Tìm kiếm

Các tín hữu Trung Quốc cầu nguyện tại đền thánh Đức Mẹ Các tín hữu Trung Quốc cầu nguyện tại đền thánh Đức Mẹ 

ĐHY Parolin: ĐTC bổ nhiệm GM Thượng Hải vì thiện ích của Giáo phận và để đối thoại

Trong một cuộc phỏng vấn với Truyền thông Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh giải thích lý do Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức cha Giuse Thẩm Bân (Shen Bin) làm Giám mục Giáo phận Thượng Hải là vì “thiện ích của Giáo phận và để đối thoại”.

Vatican News

Ngày 04/4/2023, Đức cha Giuse Thẩm Bân, Giám mục Giáo phận Hải Môn, đã từ Giáo phận Hải Môn (Heimen) đến nhậm chức tại Giáo phận Thượng Hải. Toà Thánh chỉ được thông báo về quyết định thuyên chuyển Giám mục của chính quyền Trung Quốc vài ngày trước đó.

Với việc làm này, chính quyền Trung Quốc đã không thực hiện đúng Hiệp định tạm thời giữa Toà Thánh và Trung Quốc, về việc bổ nhiệm Giám mục, đã được gia hạn ngày 22/10/2022.

Sáng ngày 15/7/2023, Đức Thánh Cha chính thức bổ nhiệm Đức cha Giuse Thẩm Bân làm Giám mục Giáo phận Thượng Hải. Trong cuộc phỏng vấn được công bố cũng trong ngày này, Đức Hồng Y Parolin bắt đầu từ sự việc Đức cha Giuse được chính quyền Trung Quốc chuyển từ giáo phận Hải Môn đến Thượng Hải, và sự việc chỉ được thông báo cho Toà Thánh nhưng không bàn hỏi với Toà Thánh như Thoả thuận đã quy định. Hơn nữa, chỉ một tháng sau khi Thoả thuận được gia hạn (tháng 10/2022), Bắc Kinh đã bổ nhiệm Đức cha Gioan Bành Vệ Chiếu làm Giám mục phụ tá giáo phận Giang Tây, một giáo phận không được Toà Thánh công nhận.

Mô tả Đức cha Giuse Thẩm Bân là một “mục tử đáng kính”, Đức Hồng y Parolin giải thích “Đức Thánh Cha đã quyết định sửa chữa điều không hợp lệ theo Giáo luật vì thiện ích lớn hơn của Giáo phận”. Tuy nhiên, cách thực hiện này - hai việc thuyên chuyển trên - “dường như không coi trọng tinh thần đối thoại và hợp tác đã được thiết lập giữa Vatican và phía Trung Quốc trong nhiều năm và được đề cập trong Thỏa thuận”. Ví dụ, có những “vấn đề khác đang chờ giải quyết” liên quan đến hai Giám mục phụ tá - Đức cha Tađêô Mã Đại Thanh (Ma Daqin), vẫn còn bị cấm đoán, và Đức cha Giuse Hình Văn Chi (Xing Wenzhi), đã nghỉ hưu - đòi hỏi một “giải pháp công bằng và khôn ngoan”.

Đồng thuận để tránh những bất đồng

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh về sự cần thiết của “đối thoại cởi mở” và “gặp gỡ tôn trọng với phía Trung Quốc”. Nếu việc thuyên chuyển là một phần của “quyền cai quản của Giáo hội,” và do đó không có trở ngại nào cho việc này xảy ra ở Trung Quốc, thì vấn đề, “sẽ phát sinh nếu chúng được tiến hành theo cách không có sự đồng thuận”, trong khi “việc áp dụng đúng Hiệp định cho phép tránh được những khó khăn như vậy”. Do đó, điều cần thiết là “tất cả việc bổ nhiệm Giám mục ở Trung Quốc, bao gồm cả việc thuyên chuyển, phải được thực hiện trên cơ sở đồng thuận, như đã thỏa thuận, và để duy trì tinh thần đối thoại giữa các bên. Chúng ta phải cùng nhau tránh những tình huống bất hòa tạo ra những bất đồng và hiểu lầm”.

Ba vấn đề cấp bách

Sau đó, Đức Hồng Y Parolin tập trung vào một số vấn đề mà theo ngài “cần phải được giải quyết cấp bách”. Ngài nêu ra ba vấn đề: Hội đồng Giám mục, sự liên lạc của các Giám mục Trung Quốc với Đức Thánh Cha, và loan báo Tin Mừng. Ngài nhấn mạnh, việc thành lập một Hội đồng Giám mục sẽ giúp thực hiện mong muốn của Tòa Thánh “để thấy sự phát triển trách nhiệm của các Giám mục trong việc lãnh đạo Giáo hội ở Trung Quốc”.

Và trong bối cảnh này, “cần có sự liên lạc thường xuyên của các Giám mục Trung Quốc với Giám mục Roma, điều không thể thiếu để hiệp thông hiệu quả, biết rằng tất cả những điều này thuộc về cơ cấu và giáo huấn của Giáo hội Công giáo, điều mà chính quyền Trung Quốc luôn nói rằng họ không muốn thay đổi”. Đức Hồng Y Parolin khẳng định rằng mặc dầu có “quá nhiều nghi ngờ” có thể “làm chậm lại và cản trở công cuộc rao giảng Tin Mừng”, người Công giáo Trung Quốc, “ngay cả những người được định nghĩa là ‘hầm trú’, đáng được tin tưởng, bởi vì họ thực sự muốn trở thành những công dân trung thành và được tôn trọng trong lương tâm và đức tin”. Do đó, cần phải vượt qua “sự ngờ vực đối với Công giáo, vốn không phải là một tôn giáo bị coi là xa lạ, chứ đừng nói đến việc đi ngược lại với nền văn hóa của dân tộc vĩ đại đó”.

Văn phòng liên lạc tại Trung Quốc

Đức Hồng Y Parolin nói ngài muốn thực hiện cuộc phỏng vấn này, “bởi vì các tín hữu Công giáo, không chỉ ở Trung Quốc, có quyền được biết thông tin chính xác”. Ngài thừa nhận “những trở ngại ảnh hưởng đến niềm tin và làm giảm năng lượng tích cực. Tuy nhiên, đối với ngài, những lý do để đối thoại còn mạnh mẽ hơn. Và để giúp cuộc đối thoại giữa hai bên “trôi chảy và hiệu quả hơn”, Đức Hồng Y Parolin đề nghị “mở một văn phòng liên lạc ổn định của Tòa Thánh tại Trung Quốc”, văn phòng này “không chỉ ủng hộ đối thoại với chính quyền dân sự, nhưng còn góp phần vào sự hòa giải hoàn toàn trong Giáo hội Trung Quốc và hành trình hướng tới một sự bình thường đáng mong muốn”.

Kết thúc bài phỏng vấn, Quốc vụ khanh Toà Thánh lưu ý rằng "chúng ta đã ký một Thỏa thuận có thể nói là có mang tính lịch sử”, tuy nhiên, Thoả thuận cần được áp dụng toàn bộ và đúng đắn nhất có thể". Ngài đảm bảo rằng Tòa Thánh “quyết tâm thực hiện phần việc của mình để đảm bảo rằng cuộc hành trình vẫn được tiếp tục”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

17 tháng bảy 2023, 10:35