Toà Thánh sẵn sàng tổ chức một cuộc đối thoại quốc gia giữa các bên ở Libăng
Hồng Thủy - Vatican News
Ngoại trưởng Toà Thánh khẳng định với các ký giả Libăng rằng Toà Thánh sẵn sàng tham gia tích cực, và có lẽ cũng là nơi tổ chức, một cuộc đối thoại quốc gia giữa các bên ở Libăng để hàn gắn vết thương và xoa dịu căng thẳng, với điều kiện nó phải được yêu cầu bởi các bên liên quan. Trong khi khẳng định điều này, ngài nhắc lại lời kêu gọi đến cộng đồng quốc tế, đã được Đức Giáo hoàng bày tỏ trong bài phát biểu trước Ngoại giao đoàn vào ngày 10/1/2022, đừng để Libăng sụp đổ nhưng hãy giúp đỡ đất nước này thực hiện một hành trình “hồi sinh” thông qua những cử chỉ cụ thể, chứ không chỉ bằng lời nói, bằng cách củng cố các mối quan hệ cần thiết để giúp đỡ quốc gia chiến lược này của toàn vùng Trung Đông.
Libăng là tấm gương về một Trung Đông “đa nguyên, khoan dung và đa dạng”
Thông qua các phương tiện truyền thông, Đức tổng Gallagher một lần nữa gửi lời động viên người dân Libăng tiếp tục là một “tấm gương” về một Trung Đông “đa nguyên, khoan dung và đa dạng”; ngài nhắc nhở các Kitô hữu về vai trò của họ là “chất liệu liên kết lịch sử và xã hội của Libăng”, để họ không trở thành một thiểu số cần được bảo vệ nhưng còn đóng góp tích cực. Ngài nói: “Việc làm suy yếu cộng đồng Kitô giáo có nguy cơ phá hủy sự cân bằng nội tại và chính thực tế của Libăng.”
Gặp gỡ các nạn nhân của vụ nổ khủng khiếp ở cảng Beirut
Ngoại trưởng Toà Thánh không quên các nạn nhân của vụ nổ khủng khiếp ở cảng Beirut vào ngày 4/8/2020, gia đình của họ, những người bị thương và những người mất nhà cửa và việc làm, cũng như “hy vọng sống”: “Cầu cho họ được an ủi bởi đức tin và được an ủi bởi công lý và sự thật.” Ngài cũng đã cầu nguyện cho họ trong Thánh lễ được cử hành hôm 2/2 với các tu sĩ tại đền thờ Đức Mẹ Ảnh Phép lạ, và gặp gỡ, trong hai dịp khác, gia đình các nạn nhân và bày tỏ lời chia buồn trực tiếp.
Gặp gỡ các cấp chính quyền
Trong buổi gặp gỡ Tổng thống Michel Aoun hôm 1/3/2022 tại Cung điện Baabda, Đức tổng Gallagher đã thay mặt Đức Thánh Cha nhắc lại mối quan tâm rằng bản sắc của Libăng như một “dự án hòa bình” cần được bảo tồn và rằng Libăng không bị sử dụng cho các lợi ích nước ngoài. Cùng ngày, Đức tổng đã gặp Chủ tịch Quốc hội, Nabih Berry, tại Cung điện Aïn et Tîné, và chỉ huy quân đội, Tướng Joseph Aoun, tại trụ sở của Yarzé, ngay bên ngoài Beirut. Trong khi sáng ngày 3/2/2022, ngài đã gặp Thủ tướng Najīb Mīqātī và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Abdallah Bou Habib.
Tương quan với Toà Thánh
Trong hội nghị chuyên đề “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và sứ điệp Libăng” được tổ chức tại Đại học Thánh Tâm ở Kaslik hôm 2/2/2022, Ngoại trưởng Toà Thánh nhắc rằng thánh Gioan Phaolô II đã đồng hành với lịch sử và những bi kịch của Libăng khi liên đới với đau khổ của nước này qua cầu nguyện và hành động. Trong khi trong ngày 1/2, khi gặp gỡ các học giả tại đại học thánh Giuse, Ngoại trưởng Toà Thánh đã nhắc lại mối quan tâm của Đức Gioan Phaolô II đối với Libăng, cũng như của các vị Giáo hoàng gần đây. Trước hết, ngài nhắc lại 75 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Libăng và Tòa thánh cũng như sự quan tâm đến khu vực này “nơi các Kitô hữu luôn sống và đóng một vai trò cơ bản trong văn hóa và truyền thống”, bên cạnh những người Hồi giáo mà họ đã phát triển “một mối quan hệ độc đáo qua nhiều thế kỷ”. Đức tổng Gallagher nói rằng chính khía cạnh “quý giá” này của lịch sử văn hóa Libăng không thể bị mất đi, vì nó tạo thành “nền tảng của sự thịnh vượng quốc gia của đất nước này”.
Giáo dục chống lại cực đoan
Đại diện Toà Thánh hy vọng rằng “cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, mà các trường học và đại học ở Libăng phải chịu đựng hậu quả rất nhiều, sẽ sớm kết thúc.” Ngài cảnh báo rằng sự vắng mặt của văn hóa và giáo dục sẽ “tạo ra mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cực đoan phát triển”. “Chúng ta phải bắt đầu đưa viễn cảnh về một thế giới huynh đệ và công bằng hơn vào hành vi hàng ngày của chúng ta”. Nói một cách cụ thể, nó có nghĩa là “thực hiện các cải cách kinh tế cần thiết và thúc đẩy các hệ thống quản trị công bằng”; một con đường không hề dễ dàng nhưng cần thiết trong thời đại mà “ngày càng nhiều các thành phần cực đoan nổi lên, lợi dụng sự hoang mang, bất mãn của giới trẻ và nhiều người khác”.
Sáng ngày 3/2/2022, Ngoại trưởng Toà Thánh gặp gỡ các lãnh đạo Hồi giáo ở Libăng. Ngài khẳng định tầm quan trọng của vai trò và sự chung sống giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô hữu đối với tương lai của đất nước.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.