Vatican khẳng định không có đe doạ an ninh nào ở CHDC Congo và Nam Sudan, nơi ĐTC sẽ viếng thăm
Hồng Thủy - Vatican News
Phát biểu trong cuộc họp báo trước chuyến tông du vào sáng ngày 24/1/2023, ông Matteo Bruni tường thuật chi tiết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, chuyến thăm mà hồi tháng 7 năm ngoái ngài buộc phải hoãn lại vì lý do sức khỏe. Ông cũng khẳng định chính quyền địa phương đã áp dụng mọi biện pháp an ninh để đảm bảo an toàn cho mọi người.
Đây sẽ là chuyến tông du nước ngoài lần thứ 40 của Đức Thánh Cha và tính cả chuyến viếng thăm này, ngài sẽ viếng thăm được 60 quốc gia.
Theo bước Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Đức Thánh Cha đến Congo theo bước chân của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã đến thăm quốc gia này vào năm 1980 và 1985. Ông Bruni cho biết, vào thời đó, nó là một quốc gia rất khác, một thuộc địa cũ của Bỉ có tên là Zaire. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng người Ba Lan là chuyến tông du đầu tiên của một vị giáo hoàng đến lục địa Châu Phi kể từ chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đến Uganda vào năm 1969.
Đức Thánh Cha không lo sợ cho an nguy của bản thân
Giám đốc Phòng Báo chí Tòa thánh giải thích rằng đã có những thay đổi đối với hành trình dự kiến ban đầu của Đức Thánh Cha tại CHDC Congo, nơi ngài dự kiến sẽ đến thăm Goma, ở Bắc Kivu, một khu vực đặc biệt bất ổn. Khi bạo lực tiếp tục xảy ra ở nhiều vùng trong tỉnh này, điểm viếng thăm đó đã bị hủy bỏ.
Ông Bruni nói: “Không phải vì ngài lo sợ cho bản thân ngài mà vì ngài muốn chắc chắn rằng không ai có nguy cơ bị tấn công khi tụ tập để gặp Giáo hoàng hoặc cử hành Thánh lễ với ngài.”
Mong muốn hoà bình cho Nam Sudan
Từ lâu Đức Thánh Cha đã mong muốn đến Nam Sudan với đa số là Kitô hữu nhưng tình hình bất ổn ở nước này đã khiến kế hoạch viếng thăm trở nên phức tạp.
Ông Bruni nhắc lại cuộc tĩnh tâm mà Đức Thánh Cha đã tổ chức tại Vatican cho các nhà lãnh đạo chính quyền và giáo quyền của Nam Sudan vào tháng 4/2019, trong đó ngài đã quỳ gối hôn chân họ và cầu xin họ cho hòa bình một cơ hội và trở thành những người cha xứng đáng của quốc gia.
Một thỏa thuận hòa bình đã được ký kết tại quốc gia trẻ nhất thế giới vào năm 2018, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm khiến 400.000 người thiệt mạng. Nhưng xung đột chính trị, nghèo đói, thù hận sắc tộc và biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá những người dân đang khốn khổ vì đói nghèo, bạo lực và quản lý kém.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.