Ecclesiam suam: tái khám phá giá trị của đối thoại sau 60 năm
Vatican News
Ngày 6 tháng 8 năm 1964, Ecclesiam suam, thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI được ban hành. Theo lời nhận xét của Đức Tổng giám mục Torino, đây được xem như văn bản tiên phong đã đưa Giáo hội trở lại con đường đối thoại với thời hiện đại. Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày được công bố nhưng cho đến hôm nay thông điệp vẫn tiếp tục mở ra những chân trời mới cho Giáo hội thông qua con đường đối thoại.
Mở đầu triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Phaolô VI đã sớm khẳng định rằng đối thoại sẽ là đường lối hoạt động của ngài, một hướng đi mà vị tiền nhiệm (Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII) đã mở ra. Và thành quả của đường lối này sớm được gặt hái qua biến cố ngày 7/12/1965 khi các đại diện cao nhất của Giáo hội Công giáo và Chính Thống Giáo đã gỡ bỏ vạ tuyệt thông cho nhau từ năm 1054. Sự kiện này được đặt nền tảng trên cuộc gặp gỡ diễn ra tại Giêrusalem giữa Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Đại Kết Athenagoras. Ngày 5/1/2024 cũng là mốc thời gian đánh dấu 60 năm cuộc gặp gỡ của tình huynh đệ, một cuộc đối thoại mở ra cánh cửa của sự đoàn kết và hiệp nhất.
Ngay từ những lời đầu tiên trong thông điệp, Đức Giáo Hoàng Montini đã đưa ra những chỉ dẫn quý giá khác về thời đại chúng ta đang sống. Ecclesiam suam - Giáo hội thuộc về Đấng sáng lập là Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội không phải là “của chúng ta”, nó không phải do bàn tay của chúng ta tạo ra, nó không phải là kết quả kỹ năng của chúng ta. Hiệu quả của nó không phụ thuộc vào hoạt động tiếp thị, vào các chiến dịch được thiết kế cẩn thận, vào lượng khán giả hay khả năng lấp đầy các sân vận động. Giáo hội không tồn tại vì nó có khả năng tạo ra các sự kiện lớn, vì các chiến lược gây ảnh hưởng hoặc sự quảng bá của truyền thông.
Hơn nữa, đối với Đức Phaolô VI, đối thoại không có mục tiêu là sự hoán cải ngay lập tức của người đối thoại. Hay nói khác hơn, đối thoại là công việc của ân sủng Thiên Chúa, chứ không phải của sự khôn ngoan biện chứng của nhà truyền giáo. Đó còn là sự kết hợp của chân lý với bác ái, của trí tuệ với tình yêu. Một cuộc đối thoại thực sự không đề cao căn tính như một sự tách biệt khiến chúng ta coi thường người khác. Giáo hội phải đối thoại với thế giới mà mình đang sống. Giáo Hội trở thành lời nói; Giáo hội trở thành một thông điệp; Giáo hội trở thành một cuộc đối thoại; Giáo hội cần đối thoại với thế giới (số 67).
Giáo hội khác biệt với nhân loại; tuy vậy Giáo hội không chống lại nhân loại nhưng kết hợp với họ. Giáo hội sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian (số 63-65). Giáo hội có một sứ mạng phải thực hiện, một sứ điệp phải loan truyền: Giáo hội có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, do sự uỷ thác của Chúa Kitô cho các thánh tông đồ (số 66). Đó chính là nguồn gốc của đối thoại Ki-tô giáo.
Bản chất đối thoại là không kiêu hãnh, không gay gắt, không xúc phạm. Sức mạnh của đối thoại phát xuất từ sự thật được diễn tả, từ lòng bác ái được lan truyền, từ gương sáng được phản chiếu; nó không phải là mệnh lệnh, nó không phải là sự áp đặt. Kiên nhẫn, không bạo lực nhưng đầy sự tin tưởng và tôn trọng. Đó là con đường đối thoại mà Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã vạch ra qua thông điệp Ecclesiam suam.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.