Phỏng vấn sơ Nathalie Becquart về kết quả của Thượng hội đồng cấp châu lục
Ngọc Yến - Vatican News
Giai đoạn cấp châu lục của Thượng hội đồng vừa kết thúc. Trong hai tháng, từ ngày 05/02 đến ngày 31/3/2023, Ban Tổng thư ký tại Roma của Thượng Hội Đồng đã đi đến gặp gỡ các Giáo hội địa phương tại Châu Đại Dương, châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latinh, Bắc Mỹ và châu Âu.
Sơ Nathalie Becquart, người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 06/02/2021, là một người trong phái đoàn này.
Trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Công giáo Thuỵ Sĩ, Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đã cho biết về một số đặc điểm của giai đoạn cấp châu lục, đặc biệt chỉ ra những thách đố của sự hiệp nhất trong đa dạng.
Thưa sơ, là người tham dự các cuộc họp cấp châu lục, có sự kiện đặc biệt cụ thể nào ghi dấu nơi sơ?
Rất khó để xác định một sự kiện cụ thể. Tôi đã có cơ hội tham gia các cuộc họp Thượng hội đồng châu Đại Dương, Trung Đông, châu Á và châu Phi. Đó là một trải nghiệm rất phong phú. Tôi đã được đánh động với sự đa dạng của các thực tại Giáo hội theo các bối cảnh xã hội, chính trị và văn hoá, hoặc lịch sử của Giáo hội địa phương.
Chúng tôi thấy khuôn mặt của một Giáo hội đa diện được kêu gọi tăng cường đối thoại giữa các Giáo hội địa phương trong một sự năng động trao đổi hồng ân. Ở một số đảo của châu Đại Dương, công cuộc truyền giáo chỉ mới cách đây 50 năm, sau Công đồng Vatican II. Điều này mang một kinh nghiệm hoàn toàn khác về Giáo hội so với các Giáo hội ở Trung Đông đã hiện diện 2000 năm.
Cũng có những khác biệt trong sự biểu lộ đức tin?
Ở Fiji, nơi diễn ra các cuộc họp của châu Đại Dương, các cử hành rất khác so với các nơi khác. Đó là một đức tin được biểu lộ trong những nhịp điệu khác nhau, theo một cách hoàn toàn khác với nhiều yếu tố và cử chỉ của văn hoá bản địa địa phương. Những bài hát, phụng vụ, những biểu hiện đưa chúng ta vào một thế giới khác. Đôi khi khó hiểu… Tuy nhiên, cuối cùng thì các tín hữu ở Fiji sống đức tin giống người Mỹ và người châu Âu, hoặc Kitô hữu Đông Phương, các nghi thức cử hành phụng vụ khác so với các nơi khác. Đây là sự phong phú của Giáo hội. Các Kitô hữu phương tây phải học cách phi tập trung và đón nhận sức sống của Giáo hội trong các quốc gia của khu vực Nam bán cầu.
Và hiện tượng di cư cũng phải tính đến…?
Đúng vậy. Với việc di cư và nhập cư gia tăng ở tất cả các châu lục, hầu như không có Giáo hội địa phương nào có thể nghĩ rằng mình, các thành viên của Giáo hội, chỉ gồm những người bản địa. Giáo hội không chỉ bao gồm các Kitô hữu địa phương nhưng phải đón tiếp, hội nhập những người đã được rửa tội đến từ các nơi khác. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều linh mục và tu sĩ truyền giáo đến từ các nơi khác. Ví dụ ở châu Âu, ngày càng nhiều linh mục nước ngoài đến, đặc biệt từ châu Phi, nhưng cũng từ châu Á hay châu Mỹ Latinh, bởi vì hiện này nhiều ơn gọi đến từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Có phải các Giáo hội ở các quốc gia mới nổi đang làm cho đức tin được hồi sinh?
Đây là một quan sát làm cho một số Kitô hữu châu Âu lo sợ một cách vô lý. Họ cho rằng điều này làm mất căn tính, tạo ra một sự thay thế lớn, và họ lo ngại các giá trị của họ bị phân tán. Kitô giáo từ các nơi khác đến là một sự phong phú, một sức mạnh mới cho Giáo hội châu Âu, cũng là một cách để vượt qua những nỗi sợ hãi và xây dựng một xã hội huynh đệ hơn.
Các đại biểu tham gia cuộc họp cấp châu lục đã đón tiếp phái đoàn Vatican như thế nào?
Thường thì các Giám mục từ các lục địa khác đến Roma để gặp chúng tôi. Với bảy cuộc họp châu lục này, điều ngược lại đã xảy ra. Lần này, Roma đến gặp các Giám mục. Việc đi vào lãnh thổ chưa biết là hoàn toàn khác so với việc tiếp nhận trong môi trường bình thường. Tại chỗ, chúng tôi tìm hiểu thực tế. Chúng tôi đo lường toàn bộ mức độ chứng tá thiêng liêng. Hầu hết các phái đoàn đón tiếp chúng tôi đều xúc động khi thấy Vatican đến lắng nghe họ.
Và Roma xem các Giáo hội này như thế nào?
Với những cuộc gặp gỡ này, Roma ngày càng đảm nhận thước đo của một thế giới khác. Tính hiệp hành là một thách đố lớn. Đó là sự đánh cuộc của sự hiệp nhất trong đa dạng.
Đâu là điểm mạnh có được từ bảy tập hợp châu lục?
Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thành tài liệu làm việc cho Thượng hội đồng vào tháng 10, có xem xét đến kết quả của việc lắng nghe hiệp hành, từ các bản tổng hợp cấp giáo phận và quốc gia đến bảy tài liệu tổng kết của bảy cuộc họp châu lục. Chúng ta phải chờ để đưa ra kết luận cuối cùng. Tất cả những gì tôi có thể nói là các cuộc họp của Giáo hội là những kinh nghiệm mạnh mẽ về tính hiệp hành đã làm cho ước muốn theo đuổi việc “đồng hành với nhau” này, một con đường hoán cải.
Thành tựu chính của giai đoạn lục địa là gì?
Giai đoạn này đã giúp chúng ta có thể đào sâu lắng nghe và đối thoại để hòa hợp và hiểu nhau hơn, và để nhận ra nhau. Và giúp chúng ta có thể nhận ra rằng từ lục địa này sang lục địa khác, những mối quan tâm chính không phải lúc nào cũng giống nhau nhưng còn có nhiều nguyện vọng và câu hỏi chung được bày tỏ.
Như ở Trung Đông, vấn đề đại kết, với tất cả các Giáo hội khác nhau, Chính thống giáo, Công giáo gắn bó hay không gắn bó với Roma, đã được đặc biệt nhấn mạnh. Đối với châu Đại Dương, mối quan tâm hàng đầu là bảo vệ thụ tạo và đại dương, trong bối cảnh nhìn thấy cụ thể là mối đe dọa của việc chứng kiến các quốc gia, đặc biệt là các đảo, biến mất vì mực nước biển dâng lên.
Tính đoàn thể, hiệp thông? Điều gì có thể hiệp nhất các Giáo hội Bắc Mỹ hoặc châu Âu và các Giáo hội châu Đại Dương hoặc châu Phi với sự khác biệt như thế?
Chính Kinh Tin Kính, đức tin vào Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại, vẫn là nền tảng cho sự hiệp nhất của chúng ta, các Bí tích, Kinh Thánh và nhiều yếu tố mà chúng ta chia sẻ. Nhưng chúng ta không còn có thể, như đã từng, có một tầm nhìn tiêu chuẩn hóa và tập trung hóa về Giáo hội. Chúng ta phải công nhận rằng chúng ta có xu hướng “xuất khẩu” Kitô giáo châu Âu sang các châu lục khác như một hình mẫu để noi theo. Nếu đức tin vẫn là mối ràng buộc chung, thì có nhiều cách khác nhau để thể hiện và cử hành đức tin. Các Giáo hội địa phương phải tính đến điều này khi thực hiện khái niệm hội nhập văn hóa.
Sơ có ví dụ nào không?
Ở châu Á, ngoại trừ Philippines, Hàn Quốc và Đông Timor, Kitô giáo là thành phần thiểu số. Các Kitô hữu ở châu Á đã học cách sống đức tin của họ trong các xã hội chủ yếu là Ấn giáo, Phật giáo hoặc Hồi giáo. Ở châu Âu, ngày nay, chúng ta tự đặt câu hỏi, làm thế nào để sống như một Kitô hữu trong một thế giới phần lớn bị tục hóa và trong các xã hội ngày càng đa văn hóa và đa tôn giáo? Chắc chắn chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các Kitô hữu châu Á. Nắm bắt sự đa dạng của các nền văn hóa và tôn giáo trong khi tìm kiếm những gì hiệp nhất chúng ta để xây dựng tình huynh đệ nhân loại. Đây là một tầm nhìn liên tục với Đức Thánh Cha Phanxicô.
“Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”, Tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô chọn tựa đề tượng trưng cho tính đoàn thể và sứ vụ của Giáo hội cho Đại hội đồng thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục?
Vào cuối mỗi thượng hội đồng, các giám mục được yêu cầu đề xuất ba chủ đề cho thượng hội đồng tiếp theo. Sau đó, hội đồng của thượng hội đồng xem xét kết quả và đưa ra các đề xuất với Đức Thánh Cha, là người cuối cùng sẽ quyết định chủ đề của thượng hội đồng tiếp theo.
Vào năm 2018, trong Thượng hội đồng về người trẻ, các giám mục đã nhận ra rằng cách duy nhất để rao truyền đức tin ngày nay là trở thành một Giáo hội hiệp hành, trong đó tất cả mọi người đều được lắng nghe và là những tác nhân trong sứ vụ của Giáo hội trên thế giới. Thượng Hội đồng về tính hiệp hành này, một cách nào đó, là một phần sự tiếp tục của Thượng Hội đồng về người trẻ vốn nhấn mạnh thách đố trở thành một Giáo hội tương quan và chào đón, trong đó tất cả cùng bước đi. Điều này bao hàm một cách làm việc cùng nhau trong sự đa dạng của các đoàn sủng và ơn gọi, trong khi cần thiết phải tôn trọng những khác biệt, do lịch sử và các nền văn hóa.
Với Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo hội ngày càng ý thức rằng hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, nhưng phải giống như một “khối đa diện”. Để thực hiện sứ vụ của mình trong thế giới ngày nay - một thế giới bị phân mảnh và phụ thuộc lẫn nhau, cần tăng cường sức mạnh tổng hợp - chủ đề về tính hiệp hành vì thế là nhất thiết và hiển nhiên.
Tính hiệp hành được định nghĩa như thế nào?
Tính hiệp hành là một tiến trình cùng nhau bước đi trong sự lắng nghe nhau được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng củng cố sự hiệp thông bằng cách cho phép mọi người tham gia, cùng nhau làm điều đó để phục vụ công ích. Điều này có nghĩa là đặt câu hỏi làm thế nào những người đã được rửa tội, tất cả được mời gọi trở thành môn đệ truyền giáo, có thể suy nghĩ, phân định và hành động chung, mặc dù giữa họ có những đặc điểm khác nhau.
Bảy cuộc họp châu lục (châu Âu, châu Phi, châu Á, châu Đại Dương, châu Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, Trung Đông), vốn quy tụ các giám mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân và người trẻ, nam nữ, đã biểu trưng cho ý chí này. Các nhóm làm việc với cùng một niềm tin vào Chúa, nhưng thể hiện niềm tin đó cách khác nhau, thông qua các nền văn hóa và bối cảnh riêng của họ.
Dưới triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tham gia. Trong khi sơ đã từng là người phụ nữ duy nhất cho đến nay có quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội đồng Giám mục. Lần đầu tiên, và chính lần đầu tiên trong một thượng hội đồng, 40 phụ nữ cũng sẽ có thể bỏ phiếu.
Ý muốn mạnh mẽ của Đức Thánh Cha Phanxicô là trao cho phụ nữ một vị trí lớn hơn. Mong muốn thoát ra khỏi một Giáo hội giáo sĩ để tiến tới một Giáo hội hiệp hành. Phụ nữ phải gắn liền với đời sống Giáo hội. Nhưng không chỉ nam giới, nữ giới, tu sĩ và giáo dân, tất cả những ai đã được rửa tội đều phải tham gia. Đây là toàn bộ tinh thần của tính hiệp hành.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.