Quyền của Ngân hàng Vatican đối với tài sản của Toà Thánh và những vấn đề liên quan
Ngọc Yến - Vatican News
Quy định này làm rõ một biện pháp được ban hành bởi Tông hiến Praedicate Evangelium, có hiệu lực vào ngày 05/6/2022. Phúc chiếu có 5 điều, được Phòng Báo chí Toà Thánh công bố một ngày sau buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, được trình bày như một “Chỉ thị cho việc quản trị và điều hành các hoạt động tài chính và thanh khoản của Toà Thánh và các tổ chức liên quan”. Điều này xác nhận thông báo đã được đưa ra trong ngày 19/7/2022 khi Uỷ ban Đầu tư được thành lập dưới sự giám sát của Bộ Kinh tế.
Cùng với việc thành lập Uỷ ban Đầu tư, một tài liệu cũng được công bố, trong đó đặt ra các quy tắc cho các khoản đầu tư do Tòa Thánh thực hiện, đặc biệt là tuân thủ học thuyết xã hội của Giáo hội, và mục đích nhằm vào các hoạt động tài chính có bản chất sản xuất, loại trừ bất kỳ hoạt động nào mang tính đầu cơ.
Đức Thánh Cha nói rõ trong phúc chiếu rằng, khoản 3 của điều 219 của Tông hiến về Giáo triều Praedicate Evangelium “phải được giải thích theo nghĩa: hoạt động quản lý và trông giữ tài sản của Toà Thánh và các tổ chức của Toà Thánh là trách nhiệm của Ngân hàng Vatican”.
Đức Thánh Cha còn ấn định vào cuối tháng 9/2022 là hạn cuối để thực hiện việc chuyển các quỹ cần thiết cho việc áp dụng phúc chiếu này: “Toà Thánh và các tổ chức liên kết là chủ sở hữu các hoạt động tài chính và thanh khoản, dưới bất kỳ hình thức nào, trong các tổ chức tài chính không phải Ngân hàng, phải thông báo cho Ngân hàng và chuyển chúng đến đó trong vòng 30 ngày, bắt đầu từ 01/9/2022”.
Một bước mới trong nỗ lực truy tìm nguồn gốc các quỹ
“Các tổ chức liên kết với Tòa Thánh” có các cơ cấu rất đa dạng, như quỹ lương hưu của nhân viên Vatican, Quỹ hỗ trợ y tế hoặc thậm chí các Đền thờ ở Roma: ngoài Đền thờ Thánh Phêrô, còn có việc quản lý Đền thờ Latêranô, Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành và Đền thờ Đức Bà Cả. Đền thờ Đức Bà Cả, vào tháng 12/2021, đã được đặt dưới sự giám hộ do các vấn đề kinh tế.
Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm một giám chức người Litva từ Bộ Ngoại giao là Đức ông Rolandas Makrickas, làm ủy viên đặc nhiệm để quản lý các tài sản kinh tế của Kinh sĩ đoàn, vốn đã gặp khó khăn do số khách hành hương và khách du lịch giảm mạnh sau đại dịch.
Vấn đề quản trị kinh tế và tài chánh tại Đền thờ này bắt đầu có những khó khăn từ hơn mười năm nay, khi vị quản lý Kinh sĩ đoàn bấy giờ là Đức ông Bronislaw Morawiec 61 tuổi, người Ba Lan, đã lợi dụng chức vụ làm cho tài chính của Đền thờ có những vấn đề. Năm 2014 đương sự bị tòa án tại Vatican kết án bốn năm tù vì tội “gian lận, giả mạo và tham ô”, đồng thời phải trả lại 250.000 Euro cho Kinh sĩ đoàn.
Yêu cầu tập trung quỹ của các cơ cấu khác này với Ngân hàng Vatican có thể nhằm mục đích tránh sự lặp lại của những lạm dụng như vậy.
Sự phân bổ vai trò giữa Ngân hàng Vatican và Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh (APSA)
Trái ngược với những gì thường được quan niệm trong văn hóa thông thường, Ngân hàng Vatican không phải là ngân hàng trung ương của quốc gia thành Vatican nhưng là một ngân hàng tư nhân phục vụ các cơ quan của Tòa Thánh. Điều 219 của Tông hiến Praedicate Evangelium đề cập đến “công cụ hoạt động” của Ngân hàng Vatican để “thực hiện các hoạt động tài chính” do Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh (APSA) thực hiện, là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành và quản lý động sản và bất động sản của Tòa Thánh, nhằm cung cấp các nguồn lực cần thiết để thực hiện các chức năng thích hợp của Giáo triều Roma vì lợi ích và phục vụ các Giáo hội địa phương.
Do đó, Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh đóng vai trò ngân khố và giám sát tài sản của Tòa thánh, trong khi việc quản lý các dòng tài chính là trách nhiệm của Ngân hàng Vatican. Phúc chiếu chấm dứt bất kỳ chỗ trống nào cho việc giải thích và bất kỳ yêu cầu miễn trừ nào, trong khi tính chất “độc quyền” quản lý quỹ của Ngân hàng Vatican không được thể hiện rõ ràng trong văn bản của Tông hiến.
Một dự án lớn để thích ứng với các tiêu chuẩn chống rửa tiền
Phúc chiếu được ban hành ngày 23/8 này cũng là một phần của năng động rộng lớn nhằm tái cơ cấu tài chính của Tòa Thánh do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng kể từ đầu triều đại giáo hoàng: Hội đồng Kinh tế (2014), Bộ Kinh tế (2014), Văn phòng Tổng Kiểm toán (2015), Ủy ban Các vấn đề Bảo mật (2020) và Ủy ban Đầu tư của Tòa Thánh (2022). Hơn nữa, Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh đã mất quyền kiểm soát một phần lớn các quỹ.
Hội đồng Kinh tế Toà Thánh được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập ngày 24/2/2014, có nhiệm vụ giám sát việc quản lý kinh tế và các hoạt động quản trị và tài chính của các Bộ và cơ quan của Toà Thánh và Quốc gia Thánh Vatican.
Đức Thánh Cha thành lập Bộ Kinh tế vào năm 2014, và bổ nhiệm Đức Hồng Y George Pell làm Tổng trường. Bộ Kinh tế có nhiệm vụ giám sát các hoạt động kinh tế, giúp đỡ người nghèo, tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động kinh tế và quản trị của Toà Thánh.
Văn phòng Tổng Kiểm toán Vatican được thành lập vào năm 2014 và bắt đầu hoạt động từ năm 2015. Đây là kết quả cải cách trong lĩnh vực kinh tế - hành chính do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng khi bắt đầu sứ vụ kế vị thánh Phêrô của ngài. Theo quy chế thiết lập, Văn phòng Tổng Kiểm toán trả lời trực tiếp cho Đức Thánh Cha và có sứ vụ góp phần quản lý tài sản của Toà Thánh một cách chính xác và minh bạch.
Ủy ban kiểm soát các vấn đề cần được bảo mật được Đức Thánh Cha thành lập ngày 29/09/2020. Ngài bổ nhiệm Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, làm chủ tịch ủy ban mới này. Mục đích là để tiếp tục những nỗ lực nhằm bảo đảm sự minh bạch và đáng tin trong hoạt động tài chính của Tòa Thánh.
Ủy ban Đầu tư của Tòa Thánh (2022) được thành lập theo Tông hiến Praedicate evangelium. Qua Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh Uỷ ban thực hiện các cuộc tham vấn thích hợp nhằm thực hiện chiến lược đầu tư và đánh giá mức độ đầy đủ của các lựa chọn, đặc biệt chú ý đến việc tuân thủ các khoản đầu tư được thực hiện với các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội của Giáo hội, cũng như các thông số lợi nhuận và rủi ro theo Chính sách đầu tư. Cơ quan chịu trách nhiệm xác định các chiến lược đầu tư và đảm bảo việc thực hiện các chiến lược này một cách hiệu quả.
Như thế, có thể thấy rõ những thay đổi được thực hiện kể từ năm 2013 nhằm mục đích phân bổ chức năng hợp lý hơn, nhưng cũng minh bạch và hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng - đặc biệt bằng cách hiện đại hóa việc trao hợp đồng công vào năm 2020 - và chống rửa tiền - phù hợp với điểm này trên các tiêu chuẩn được chỉ ra bởi Moneyval, mạng lưới châu Âu chuyên về các vấn đề này đã thực hiện một số cuộc kiểm toán ở Vatican trong những năm gần đây.
Cải tổ Ngân hàng Vatican
Cải tổ cơ cấu tài chính của Tòa Thánh còn được Đức Thánh Cha thực hiện tại Ngân hàng Vatican.
Ngày 10/8/2018, Đức Thánh Cha ấn định và cho công bố Quy chế mới của Ngân hàng Vatican, tiến trình cải tổ cơ quan tài chánh này của Tòa Thánh đạt tới cao điểm quan trọng nhất.
Một điểm mới mẻ đặc biệt trong Quy chế mới là sự du nhập kiểm toán viên từ bên ngoài, có thể là một thể nhân hoặc một công ty, để kiểm chứng các tài khoản theo các tiêu chuẩn quốc tế. Quy chế cũng xác nhận các nguyên tắc Công Giáo làm nền tảng cho Ngân hàng Vatican.
Theo quy chế mới, sứ vụ của Ngân hàng Vatican không thay đổi, nghĩa là giữ và quản lý các động sản và bất động sản được chuyển nhượng hoặc ủy thác cho Ngân hàng, do các thể nhân và pháp nhân, nhắm thực thi các công tác tôn giáo hoặc bác ái.
Vì việc kiểm toán được giao cho các Kiểm toán viên bên ngoài, nên trong các bộ phận của Ngân hàng không còn 3 kiểm toán viên nội bộ như trước đây. Kiểm toán viên từ bên ngoài do Hội đồng Hồng Y bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng giám sát, và thi hành nhiệm vụ trong thời kỳ 3 tài khóa liên tiếp, có thể được gia hạn một lần mà thôi.
Quy chế cũng xác định các cơ cấu quản lý Ngân hàng: gồm Hội đồng Hồng Y, Hội đồng giám sát, Giám chức, Ban Giám đốc..v.v.
Về báo cáo tài chính. Từ 10 năm qua, Ngân hàng Vatican đã cho công bố báo cáo tài chính thường niên. Ngày 7/6 vừa qua, Ngân hàng Vatican đã công bố báo cáo thường niên cho năm 2021.
Theo báo cáo dài 138 trang, ngoài việc công bố đã thu được lợi nhuận khoảng 19 triệu đô la, Ngân hàng còn cho biết đã củng cố và phát triển chất lượng và tiêu chuẩn của quy trình đầu tư quản lý tài sản của mình nhằm cải thiện hơn nữa kết quả đầu tư của khách hàng.
Báo cáo tài chính năm 2021 của Ngân hàng Vatican đã được kiểm toán bởi công ty Mazars Group và được xem xét bởi Ủy ban Hồng y giám sát công việc của ngân hàng.
Theo báo cáo, Ngân hàng Vatican cố gắng phục vụ sứ mạng toàn cầu của Giáo hội Công giáo thông qua việc quản lý các tài sản được giao phó và bằng cách cung cấp các dịch vụ thanh toán cho Tòa Thánh và Quốc gia Thành Vatican, các tổ chức liên quan, các dòng tu, các tổ chức Công giáo khác, các giáo sĩ, nhân viên của Tòa Thánh và các cơ quan ngoại giao đã được công nhận.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.