Tông du của ĐTC Phanxicô đến châu Á và châu Đại Dương: Từ đường hầm chiến tranh đến đường hầm huynh đệ
Vatican News
Ông Tornielli đưa hình ảnh đền thờ Hồi giáo Istiqlal tại Jakarta, đền thờ lớn nhất Đông Nam Á, và nhà thờ Công giáo Đức Mẹ Lên Trời, nằm đối diện nhau, gần nhau nhưng cách nhau bằng một con đường. Một đường hầm cũ đã được khôi phục, trang trí bằng các tác phẩm nghệ thuật và biến thành “đường hầm huynh đệ” để kết nối nơi cầu nguyện của người Hồi giáo với nơi các Kitô hữu cử hành Thánh Thể.
Theo ông, trong một thế giới đang cháy, do chiến tranh, bạo lực và hận thù, chúng ta cần tìm ra những con đường của tình bạn, đặt cược vào đối thoại và hòa bình bởi vì “tất cả chúng ta đều là anh chị em”. Đây là điều mà người kế vị Thánh Phêrô, người xây những cây cầu làm chứng cho chúng ta. Hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu cuộc hành hương để gần gũi với các Kitô hữu nơi họ là một “đoàn chiên nhỏ”, như ở Indonesia; hoặc nơi họ đại diện cho gần như toàn bộ dân số, như ở Đông Timor. Một hành trình gặp gỡ mọi người và tái khẳng định rằng chúng ta không bị kết án bởi những bức tường, rào cản, hận thù và bạo lực, bởi vì phụ nữ và nam giới thuộc các tín ngưỡng, dân tộc và nền văn hóa khác nhau đều có thể cùng chung sống, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác.
Mặc dù đã được lên kế hoạch từ 4 năm trước và sau đó bị hoãn lại do đại dịch, ngày nay chuyến viếng thăm châu Á và châu Đại Dương vẫn mang một ý nghĩa ngôn sứ. Giám mục Roma, với phong cách của vị thánh Assisi, tỏ ra không có khả năng tự vệ, không có ý định chinh phục hay chiêu mộ tín đồ, chỉ mong muốn làm chứng cho vẻ đẹp của Tin Mừng bằng cách đi xa đến Vanimo, một thành phố của 9 ngàn người nhìn ra Thái Bình Dương.
Tổng biên tập Vatican News so sánh: Đây cũng là điều đã thúc đẩy vị tiền nhiệm, thánh Phaolô VI, vào ngày 29/11/1970, trên một chiếc máy bay nhỏ, đến Apia, thuộc Samoa độc lập, để dâng Thánh lễ tại một bàn thờ nhỏ chông chênh ở Leulumoega cho vài trăm người dân trên đảo. Đây là điều đã thúc đẩy thánh Gioan Phaolô II đến thăm khu vực này nhiều lần, và đã nói vào ngày 20/11/1986 tại Singapore về “bản chất thực sự” giáo huấn của Chúa Giêsu: “Tình yêu đáp ứng một cách quảng đại những nhu cầu của người nghèo, và được đánh dấu bằng lòng trắc ẩn đối với những người đau khổ. Tình yêu sẵn sàng đón tiếp và trung kiên trong những lúc khó khăn. Tình yêu luôn sẵn sàng tha thứ, hy vọng và đáp lại lời báng bổ bằng lời chúc phúc. ‘Lòng bác ái không bao giờ mất được’ (1Cr 13,8). Giới răn yêu thương là điểm cốt yếu của Tin Mừng”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.