nhiêu hy vọng nơi chúng tôi, tôi là người đầu tiên, nhưng không làm gì đáng kể cho phụ nữ.” (www.informazione.it 13/1/2021)
- Nữ ký giả Franca Giansoldati của báo Il Messaggero (Người Sứ Giả), ở Roma, viết một bài với tựa đề: “Tiến bộ nửa chừng của Đức Giáo Hoàng: phụ nữ giúp lẽ bàn thờ nhưng không làm lễ”. Bà nhận xét rằng: “Chắc chắn là các nữ thần học gia Đức, Mỹ, Áo và Pháp thất vọng vì từ bao năm họ tranh đấu cho sự bình đẳng trong Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng chỉ loại bỏ chữ “nam giới” trong khoản giáo luật 320, triệt 1. Nhưng dầu sao đó cũng là một bước tiến, cho dù phụ nữ vẫn không được làm phó tế và linh mục.” (Il Messaggero 12/1/2021)
Phe hữu
Từ phía cánh hữu cũng có người không hài lòng, như trang mạng “Nuova Bussola quotidiana” (Địa bàn mới hằng ngày, 12/1/2021). Mạng này tỏ ra dè dặt và cho rằng giờ đây, với Tự Sắc mới của Đức Thánh Cha, chức phó tế bị lâm nguy. Các thừa tác vụ ấy qua bao thế kỷ vẫn luôn được ban cho nam giới mà thôi vì, cũng như các chức nhỏ trước đây, nó xuất phát từ chức phó tế. Và thế là chức thánh này, vì không còn liên hệ với truyền thống nữa, có thể bị tấn công. Trang mạng có đoạn viết: “Phải chăng Tự Sắc là một khúc xương được ném ra để tạm thời xoa dịu cơn đói đối với chức linh mục phụ nữ của những mục tử người Đức hoặc Nam Mỹ? Hay là, đây là một bước tiến theo nguyên tắc cửa sổ của Overton, để đi tới chức phó tế phụ nữ, rồi nhảy thêm một bước tiến về điều đang bị cấm là chức linh mục?”
Báo này lấy làm tiếc vì sự hủy bỏ các chức nhỏ đã bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 với Tự Sắc “Ministera quaedam”, và biến thành một thừa tác vụ chứ không còn là chức thánh nữa.
Linh mục hồi tục cũng đòi sửa giáo luật
Sau cùng có những linh mục đã ra lấy vợ, “thừa thắng” vì Tự Sắc mới của Đức Thánh Cha. Họ cho rằng ngài đã thay đổi giáo luật có lợi cho phụ nữ, thì ngài cũng có thể thay đổi giáo luật để nhận cho họ trở lại làm linh mục. Sự độc thân của các thừa tác viên phụng tụ là tiêu biểu của Công Giáo chứ không xuất phát từ Kinh Thánh, trái lại là do các quyết định của Giáo Hội qua các thế kỷ, đặc biệt với Công đồng chung Trento hồi thế kỷ 16. Giáo luật hiện hành khoản số 277,1 qui định “giáo sĩ phải tiết dục hoàn hảo và vĩnh viễn vì Nước Trời, vì thế họ phải sống độc thân là một hồng ân đặc biệt của Thiện Chúa, qua đó các thừa tác viên thánh chức có thể dễ dàng gắn bó với Chúa Kitô hơn với con tim không chia sẻ và có thể tự do hơn phục vụ Thiên Chúa và con người”. Chính khoản giáo luật này bị các cựu linh mục lập gia đình yêu cầu thay đổi để họ được tái làm việc mục vụ như linh mục.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.