ĐHY Parolin thăm và cử hành Thánh lễ tại trại tị nạn Bentiu
Hồng Thủy - Vatican News
Khởi hành từ tờ mờ sáng trên chiếc máy bay 15 chỗ ngồi của Liên Hiệp Quốc, sau khi bay qua những con sông và cánh rừng, Đức Hồng y đã đến vùng sa mạc, nơi mà làn gió duy nhất giúp giải tỏa cái nóng gần 41 độ đã thổi bụi đỏ dính vào quần áo và những chiếc điện thoại. Đức Hồng y đi xe jeep đến trung tâm Bentiu, nơi ngài gặp chính quyền địa phương. Đám đông các phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em vui mừng chào đón ngài.
Giữa đám đông này, Đức Hồng y tiến vào giáo xứ thánh Martine de Porres. Đó không phải là một nhà thờ mà là một túp lều lớn hơi tối, được chiếu sáng bởi hai hàng các thiếu niên giúp lễ đang cầm những ngọn nến xanh. Đức Hồng y xúc động khi nói: "Tôi không đến vì tôi nhưng để mang đến cho anh chị em tình cảm yêu thương của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi đến, như Gioan Tẩy Giả, để chuẩn bị cho ngài đến. Đức Giáo hoàng muốn đến Nam Sudan, ngài đang lên kế hoạch cho một chuyến đi đến Juba nhưng chuyến thăm được dự định trên khắp đất nước, để gặp gỡ tất cả người dân." Sau đó Đức Hồng y xin cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và nói thêm: "Tôi rất vui khi được ở đây, được chia sẻ niềm tin, niềm vui của anh chị em. Anh chị em thực sự là những Kitô hữu tốt, những người Công giáo tốt."
Thăm trụ sở của phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan
Tiếp đến Đức Hồng y thăm trụ sở của phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan, và gặp người đứng đầu, ông Paul Ebweko, và đảm bảo rằng "Tòa thánh đánh giá cao những gì đang được làm cho người dân của trại." Sau đó ngài đi vào trại để cử hành Thánh lễ. Trên đường vào, Đức Hồng y chào hơn 140.000 cư dân của trung tâm, những người hát hò, vẫy cờ và ảnh thánh Giuseppina Bakhita, chạy theo chiếc xe.
Thánh lễ diễn ra tại quảng trường của trại, nơi có một túp lều với những mái che. Những bé gái đội những chiếc mũ to đã trở lại cùng với những thiếu nữ mặc đồ trắng, với điệu nhảy nhịp nhàng theo âm thanh của tiếng đàn, xếp hàng như trong một đám rước.
Đức Hồng y bắt đầu bài giảng, hoàn toàn bằng tiếng Anh: "Chúng ta ở vùng đất khó khăn này nhưng luôn được Thiên Chúa yêu thương". Sau đó, ngài nói về niềm hy vọng, của Tin Mừng, "không phải là niềm hy vọng xa vời, tách rời khỏi đau khổ, không biết đến thảm kịch của con người" hoặc "không xem xét thực tế rất khó khăn của người dân Bentiu". Ngược lại. “Lịch sử của chúng ta khiến chúng ta kêu lên với Chúa, nó khiến chúng ta đặt trước bàn thờ của Người những bất công, lạm dụng, bách hại mà vẫn còn quá nhiều người trong chúng ta phải chịu đựng; nhưng chúng ta biết rằng tiếng kêu này đã được Thiên Chúa lắng nghe và cứu chuộc, một tiếng kêu mà chính Người sẽ biến thành một bài ca vui mừng, nếu chúng ta biết cầu xin sự tha thứ cho những kẻ bắt bớ chúng ta và cầu nguyện cho những kẻ làm hại chúng ta."
Cuối Thánh lễ, Đức Hồng y đi bộ một quảng đường dài để có thể nắm tay nhiều người với ý muốn làm cho tình cảm của Đức Thánh Cha đối với họ trở nên sống động. Đó là mục tiêu chính của toàn bộ chuyến thăm Châu Phi.
THỦY ** Đức Hồng y đã đến trại Bentiu, nơi ngài gọi là "ngoại biên của các vùng ngoại biên", nơi các cư dân là những người không còn của cải gì. Họ là những người phải di tản trong cuộc nội chiến năm 2013, chỉ hai năm sau khi quốc gia Nam Sudan non trẻ được độc lập, và kéo dài đến năm 2020. Theo thời gian, đặc biệt là kể từ năm 2019, đã có thêm những người phải rời bỏ nhà cửa do lũ lụt, vào năm 2021, một trong những điều tồi tệ nhất mà bang này từng trải qua trong những năm gần đây. Một lượng mưa kỷ lục đã gây ngập lụt trên toàn lãnh thổ, khiến cư dân không thể sinh sống, trồng trọt và gây thiệt hại cho hàng trăm ngàn gia súc.
Đức Hồng y Parolin tố cáo điều kiện sống tồi tệ của những người "thậm chí không có điều tối thiểu để tồn tại, nếu không có sự giúp đỡ quốc tế của Liên Hiệp Quốc thì sẽ không có hy vọng."
Đức cha Stephen Nyodho Ador Majwok, giám mục giáo phận Malakal, giải thích: "Những người này muốn sống một cuộc sống xứng đáng, nuôi dạy con cái của họ, nhưng hai thảm họa, một do con người, là chiến tranh, và một do thiên nhiên, những trận mưa đã khiến cuộc sống của họ trở nên dễ bị tổn thương; trong đó có Bentiu với trại tị nạn của nó - và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. 90% dân số dưới 40 tuổi, có nhiều trẻ em và không có trường học cho chúng, tương lai sẽ ra sao? Nó là một cái gì đó làm đảo lộn."
Đối với Đức cha Majwok, sự xuất hiện của Đức Hồng y Parolin là "một khoảnh khắc lịch sử tuyệt vời đối với giáo phận Malakal; ngài đến để bênh vực dân tộc chúng tôi." Đức cha kết luận rằng đây là một ngày khó quên đối với người dân của hai bang Unity và Bentiu, và nó "sẽ củng cố niềm tin vào Giáo hội của những người này, những người bị thương tổn bởi bạo lực, chiến tranh và tai ương. Đức Hồng y Parolin ở đây có nghĩa là sự gần gũi của Đức Giáo hoàng đối với dân tộc này của Chúa."
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.