Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh lo ngại về cám dỗ của một hình thức ưu sinh mới
Ngọc Yến - Vatican News
Cách đây 5 năm, 2016, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Chưởng ấn của Viện Thần học Giáo hoàng về Khoa học Hôn nhân và Gia đình, và Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống.
Vatican News vừa có một cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia.
Trước hết, về những thay đổi trong 5 năm qua của Viện Thần học Giáo hoàng về Khoa học Hôn nhân và Gia đình, Đức Tổng Giám mục cho biết : Sau 5 năm Viện cần một sự đổi mới sâu sắc, đầu tiên là về chương trình giảng dạy. Có tên gọi mới nhưng Viện vẫn giữ được cảm hứng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hai thuật ngữ được thêm vào là thần học và khoa học. Viện Giáo hoàng Hôn nhân và Gia đình có tên gọi là Viện Thần học Giáo hoàng về Khoa học Hôn nhân và Gia đình. Và theo nghĩa này, kế hoạch nghiên cứu mới thực sự là một kế hoạch, theo nghĩa toàn diện, các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình: từ thần học đến luân lý, mục vụ, liên quan đến khoa học nhân văn, đến chủ đề nhân chủng học, luật pháp và kinh tế. Tất cả nhằm phản ánh nền tảng cuộc sống của xã hội và Giáo hội, giải quyết một cách cẩn trọng và thấu đáo, đối thoại với truyền thống của Giáo hội và với những điều kiện thực tế của thế giới đương đại.
Liên quan đến những tranh luận gần đây về việc kết thúc sự sống và an tử, Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống cho biết, nhiều năm trôi qua, đặc biệt trong giai đoạn gần đây được đánh dấu bởi đại dịch Covid-19, những thách đố mới đã xuất hiện đối với giáo huấn của Giáo hội về sự thánh thiêng của mọi sự sống con người. Đức Tổng Giám mục rất lo ngại vì quan niệm về sự sống đang dần dần đi theo cảm thức của số đông, theo đó tất cả những gì không tương ứng với sức sống, sức trẻ hay một mức độ nhất định về sức khỏe đều bị loại ra. Có một cám dỗ của một hình thức ưu sinh mới: ai không sinh ra khoẻ mạnh thì không nên sinh ra. Và cùng với điều này có một khái niệm mới về sức khoẻ: ai đã được sinh ra mà không khoẻ mạnh thì phải chết. Đó là an tử. Khái niệm này làm cho văn hoá bị ô nhiễm.
Trước hiện trạng này, Giáo hội nhắc nhở rằng sự yếu đuối, mong manh là một phần của bản chất con người và của toàn thể thụ tạo. Và vì thế cần có tình huynh đệ giữa mọi người. Sự yếu đuối đòi hỏi một cách cấp bách về tình huynh đệ, bởi vì trong tình huynh đệ chúng ta chăm sóc lẫn nhau, giúp nhau phác hoạ một tương lai nhân văn hơn cho tất cả mọi người.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong những tháng gần đây, Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống đã kêu gọi mọi người suy tư về những người bị loại bỏ và bị lãng quên. Những người phải trả giá cay đắng trong đại dịch. Điều cấp bách là phải bắt đầu lại từ những người yếu đuối, những người ở bên lề cuộc sống để có thể xây dựng một thế giới nhân văn thực sự cho tất cả mọi người. Không ai bị bỏ lại đằng sau. (CSR_5548_2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.