ĐHY Parolin cử hành Thánh lễ kết thúc hành hương Đức Mẹ Carmine ở Ucraina
Vatican News
Trong Thánh lễ được cử hành nhân dịp các tín hữu kết thúc cuộc hành hương, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đặc sứ của Đức Thánh Cha, nhắc lại và bảo đảm với người dân Ucraina rằng Đức Thánh Cha luôn gần gũi và chia sẻ nỗi đau của họ và ôm họ “bằng vòng tay của người cha”.
Lịch sử đền thánh Đức Mẹ Maria Carmine
Trong bài giảng được Đức Cha Edward Kawa, phụ tá của tổng giáo phận Công giáo nghi lễ Latinh Lviv đọc bằng tiếng Ucraina, Đức Hồng y Parolin nhắc lại lịch sử của đền thánh Đức Mẹ Maria Carmine. Vào năm 1627, Janusz Tyszkiewicz, thống đốc vùng đất Kyiv và Zhytomyr, bị cầm tù trong một trận chiến chống lại người Tatar. Bị xiềng xích, ông hứa sẽ làm một số việc tốt để tôn vinh Chúa và Đức Mẹ nếu được tự do. Trong một giấc mơ, ông nhìn thấy các tu sĩ mà ông không quen biết đã cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ để ông được giải thoát. Sau khi được trả tự do, ông quyết định xây dựng một tu viện ở Berdychiv dành cho các tu sĩ mà ông đã gặp trong giấc mơ. Ba năm sau, ông nhận ra đó là các tu sĩ Dòng Cát Minh ở Lublin.
Nhà thờ được thánh hiến vào năm 1642: bức ảnh Đức Mẹ Tuyết, một bản sao của bức icon Đức Maria là Phần rỗi của dân thành Roma ở đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, được đặt trên bàn thờ chính. Bản sao này được tặng bởi chính Tyszkiewicz, người trước đây đã giữ bức ảnh tại gia đình, và vào năm 1647, bức ảnh đã được giám mục lúc đó của Kyiv tuyên bố là bức ảnh phép lạ, vì ngài đã được chữa lành sau khi cầu nguyện trước bức ảnh.
“Đừng bao giờ đánh mất niềm tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa"
Dựa trên bài đọc thứ nhất trích từ Sách Các Vua quyển thứ nhất, thuật lại sự hy sinh của tiên tri Êlia trên núi Carmel, Đức Hồng y Parolin mời gọi Giáo hội Ucraina trở nên Giáo hội “có tính ngôn sứ”. Ngài nhấn mạnh rằng Giáo hội phải kêu gọi “không ngừng cầu nguyện, để Thiên Chúa có thể hoán cải tâm hồn của những người đã xa rời đường lối của Người và trở thành nô lệ cho niềm kiêu hãnh của chính mình, gieo rắc bạo lực và cái chết, chà đạp lên phẩm giá của người khác là con cái của Chúa”. “Chúng ta phải thực sự cầu xin Chúa, Đấng là bác sĩ thiên quốc, chữa lành chúng ta khỏi những căn bệnh chết người này và thay thế trái tim bằng đá bởi trái tim bằng thịt!”.
Đặc sứ của Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu Ucraina: “Đừng bao giờ đánh mất niềm tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa, nhất là ngày nay, khi dường như sự ác đang chiếm ưu thế, khi nỗi kinh hoàng của chiến tranh và nỗi đau của vô số nạn nhân và sự hủy diệt hàng loạt khiến niềm tin vào lòng nhân lành của Thiên Chúa rơi vào khủng hoảng, khi cánh tay của chúng ta rã rời và chúng ta thậm chí không còn sức để cầu nguyện nữa”. Ngài mời gọi họ nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh: vào Thứ Sáu Tuần Thánh đó, khi tội lỗi dường như đã chiến thắng, và sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa đã thất bại, ngay lúc đó, bình minh rạng ngời của Lễ Phục Sinh đã bừng lên. Sự chết sẽ không có tiếng nói quyết định ngay cả khi khó nhìn thấy chân trời Phục sinh.
Mẹ Maria: biểu tượng của sự dịu dàng và tình yêu
Cuối bài giảng, Đức Hồng y Parolin khẳng định rằng Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã sát cánh cùng chúng ta trong vất vả của thập giá cá nhân của chúng ta cũng đồng hành cùng chúng ta hướng tới sự phục sinh vinh quang của Mẹ. Ngài mời gọi các tín hữu chiêm ngắm ảnh Mẹ Thiên Chúa ở Berdychiv, biểu tượng của sự dịu dàng và tình yêu. Mẹ là niềm an ủi trong nỗi buồn, sẵn sàng mang đến cho chúng ta một nơi trú ẩn an toàn. Ngài dâng lên Con của Mẹ lời cầu nguyện cho người dân Ucraina đang đau khổ.
Xin Đức Mẹ cầu bầu cho tương lai an bình của Ucraina
Đức Hồng y kết thúc bài giảng với lời cầu nguyện: “Lạy Mẹ Rất Thánh, xin cho các trẻ em và giới trẻ có một tương lai bình an và chắc chắn, cho các gia đình là những lò sưởi yêu thương, cho người già và người bệnh được an ủi và giảm bớt đau khổ, cho những ai bảo vệ quê hương được bảo vệ khỏi sự tấn công của sự dữ, cho các tù nhân chiến tranh được trở về ôm lấy những người thân yêu của họ và cho các nạn nhân được chào đón vào Nước Trời”.
Cuối Thánh lễ, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã dâng một chuỗi Mân Côi từ Đức Thánh Cha như “một lời cam kết của tất cả chúng ta trong việc tiếp tục cầu nguyện để Đức Mẹ đáp lại những điều chúng ta cần và những nhu cầu của chúng ta”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.