Họp báo Thượng Hội đồng: Trải nghiệm đại kết tại Thượng Hội đồng
Vatican News
Ông Onyinah, một nhà thần học, cũng là cựu chủ tịch của Giáo hội Ngũ tuần ở Ghana, thành viên của Ủy ban Hỗn hợp Công giáo-Ngũ tuần Quốc tế, tham dự Đại hội Thượng Hội đồng với tư cách là một đại biểu huynh đệ. Ông chia sẻ rằng tiến trình hiệp hành “rất cởi mở, minh bạch và mang đến cho mọi người cơ hội bình đẳng để chia sẻ quan điểm của họ”. Hơn nữa, “mọi đóng góp đều được coi là rất quan trọng”. Theo ông, đây là “dấu hiệu của sự trưởng thành ở mức độ cao nhất đã được Giáo hội Công giáo chứng minh”.
Trong kỳ họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16, diễn ra tại Vatican từ ngày 4-29/10/2023, có 12 đại biểu huynh đệ từ bốn truyền thống Kitô giáo lớn đã được mời: 3 vị của Giáo hội Chính Thống, 3 vị của các Giáo hội Chính Thống Đông phương, 3 vị từ các Cộng đoàn Tin lành lịch sử và ba vị từ các cộng đoàn Ngũ Tuần.
Các đại biểu huynh đệ không chỉ là những người quan sát mà còn được mời tham gia vào các cuộc thảo luận, đặc biệt là trong các Nhóm nhỏ. Họ cũng đã tham dự tĩnh tâm từ ngày 1-3/10/2023 để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng.
"Việc cầu nguyện chung rất quan trọng"
Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ Trưởng Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, đã nói về chiều kích đại kết của Thượng Hội đồng. Ngài nhấn mạnh rằng sự hiện diện của các đại biểu huynh đệ chứng tỏ rằng sự tham gia của các Giáo hội và các cộng đoàn Giáo hội khác là trọng tâm của trải nghiệm đại kết. Ngài nhấn mạnh chiều kích phụng vụ của tính hiệp hành, và nói rằng “chúng ta cầu nguyện và cùng nhau bước đi” bởi vì “việc cầu nguyện chung là rất quan trọng”.
Đức Hồng Y làm chứng rằng Đức Thánh Cha “tin chắc rằng tiến trình hiệp hành này phải mang tính đại kết và rằng con đường đại kết phải mang tính hiệp hành", bởi vì "có sự hỗ tương giữa đại kết và tính hiệp hành".
"Chúng ta cùng nhau tìm kiếm những gì hiệp nhất chúng ta”
Tổng Giám mục Iosif của Giáo hội Chính Thống Tây và Nam Âu nhắc rằng suy tư về tính hiệp hành và quyền tối thượng đã diễn ra mười năm qua trong Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Công giáo-Chính Thống. Ngài khẳng định rằng “Giữa các Kitô hữu trên thế giới, một ‘tình huynh đệ’ đích thực đang được xây dựng sau nhiều thời gian đầy căng thẳng và chia rẽ. Chúng ta cùng nhau tìm kiếm những gì hiệp nhất chúng ta”. Ngài chia sẻ một ví dụ về sự hợp tác, ở Ý, “Giáo hội Công giáo cho Giáo hội Chính Thống Rumani mượn hơn 300 nhà thờ”. Hơn nữa, ngài nói thêm, “đại kết diễn ra ở cấp cơ sở, qua chứng tá của nhiều gia đình hỗn hợp đã hình thành ở Châu Âu và trên toàn thế giới”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.