Các quan hệ ngoại giao của Toà Thánh qua những con số
Hồng Thủy - Vatican News
183 nước có quan hệ ngoại giao chính thức với Toà Thánh
Cho đến nay Toà Thánh có quan hệ ngoại giao chính thức với 183 nước trên thế giới. Có 106 quốc gia có Toà Sứ thần tại địa phương trong khi 77 quốc gia có Toà Sứ thần theo khu vực. Do đó Vatican là nước có quan hệ ngoại giao rộng lớn nhất trên thế giới, so sánh với Trung Quốc có ngoại giao với 169 nước, Hoa Kỳ với 168 nước và Pháp với 161 nước.
120 Sứ thần
Đến tháng 1/2022, Toà Thánh có 120 Sứ thần - những nhà ngoại giao của Đức Giáo hoàng. Có một số Sứ thần đại diện cho Toà Thánh cùng một lúc ở một số quốc gia khác nhau. Hiện nay có 33 Toà Sứ thần đang trống, trong đó có Liên minh châu Âu, sau khi Đức tổng giám mục Aldo Giordano qua đời vì Covid-19; và một số Toà Sứ thần khác như ở Australia, Đài Loan (từ năm 1979), Hungary, Mexico, Hà Lan, Venezuela...
Việt Nam nằm trong số 13 nước không có quan hệ ngoại giao chính thức với Toà Thánh
Tổng cộng có 13 nước không có quan hệ ngoại giao chính thức với Toà Thánh, trong đó có 8 nước không có quan hệ ngoại giao chính thức nào với Toà Thánh; đó là Afghanistan, Bhutan, Trung Quốc, Triều Tiên, Maldives, Tuvalu, Ả rập Saudi và Oman.
Ở một số nước, Tòa thánh không có đại sứ nhưng có các đại diện tông tòa, như tại Comoros, Somalia, Brunei và Lào. Cuối cùng, một trường hợp đặc biệt đó là Việt Nam, tại đây Tòa Thánh chỉ có một “đại diện không thường trú”.
88 đại sứ quán cạnh Toà Thánh có trụ sở tại Roma
Hiện nay, 87 đại sứ quán cạnh Tòa thánh có trụ sở tại Roma. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước các nhà ngoại giao, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoan nghênh việc sắp mở cơ quan thường trực thứ 88 tại Roma. Đó là Sứ quán của Thụy Sĩ cạnh Toà Thánh, cho đến nay được đặt tại Slovenia. Một quốc gia khác sẽ sớm thành lập cơ quan đại diện thường trú tại Roma là Azerbaijan.
3 văn bản quan trọng được ký kết trong năm 2021
Trong năm 2021 Toà Thánh đã ký 3 văn bản quan trọng. Vào ngày 10/2, Tòa Thánh đã ký thỏa thuận tái cơ cấu lần thứ 7 với Áo về việc bồi hoàn tài sản bị tịch thu trong thời kỳ Đức Quốc xã. Vào ngày 31/5, Tòa Thánh được công nhận là quốc gia quan sát viên không phải là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cuối cùng, vào ngày 26/11, Tòa thánh đã đệ trình lên UNESCO văn kiện phê chuẩn Công ước Toàn cầu về việc Công nhận các Văn bằng Giáo dục Đại học, là một phần trong dự thảo Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu của Toà Thánh. (Cath.ch 11/01/2022)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.