Đức Hồng Y Czerny mời gọi Giáo hội châu Á đối thoại với cộng đồng bản địa
Vatican News
Trong sứ điệp video gửi tới các tham dự viên Diễn đàn châu Á tại Nepal về “Cử hành tính Hiệp hành và truyền thống sống động của người bản địa trong Giáo hội châu Á”, Đức Hồng Y Michael Czerny nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận và đối thoại với người dân bản địa.
Đề cập đến vai trò của Giáo hội trong việc thúc đẩy tính bao gồm, Đức Hồng Y nói: “Sự công nhận và đối thoại sẽ là cách tốt nhất để chuyển đổi các mối quan hệ có lịch sử bị đánh dấu bằng sự loại trừ và phân biệt đối xử”. Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các truyền thống, sự khôn ngoan và thực hành tâm linh bản địa, đồng thời khuyến khích Giáo hội đón nhận điều này như những đóng góp có giá trị cho tính hiệp hành.
Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện nói với các tham dự viên gồm các giám mục, lãnh đạo mục vụ bản địa, linh mục, nữ tu, lãnh đạo giáo dân và thần học gia đến từ khắp nơi của châu Á: “Là thành viên của Giáo hội tại châu Á, anh chị em có cơ hội đào sâu hơn mối quan hệ với người dân bản địa như là những đối tác đối thoại chính với những người đứng đầu, những người chữa lành, những người gìn giữ ký ức… của họ”.
Diễn đàn đã tạo ra một nền tảng cho các vị lãnh đạo tôn giáo suy tư về cách Giáo hội có thể tháp nhập vào cái nhìn của người bản địa trong khi thúc đẩy công lý xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa.
Bài phát biểu của Hồng Y Czerny dựa trên giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô và các tuyên bố trước đây của Vatican, kêu gọi Giáo hội tôn trọng và thừa nhận quyền và đời sống tâm linh của người bản địa. Đức Hồng Y kêu gọi các tham dự viên thúc đẩy cách tiếp cận hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, ủng hộ một Giáo hội “nhập thể” trong các nền văn hóa và truyền thống đa dạng của châu Á.
Vào tháng 3/2024, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người “lắng nghe người dân bản địa nhiều hơn và học hỏi từ cách sống của họ”. Ngài nói: “Sự đóng góp của người dân bản địa là nền tảng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu... Tôi yêu cầu các chính phủ công nhận người dân bản địa trên toàn thế giới, với nền văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống và tâm linh của họ, và tôn trọng phẩm giá và quyền của họ”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.