Toà Thánh mời gọi đối thoại liên tôn để sống như anh chị em
Ngọc Yến - Vatican News
Trước sự hiện diện của nhiều thành phần, đặc biệt Liên đoàn Thế giới Hồi giáo và Đại hội Do Thái Thế giới, Đức Tổng Giám mục nói: “Vào thời điểm mà ý thức thuộc về một gia đình nhân loại đang mờ nhạt và thế giới dường như bị chia cắt và giằng xé bởi sự chia rẽ, cuộc gặp gỡ này mang đến cơ hội để suy tư về cách đối thoại liên văn hóa và liên tôn có thể giúp vượt qua những thách đố chung mà nhân loại đang phải đối mặt. Chỉ qua cuộc đối thoại liên tôn chân thành mới có thể tái khám phá ý nghĩa tình huynh đệ chung sống, hiểu được sự đa dạng tồn tại giữa chúng ta, xoa dịu các tình huống bạo lực và sống như anh chị em”.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng giáo dục con cái, Đức Tổng Giám mục nhắc đến một câu cách ngôn ở Nigeria quê hương của ngài: “Cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Chúng ta có thể nói ở đây ngôi làng là tôn giáo của chúng ta, và con chúng ta là nhân loại. Vì thế, các tôn giáo có nhiệm vụ chỉ ra con đường để theo trong một thế giới mà xung đột và sự thống trị chiếm ưu thế hơn công ích”.
Đối với sự cực đoan tôn giáo và ngăn chặn bạo lực, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cho rằng tập trung vào giáo dục là tốt, nhưng điều quan trọng không kém là các nhà lãnh đạo tôn giáo phải lên án bạo lực. Vì tự bản chất tôn giáo phải phục vụ hòa bình và tình huynh đệ. Danh Chúa không được dùng để biện minh cho những hành động giết người, khủng bố.
Do đó tầm quan trọng của sự cộng tác liên tôn có thể và phải thúc đẩy các quyền con người cơ bản của tất cả mọi người, ở mọi lúc và mọi nơi trên thế giới. Tất cả chúng ta đều là thành viên của một gia đình nhân loại và như vậy chúng ta có quyền và trách nhiệm ngang nhau.
Trước nhiều thách đố mà nhân loại hiện đang phải đối diện, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh việc trau dồi và thúc đẩy tôn trọng phẩm giá nội tại của mỗi người và nuôi dưỡng một nền văn hóa gặp gỡ và mở ra với người khác, trong sự tôn trọng lẫn nhau. Và để làm được điều nay, các lãnh đạo tôn giáo cần truyền bá cho các tín đồ, các nguyên tắc và giá trị đạo đức được Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn mỗi người.
Sau đó, nhắc đến những nạn nhân của chủ nghĩa cực đoan và những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống, Đức Tổng Giám mục Nwachukwu nhấn mạnh rằng các tôn giáo phải dạy rằng tha thứ và hòa giải luôn là điều có thể. Và ngài kết thúc bài phát biểu bằng cách mời tất cả mọi người, trong thời điểm căng thẳng quốc tế, hãy biến những nơi thù hận và xung đột thành nơi hàn gắn và hòa giải, nơi bị hủy hoại thành nơi của cuộc sống đổi mới. Như thế, nhân loại có thể tiến đến một xã hội nơi văn hóa hòa bình và sự chung sống hài hòa trở thành chuẩn mực chứ không phải là một ngoại lệ.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.