Tòa Thánh ủng hộ Công ước tương lai liên quan đến tội ác chống loài người
Vatican News
Không như tội ác chiến tranh, diệt chủng, tra tấn và cưỡng bức mất tích, hiện nay vẫn chưa có hiệp ước quốc tế nào về tội ác chống loài người. Từ năm 2019, Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực lấp đầy khoảng trống này trong hệ thống tư pháp quốc tế và sau hai năm tranh luận, Ủy ban thứ sáu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 dự kiến sẽ quyết định về dự thảo và các khuyến nghị do Ủy ban Luật Quốc tế của tổ chức đệ trình.
Về điều này, Đức Tổng Giám Mục Caccia nhấn mạnh trong bài phát biểu rằng bất kỳ định nghĩa nào về tội ác chống loài người đều phải phù hợp với luật quốc tế hiện hành, đặc biệt các định nghĩa được nêu trong Quy chế Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) năm 2002, vì việc thay đổi có thể cản trở sự đồng thuận và hiệu quả của một văn bản pháp lý mới.
Trong bối cảnh này, Đức Tổng Giám Mục lo ngại về việc Dự thảo luật không đưa ra định nghĩa rõ ràng về giới dựa trên thực tế sinh học của hai giới. Điều này sẽ làm suy yếu mọi nỗ lực truy tố những tội ác ảnh hưởng không cân xứng đến phụ nữ. Ngài cũng cho rằng những nỗ lực ngăn ngừa và trừng phạt tội ác chống loài người phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác “trên cơ sở nguyên tắc bổ sung”, nghĩa là các quốc gia phải có trách nhiệm chính trong việc truy tố các tội ác chống loài người trong biên giới của mình và phải hợp tác trong việc dẫn độ tội phạm và hỗ trợ nạn nhân.
Quan sát viên Tòa Thánh nhấn mạnh thêm rằng bất kỳ văn bản pháp lý mới nào cũng phải duy trì các nguyên tắc về tính hợp pháp, quy trình tố tụng hợp lệ và nguyên tắc suy đoán vô tội.
Ngài kêu gọi Công ước mới cho phép các quốc gia đã bãi bỏ án tử hình từ chối dẫn độ những người bị cáo buộc phạm tội nếu họ có thể phải đối mặt với án tử hình. Ngài cũng khẳng định rằng không ai phải bị dẫn độ đến một khu vực tài phán nơi họ có nguy cơ phải chịu tội ác chống loài người, tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo.
Đức Tổng Giám Mục Caccia nhấn mạnh thêm về nhu cầu cần có văn bản mới để đảm bảo quyền được bồi thường và hỗ trợ của nạn nhân nhằm tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập vào xã hội, với sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và tổ chức tôn giáo khác, đặc biệt là khi sự hỗ trợ đó không có sẵn ở vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng.
Quan sát viên Tòa Thánh kết luận với việc nhấn mạnh Công ước phải bảo vệ nhân phẩm con người và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.