ĐHY Parolin mời gọi các luật gia Công giáo Ý gần gũi với những người dễ bị tổn thương
Ngọc Yến - Vatican News
Liên minh các Luật gia Công giáo Ý nhóm họp tại Roma từ ngày 09 đến 11/12, tập trung vào chủ đề: “Những người rốt cùng trong xã hội. Bảo vệ pháp lý cho các đối tượng yếu thế”.
Phiên thảo luận nghiên cứu sự phù hợp pháp lý của sự mong manh của con người theo khuôn khổ hiến pháp Ý, phần lớn được truyền cảm hứng từ học thuyết Công giáo. Các cuộc thảo luận tập trung vào việc làm thế nào để thúc đẩy lập pháp có thể duy trì và bảo vệ các quyền cơ bản con người của những người dễ bị tổn thương.
Trong video gửi đến Hội thảo, Đức Hồng y Parolin hoan nghênh chủ đề đã chọn, nói rằng nó có liên quan đặc biệt trong bối cảnh ngày nay, nơi các quyền cơ bản “mới” của con người đang được đặt lên hàng đầu. Ngài ca ngợi đóng góp cơ bản của các luật gia Công giáo trong việc tái định hình khuôn khổ pháp lý ở cấp quốc gia và quốc tế sau hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai. Điều này diễn ra do việc “tái khám phá” Học thuyết Luật Tự nhiên cổ đại nảy mầm trong nền văn hóa Do Thái-Hy Lạp-La Mã và sau đó được nâng cao bởi tư tưởng Kitô, trái ngược với Học thuyết Luật Tích cực.
Đức Hồng y lưu ý rằng học thuyết đó đã truyền cảm hứng rất nhiều cho Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, theo đó tất cả mọi người đều có quyền cơ bản bình đẳng vì chúng xuất phát từ phẩm giá vốn có của mỗi con người, và cũng là Hiến pháp Ý.
Theo Đức Hồng y, Học thuyết Luật Tự nhiên cũng làm nền tảng cho nguyên tắc bảo vệ các đối tượng yếu thế hơn trong xã hội và nguyên tắc kết nối của tình liên đới.
“Thật vậy, bảo vệ người yếu thế chính là lý do để pháp luật trở thành một công cụ của công lý, chứ không phải là sức mạnh”, Quốc vụ khanh Toà Thánh nói thêm và lưu ý rằng cả hai nguyên tắc công bằng xã hội và liên đới đều được ghi trong Hiến pháp Ý, do đó, ngài nhấn mạnh “sự cần thiết phải có luật tích cực để bảo vệ các đối tượng yếu hơn”, loại bỏ “tất cả các trở ngại phân biệt đối xử khiến họ thậm chí còn yếu hơn”, để họ có thể tận hưởng các quyền hiến định của mình một cách hiệu quả.
Kết thúc bài suy tư, Đức Hồng y chỉ ra rằng những người di cư, đặc biệt các trẻ em là một trong những thành phần dễ bị tổn thương nhất cần được pháp luật bảo vệ ngày nay. Nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha với những người tham gia Công ước lần thứ 5 của Giáo hội Ý, Đức Hồng y đã khuyến khích các luật gia Ý “ngày càng gần gũi hơn với những người bị bỏ rơi, bị lãng quên” trong khi thi hành nghề nghiệp.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.