Vài phản ứng trước quy luật mới về thành phần tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục
G. Trần Đức Anh, O.P.
80 thành viên không Giám Mục có quyền bỏ phiếu
Thực vậy, hôm 26/4 vừa qua, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Tường trình viên của Thượng Hội đồng thế giới kỳ thứ 16, cho biết như trên cụ thể là đa số các tham dự viên là Giám Mục nhưng cũng có 80 thành viên không phải là Giám Mục và có quyền bỏ phiếu, và trong số này ít nhất một nửa là nữ giới.
Đây là một điều rất mới mẻ vì theo quy luật cho đến nay, chỉ có các Giám Mục và 10 Linh mục do Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên mới là nghị phụ và có quyền bỏ phiếu trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục. Các tham dự viên còn lại là dự thính viên nam nữ có quyền phát biểu nhưng không có quyền bỏ phiếu.
Theo quy định mới, Thượng Hội đồng sẽ không còn các dự thính viên và trong số 80 tham dự viên không phải là Giám Mục, có 5 vị do Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam và 5 nữ tu do Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nữ bầu lên.
70 thành viên còn lại đến từ các Giáo Hội địa phương, thuộc các bậc linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ. Họ được Đức Thánh Cha chọn trong danh sách 140 người được 7 đại hội cấp đại lục chuẩn bị Thượng Hội Đồng và Công nghị của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương đề cử. Trong 70 người vừa nói, sẽ có ít nhất một nửa là phụ nữ. Tuy có sự thay đổi này, công nghị tiếp tục là một công nghị với đa số tham dự viên là Giám Mục, như chủ đích nguyên thủy do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ấn định khi thiết lập năm 1965. Các đề nghị được công nghị này thông qua với 2 phần 3 số phiếu của các nghị phụ có thể được Đức Giáo Hoàng dùng để soạn Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục nhưng ngài không bắt buộc phải sử dụng. Thượng Hội Đồng Giám Mục tiếp tục chỉ có tính cách tư vấn cho Đức Giáo Hoàng.
Phản ứng tích cực
Quy định mới trên đây đã được nhiều người chào mừng. Hiệp Hội các bề trên tổng quyền dòng nữ “đánh giá cao và biết ơn” vì những thay đổi vừa nói.
Trong thông cáo công bố hôm 3/5 vừa qua, nữ tu Nadia Coppa, người Ý, Bề trên tổng quyền dòng “Thờ Lạy Bửu Huyết Chúa Kitô”, nhân danh Hội đồng chấp hành của hiệp hội các nữ Bề Trên Tổng quyền, chào mừng quyết định mới của Tòa Thánh và nói: “Sự cởi mở này nhắc nhớ chúng tôi rằng tất cả chúng ta được kêu gọi trở nên thành phần tích cực của một Giáo Hội bao gồm và đối thoại. ‘Căn lều đang thực sự được mở rộng, và điều này khơi lên sự ngưỡng mộ vì hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử’. Sự cởi mở này tạo nên phấn khởi và tích cực vì canh tân ước muốn tăng trưởng như Giáo Hội đối thoại, có khả năng phổ biến một lối sống và cùng nhau làm việc, trong thái độ lắng nghe và tham gia, để hướng tới những chọn lựa mục vụ đáp ứng thực tại và những thời kỳ chúng ta đang sống”.
Nữ tu Coppa nói thêm rằng: “Sự hiện diện của một nhóm quan trọng các phụ nữ có quyền bỏ phiếu là một quy định chưa từng có, làm phong phú năng động Giáo Hội, biểu lộ sự cởi mở và sẵn sàng đón nhận sự mới mẻ của Thiên Chúa đang dần dần canh tân Giáo Hội, làm nổi bật tất cả sự phong phú của Hội Thánh. Sự mới mẻ này khẳng định tầm quan trọng của tiến trình lắng nghe và tham gia mà chúng ta đang thực hiện từ 2 năm nay và nói lên đặc tính luân chuyển của Giáo Hội, được kêu gọi làm chứng nhân, thừa sai, với những khác biệt, về vị thế trung tâm của Chúa Kitô”.
Hoặc như Enzo Bianchi, người sáng lập cộng đồng đại kết Bose ở miền Bắc Ý đã từng 3 lần tham dự các Thượng Hội Đồng Giám Mục trong tư cách là chuyên gia ca ngợi quyết định mới vừa nói và nhận định rằng điều này rất phù hợp với nguyên tắc đã được hình thành trong môi trường Kitô từ thời Trung Cổ: “Điều có liên hệ tới tất cả thì phải được bàn luận, trao đổi và quyết định do tất cả mọi người”. Cùng với nền thần học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Giáo Hội như Dân Thiên Chúa, nơi ngài đã chín mùi một quan niệm chưa từng đó về cách thức sống Giáo Hội”.
“Những đổi mới can đảm do Đức Giáo Hoàng đưa ra sẽ được áp dụng ngay từ khóa họp tháng 10 năm nay... Lần đầu tiên trong lịch sử, các nữ đan sĩ cũng có thể lên tiếng trong công nghị và có quyền bỏ phiếu quyết định kết quả của một số thảo luận hoặc dự án; lần đầu tiên một nữ tu cũng có quyền đáng kể như một nam tu sĩ. Thượng Hội đồng không còn là một cơ quan chỉ có giáo sĩ, nhưng là hình ảnh của dân Chúa! Đức Phanxicô, qua sự thay đổi này, tỏ ra quyết liệt, có tính cách ngôn sứ, không những chỉ đề ra những thủ tục mới nhưng còn bắt đầu áp dụng khi đồng hành với toàn thể Giáo Hội. Chúng tôi hy vọng cũng có những đổi mới như vậy đối với những con đường khác mà dân Chúa muốn cùng đi với Đấng kế vị Thánh Phêrô, không bao giờ không có ngài”.
Phản ứng dè dặt
Tuy nhiên cũng có những phản ứng khác dè dặt hơn. Có những người không hài lòng vì ngoài 10 đại biểu do Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền nam và nữ bầu lên, 70 người còn lại không phải là do “dân bầu” nhưng là từ trên chọn: các Hội Đồng Giám Mục Công Giáo La tinh và các Hội đồng các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương đề nghị một danh sách 140 người, và Đức Thánh Cha sẽ chọn 70 người trong số đó. Nữ ký giả Lucetta Scaraffia viết: “Tôi thấy thật là điều không thể tượng tượng được sự kiện vị Giáo Hoàng hiệp hành ngày càng tập trung quyền bính hơn nữa!”.
Andrea Gagliaducci
Trong số những nhận định quân bình hơn, người ta phải kể đến ký giả Andrea Gagliaducci. Ông viết:
“Tin tức theo đó Thượng Hội đồng không còn dự thính viên, nhưng chỉ có các thành viên, gồm Giám Mục, Linh mục, tu sĩ và giáo dân, không phải là điều bất ngờ. Ngay Tông Hiến mới “Praedicate Evangelium - Các con hãy loan báo Tin Mừng”, công bố ngày 19/3/2022, về giáo triều Roma, không còn gọi là Thượng Hội Đồng Giám Mục, Sinodo dei vescovi, nhưng chỉ gọi là Sinodo, Thượng Hội đồng, hay là Công nghị. Vì thế, điều hợp lý là việc bỏ phiếu trong công nghị này được mở rộng cho mọi người. Thượng Hội Đồng Giám Mục như Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI chủ ý khi thành lập, không còn hiện hữu nữa.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nhiều lần nhấn mạnh Sinodo, Thượng Hội đồng không phải là một nghị viện hay một quốc hội.
Ngoài ra, ai nghĩ rằng Thượng Hội đồng phản ánh sự dân chủ hóa Giáo Hội thì nghĩ không đúng. Sự dân chủ hóa đích thực cho Giáo Hội chỉ có nếu Thượng Hội đồng đi tới những quyết định có tính chất bó buộc, nghĩa là cơ quan này là một cơ quan quyết định, chứ không phải chỉ là một cơ quan tư vấn, và nếu Đức Giáo Hoàng cần phải chấp nhận các quyết định của Thượng Hội đồng.
Thượng Hội đồng Giám Mục chỉ là tư vấn
Thực vậy, chưa bao giờ một Thượng Hội Đồng Giám Mục có quyền quyết định bó buộc. Mọi Công nghị Giám Mục thế giới đều dẫn tới một Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục và đây là điều hoàn toàn tùy thuộc Đức Giáo Hoàng. Ngài có thể quyết định nhận những điều đã được bỏ phiếu thông qua trong công nghị, và cũng có quyền không nhận những điều đó. Ngoài ra, các Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một văn kiện của Huấn quyền. Chúng không chứa đựng những quyết định về đạo lý. Những văn kiện ấy đưa ra những chỉ dẫn nhiều khi có ảnh hưởng lớn về đạo lý Giáo Hội, nhưng không phải là những văn kiện quan trọng hàng đầu của một vị Giáo Hoàng. Vì thế nếu quan niệm Thượng Hội đồng Giám Mục là nơi đề ra những quyết định quan trọng thì đó là điều không đúng chỗ. Đúng hơn đó là nơi trao đổi các quan điểm. Đức Phaolô VI thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục vì, một cách nào đó, ngài muốn tái diễn kinh nghiệm ngoại thường của Công đồng chung Vatican II. Nhưng cũng có một lý do khác nữa: ngài muốn các Giám Mục là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng trong các giáo phận thuộc quyền, mang những thảo luận và đưa cái nhìn của Giáo Hội hoàn vũ về giáo phận của các vị.
Nói một cách cụ thể: kết quả của Thượng Hội đồng sẽ đi về đâu, điều này phần lớn tùy thuộc quyết định của Đức Giáo Hoàng. Người ta thấy rõ điều này trong trường hợp Thượng Hội Đồng Giám Mục về miền Amazonia năm 2019. Ví dụ đa số các nghị phụ bỏ phiếu đề nghị truyền chức Linh mục cho những người nam “chín chắn”, gọi là “Viri probati”, nhưng đề nghị này không được Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.