Ngoại trưởng Toà Thánh trả lời phỏng vấn đài truyền hình TG1 của Ý
Vatican News
Trước hết, về vụ tấn công gần đây ở Moscow, Đức Tổng Giám Mục mô tả là “khủng khiếp, điều phải khiến chúng ta suy nghĩ bởi vì chúng ta có thể thấy rằng có những thành phần trong xã hội chỉ muốn phá huỷ và làm người khác đau khổ”. Theo ngài, vụ thảm sát này có thể làm cho tình hình thế giới thêm căng thẳng, vì một quốc gia bị tổn thương như thế cũng có thể phản ứng rất mạnh mẽ, như Israel đã phản ứng sau ngày 07/10. Tất cả sự bất ổn này là kết quả của việc phá vỡ một trật tự mà chúng ta nghĩ rằng đã thiết lập sau hai cuộc chiến tranh thế giới, sau Chiến tranh Lạnh, nơi các quốc gia giải quyết xung đột bằng cách đàm phán và đối thoại. Ngày nay dường như người ta không còn chú ý đến luật pháp, nhưng đúng hơn là sự thiếu tin tưởng vào các thể chế.
Về Ucraina, Ngoại trưởng Toà Thánh nói: “Đức Thánh Cha luôn nói rõ các cuộc chiến tranh đều kết thúc trên bàn đàm phán. Tôi tin rằng Đức Thánh Cha muốn khuyến khích phía Ucraina đối thoại vì lợi ích của đất nước. Đồng thời, tôi tin rằng Tòa Thánh luôn rất rõ ràng với phía Nga, yêu cầu họ cũng gửi tín hiệu theo nghĩa này, bắt đầu bằng việc ngừng phóng tên lửa trên lãnh thổ Ucraina”.
Cuộc phỏng vấn tiếp tục hướng về Trung Đông. Đức Tổng Giám Mục cho biết quan điểm của Toà Thánh về giải pháp “hai dân tộc, hai quốc gia” cho tương lai của Israel và Palestine. Một giải pháp đòi hỏi nỗ lực và hy sinh tưởng chừng như đã bị bỏ qua, trái lại hiện nay cộng đồng quốc tế lại bàn luận nhiều hơn. Ngài nói: “Điều này mang lại cho chúng tôi một chút hy vọng. Tòa Thánh luôn tiếp tục nhấn mạnh đến giải pháp này, nhưng đối với nhiều người, điều đó không còn được coi là khả thi nữa. Bây giờ chúng tôi thấy những khó khăn lớn ở Bờ Tây, vấn đề về tương lai của Gaza, nhưng ít nhất mọi người hiện thấy rằng cần phải tìm kiếm một giải pháp chính trị”.
Ngài nói thêm chắc chắn một trang mới sẽ mở ra với nghị quyết ngừng bắn được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua với việc bỏ phiếu trắng của Mỹ. Đây là một thông điệp rất mạnh mẽ cho thấy chính quyền Mỹ không thể tiếp tục như cũ, đó là sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn bất kỳ hành động nào của Liên Hiệp Quốc. Thực tế, nghị quyết cho thấy lập trường của đa số các nước Liên Hiệp Quốc là chấm dứt chiến tranh này, mang lại hòa bình, cứu những gì có thể cứu được.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.