Giáo hội Syro Malabar tại Ấn Độ trước hiểm họa ly giáo
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Giáo hội Công giáo Syro Malabar
Giáo hội Công giáo tại Ấn Độ có khoảng 20 triệu tín hữu thuộc 3 nghi lễ:
- Công giáo Latinh đông nhất với khoảng 15 triệu tín hữu và 127 giáo phận trên toàn quốc.
- Tiếp đến là Công giáo Syro Malabar có nguồn gốc từ thánh Tôma Tông Đồ. Thánh nhân rời Giêrusalem khoảng năm 40 và đến truyền đạo tại Ấn Độ vào năm 53. Giáo hội này có khoảng gần 4 triệu tín hữu sống tại nhiều nước trên thế giới, trong đó 2 triệu 350 ngàn người ở bang Kerala miền tây nam Ấn Độ. Giáo hội này có khoảng 65 Giám mục coi sóc 35 giáo phận với sự cộng tác của hơn 9 ngàn linh mục. Đây là Giáo hội Công giáo Đông phương lớn thứ 2, sau Giáo hội Công giáo Ucraina.
- Sau cùng là Giáo hội Syro Malankara từ Chính Thống trở về hiệp nhất với Tòa Thánh từ năm 1930; ban đầu Giáo hội này có 2 Giám mục, 1 phó tế và một giáo dân. Thành phần của Giáo hội này liên tục gia tăng và hiện có khoảng hơn 400 ngàn tín hữu thuộc 12 giáo phận ở Ấn Độ và trên thế giới.
Tranh chấp về phụng vụ trong Công giáo Syro Malabar
Trong Giáo hội Syro Malabar từ lâu đã có những tranh luận về cách cử hành Thánh lễ. Nhưng sau hơn 5 thập niên tranh chấp, các Giám mục, giáo sĩ và giáo dân của 34 giáo phận đã chấp nhận quyết định ngày 28/11/2022 của Hội đồng Công nghị, được Đức Thánh Cha, qua Bộ các Giáo hội Công giáo đông phương phê chuẩn, về cách thức cử hành Thánh lễ, theo đó trong phần đầu Thánh lễ, linh mục quay xuống giáo dân, và trong phần thứ 2 là phụng vụ Thánh Thể, thì linh mục quay lên bàn thờ. Đến phần hiệp lễ thì vị chủ tế lại quay xuống giáo dân.
Tuy nhiên, tại Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, là giáo phận lớn nhất với hơn nửa triệu giáo dân và hơn 400 linh mục, đa số vẫn không chấp nhận nghi thức thống nhất để cử hành Thánh lễ và họ thực hiện những hoạt động phản đối, kể cả việc đốt hình nộm của vị Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương và Đức Hồng Y Tổng Giám mục bản quyền.
Đức Thánh Cha bổ nhiệm đặc ủy của ngài đến Ấn Độ
Trước tình trạng chia rẽ kéo dài, theo lời thỉnh cầu của Đức Hồng Y George Alencherry, Tổng Giám mục trưởng của Giáo hội Công giáo Syro Malabar, Đức Thánh Cha cử Đặc ủy của ngài với năng quyền đặc biệt đến Ấn Độ từ ngày 4/8 vừa qua (2023) để giải quyết vấn đề. Đức Tổng Giám mục Cyril Vasil, thuộc dòng Tên người Slovakia, năm nay 58 tuổi (1965), nguyên là Giáo sư rồi làm Viện Trưởng Giáo hoàng Học viện Đông phương ở Roma, trước khi được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương từ năm 2009, sau 11 năm ngài được bổ nhiệm cai quản Tổng giáo phận Kosice, quê hương của ngài.
Hoạt động của Đức Tổng Giám mục Đặc Ủy
Trước khi tới Ấn Độ, Đức Tổng Giám mục Vasil đã gửi thư cho các giáo xứ ở giáo phận Ernakulam để thông báo sứ vụ của ngài do Đức Thánh Cha ủy thác và yêu cầu các cha sở thông báo trong các giáo xứ liên hệ, nhưng những linh mục chống đối làm ngơ đối với lá thư này.
Hôm 15/8/2023, khoảng 250 linh mục chống đối đã cử hành Thánh lễ theo phụng vụ riêng của họ tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà ở thành Ernakulam, nơi đã bị đóng cửa từ tháng 12 năm ngoái sau những vụ xung đột.
Về phần Đức Tổng Giám mục đặc ủy Cyril Vasil, trong Thánh lễ cử hành ngày 15/8 tại Nhà thờ Chính tòa Kochi, trụ sở của Giáo hội Syro Malabar, ngài xin các linh mục và tín hữu đừng theo nhóm chống đối và đừng tham gia những Thánh lễ bất hợp pháp. Ngài nói: “Sẽ không bao giờ có phúc lành của Thiên Chúa trên sự phản đối và phản loạn bất hợp pháp. Tôi quỳ gối và đích thân xin lỗi vì tất cả những gì đã làm cớ thực sự hay giả định cho cuộc nổi loạn này. Cũng vậy, tôi quỳ gối xin anh em đừng tham gia vào tội chống lại Chúa và Giáo hội Công giáo... Xin anh em hãy thành tâm tự hỏi: Anh em có theo Đức Thánh Cha hay không? Anh em có muốn tiếp tục là linh mục và là phần tử của Giáo hội Syro Malabar của anh em hay không? Anh em theo Đức Thánh Cha hay chống lại ngài? Hoặc anh em muốn nghe tiếng nói của những người gây rối, hướng dẫn anh em tới chỗ bất tuân phục Đức Thánh Cha và các mục tử hợp pháp của Giáo hội Syro Malabar và Giáo hội Công giáo?”
Đức Tổng Giám mục Vasil nói thêm rằng:
“Phải chăng anh em muốn tiếp tục cử hành Thánh lễ một cách bất hợp pháp? Hoặc anh em muốn cử hành Thánh lễ theo các quy luật do Giáo hội ấn định? Anh em có muốn lắng nghe Đức Thánh Cha của anh em hay là, nhân danh sự liên đới giả dối, lắng nghe một số linh mục đang dẫn anh em tới tình trạng mà trong thực tế đang tách rời ra khỏi Giáo hội Công giáo, hoặc anh em bị hăm dọa phải làm như thế? Phải chăng anh em để cho mình bị hăm dọa do một thiểu số người phản đối hung bạo, họ theo đuổi những kế hoạch đen tối và đi tới độ phá rối hoặc ngăn cản việc cử hành Thánh lễ theo quyết định của Hội đồng Giáo hội?”
Đức Tổng Giám mục cũng nhấn mạnh rằng “Đức Thánh Cha Phanxicô được đích thân thông tin chi tiết về những vấn nạn và những lập luận chống đối việc áp dụng phụng vụ mới để cử hành Thánh lễ trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly. Năm 2021, ngài viết thư cho Giáo hội Công giáo Syro Malabar yêu cầu mau lẹ áp dụng cách thức đồng nhất cử hành Thánh lễ. Năm ngoái, ngài lại viết thư cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân tái yêu cầu mau lẹ áp dụng phụng vụ thống nhất, thế mà anh em cứ tiếp tục chọn đi theo hình thức phụng vụ riêng... tự cô lập mình với phần còn lại của Giáo hội Syro Malabar”.
Đức Tổng Giám mục Vasil cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sai ngài đến Ấn Độ này với sứ mạng rõ ràng là đưa các linh mục và Giám mục đối lập trở lại sự vâng phục”.
Ngày 17/8/2023, Đức Tổng Giám mục đặc ủy của Đức Thánh Cha ra lệnh tối hậu cho các linh mục chống đối phải tuân phục quyết định của giáo quyền về vấn đề cử hành Thánh lễ theo nghi thức thống nhất từ ngày 20/8/2023.
Thư tối hậu của Đức Tổng Giám mục Cyril có đoạn viết: “Mọi bất tuân lệnh này sẽ bị coi là cố tình, đích thân và có tội bất tuân phục Đức Thánh Cha. Vì thế, với thư này, tôi đích thân truyền cho mỗi người trong anh em rằng mọi sự bất tuân với đường hướng này, sẽ đưa tới các biện pháp kỷ luật không thể tránh được”.
Trong thư, Đức Tổng Giám mục Vasil viết thêm rằng: “Tôi mời gọi các cha hãy vâng phục quyền bính hợp pháp, nêu gương tốt cho các tín hữu, sống xứng đáng với thánh chức đã lãnh nhận như một hồng ân hoàn toàn nhưng không từ Chúa, qua Giáo hội, được giáo quyền cử hành”.
Gặp Hội đồng Công nghị của Giáo hội Syro Malabar
Ngày 21/8/2023, Đức Tổng Giám mục Vasil đã gặp Hội đồng của Giáo hội Syro Malabar, nhóm họp cho đến ngày 26/8/2023 và trình bày cho các Giám mục tình hình cho đến bấy giờ. Đức Tổng Giám mục Đặc Ủy đã nhấn mạnh rằng tình trạng vô kỷ luật đưa đến sự đánh mất tình hiệp thông của Công giáo là điều nguy hiểm đối với Giáo hội.
Đức Hồng Y George Alencherry, Tổng Giám mục trưởng của Giáo hội Syro Malabar, trong lời khai mạc khóa họp của Hội đồng Giáo hội, đã nói rằng những phản đối chống Đặc Ủy của Đức Thánh Cha làm cho Giáo hội rất đau buồn, đồng thời Đức Hồng y nhắc lại rằng sức mạnh của Giáo hội hệ tại sự hiệp nhất. Những khẩu hiệu mà các thành phần chống đối hô lên chống Đức Tổng Giám mục Đặc Ủy tạo nên tình trạng căng thẳng tại Nhà thờ Chính Tòa của Tổng giáo phận Ernakulam, ngăn cản không cho Đức Tổng Giám mục vào nhà thờ, là điều không thể biện minh được.
Mặc dù có lời kêu gọi và cảnh cáo của Đức Tổng Giám mục Đặc Ủy, nhóm linh mục và giáo dân chống đối vẫn quyết liệt trong lập trường của họ. Những người chống đối cũng kéo đến địa điểm nơi các Giám mục nhóm họp để phản đối. Hai linh mục thuộc tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly muốn tuyệt thực để đòi giáo quyền phải phục hồi 4 linh mục trẻ bị mãn nhiệm tại tiểu chủng viện ở thành phố Kochi theo lệnh của Đức Tổng Giám mục Đặc Sứ vì bất tuân phục. Tuy nhiên cảnh sát không cho phép họ ngồi tuyệt thực trong khu vực trụ sở Giáo hội. Ngoài ra những người thuộc nhóm chống đối cũng tới tiểu chủng viện hăm dọa cha giám đốc và các nhân viên của cơ sở giáo dục này.
Người đứng đầu trong nhóm chống đối là linh mục Mundadan, Tổng thư ký Hội đồng linh mục của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly. Linh mục này đã viết thư cho Đức Hồng Y Pietro Parolin để phản đối đặc ủy của Đức Thánh Cha và nói là Đức Tổng Giám mục “hành xử như một pháp tòa điều tra thời Trung Cổ”, đồng thời cho biết sở dĩ cha không chấp nhận cách thức cử hành Thánh lễ theo nghi thức mới là vì các tín hữu, chứ không phải vì không vâng lời Đức Thánh Cha.
Trong thông cáo báo chí ngày 23/8/2023 ở Kochi, cha Antony Vadakkekara, phát ngôn viên của Giáo hội Syro Malabar cho biết Đức Tổng Giám mục Đặc ủy của Đức Thánh Cha sẽ trở lại Ấn độ để tiếp tục giúp giải quyết vấn đề cử hành Thánh lễ thống nhất trong Giáo hội này.
Cha cũng nói rằng “Lá thư của cha Mundadan gửi Đức Hồng Y Parolin chỉ là tiếng kêu gọi của phe đang thua cuộc trong sự gan lỳ bất công. Thư đó cũng nhắm che đậy cuộc tấn công Đức Tổng Giám mục Cyril Vasil, Đặc Ủy của Đức Thánh Cha tại Tổng giáo phận này. Lá thư đó là một sự bất tuân phục tỏ tường của cha Mandadan”.
Phụng vụ phải kiến tạo hiệp nhất
Chưa có thời gian xác định khi nào Đức Tổng Giám mục Vasil được Đức Thánh Cha phái trở lại Ấn Độ để tiếp tục công cuộc bình định tại tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly.
Những gì xảy ra tại giáo phận này đã được Đức Thánh Cha ám chỉ tới và ngài đã từng kêu gọi đừng biến phụng vụ thành “bãi chiến trường”.
Trong buổi tiếp kiến ngày 7/5 năm nay nhân kỷ niệm 60 năm Thành lập Học viện thánh Anselmo của dòng Biển Đức chuyên về phụng vụ, Đức Thánh Cha đã nói tới những tranh luận mạnh mẽ hiện nay trong Giáo hội Công giáo sau khi ngài ban hành tự sắc giới hạn việc cử hành Thánh lễ theo nghi lễ cũ, tiền Công đồng chung Vatican II, hoặc những chia rẽ sâu đậm hiện nay trong Giáo hội Công giáo Syro Malabar ở Ấn Độ vì vấn đề linh mục làm lễ “quay lên hay quay xuống”. Ngài nói: “Đời sống phụng vụ và việc học hỏi phụng vụ phải dẫn tới một sự hiệp nhất mạnh mẽ hơn trong Giáo hội. Không thể phụng tự Thiên Chúa và đồng thời lại biến phụng vụ thành một bãi chiến trường vì những vấn đề không thiết yếu. Tin Mừng và Truyền Thống của Giáo hội kêu gọi chúng ta hãy kiên vững hiệp nhất về những điều cốt yếu và cùng chia sẻ những khác biệt hợp pháp trong sự hòa hợp của Thánh Thần. Vì thế Công đồng đã muốn chuẩn bị bàn tiệc dồi dào Lời Chúa và Thánh Thể, để Thiên Chúa có thể hiện diện giữa Dân của Người. Như thế Giáo hội, nhờ kinh nguyện phụng vụ, kéo dài hoạt động của Chúa Kitô giữa con người ngày nay; và cả giữa thiên nhiên, khi ban phát hồng ân sự hiện diện của Chúa qua Bí tích, Phụng vụ phải được học hỏi trong niềm trung thành với mầu nhiệm ấy”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.