Tìm kiếm

ĐHY Pietro Parolin thăm Ucraina vào tháng 7/2024 ĐHY Pietro Parolin thăm Ucraina vào tháng 7/2024 

ĐHY Parolin hy vọng cột mốc 1.000 ngày chiến tranh có thể đánh thức ý thức trách nhiệm chấm dứt chiến tranh

Trong cuộc trò chuyện với Vatican News nhân tròn một ngàn ngày cuộc chiến của Nga tại Ucraina, Đức Hồng y Pietro Parolin đã suy tư về tình hình hiện tại của cuộc xung đột và bày tỏ hy vọng rằng cột mốc này sẽ “đánh thức ý thức trách nhiệm trong mỗi người, đặc biệt là những người có thể ngăn chặn cuộc tàn sát đang diễn ra”.

Vatican News

Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh cho biết ngài có cảm giác “buồn sâu sắc” trước tin tức chúng ta nhận được hàng ngày về cái chết và sự hủy diệt ở Ucraina. Ngài đau lòng trước “sự hy sinh của cả thế hệ nam giới, người trẻ cũng như người không còn trẻ, bị kéo ra khỏi việc học tập, công việc và gia đình” để bị đưa ra mặt trận. Ngài khẳng định Ucraina “là một quốc gia bị tấn công và tử đạo”.

Nga cần đi bước trước

“Phải làm gì để ít nhất ngăn chặn được cuộc đụng độ vũ khí?”, theo Đức Hồng y Parolin, “chúng ta cần những người cam kết hòa bình chứ không phải chiến tranh” và những người “nhận ra trách nhiệm to lớn mà việc tiếp tục xung đột gây ra” với những hậu quả khủng khiếp đối với Châu Âu và toàn thế giới. Theo ngài, Nga có lẽ cần đi bước trước bởi vì Nga là nước đã khởi xướng xung đột và nên chấm dứt hành động xâm lược”.

Đàm phán với sự tin tưởng

Ngài nói: “Cần biết bao những chính khách có tầm nhìn xa, có khả năng thực hiện những cử chỉ khiêm tốn can đảm, có khả năng nghĩ đến lợi ích của người dân mình”. Ngài khẳng định rằng “ngay cả khi các dấu hiệu không tích cực, một cuộc đàm phán luôn có thể thực hiện được và đáng mong muốn đối với tất cả những ai quan tâm đúng mức đến sự thánh thiêng của sự sống con người. Đàm phán không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là sự can đảm”. Ngài nói thêm rằng đối thoại chỉ có thể diễn ra khi có sự tin tưởng tối thiểu giữa các bên. Và điều đó đòi hỏi thiện chí của mọi người.

Cầu nguyện và trợ giúp cho Ucraina

Để giúp Ucraina, theo Đức Hồng y, là các Kitô hữu, chúng ta có thể và phải cầu nguyện. Hãy cầu xin Chúa hoán cải tâm hồn của các “chúa tể chiến tranh”. Chúng ta cũng cần tiếp tục dấn thân liên đới với những người đau khổ, những người cần được chăm sóc, những người phải chịu đựng cái lạnh, những người cần mọi thứ.

“Chúng ta không thể đầu hàng trước sự tất yếu của chiến tranh!"

Kết thúc cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y bày tỏ: “Chúng ta không thể đầu hàng trước sự tất yếu của chiến tranh! Tôi chân thành hy vọng rằng ngày đau buồn này, ngày thứ một ngàn kể từ khi bùng nổ cuộc xâm lược quân sự chống lại Ucraina, sẽ gây ra một cú sốc trách nhiệm nơi mọi người và đặc biệt là những người có thể ngăn chặn cuộc tàn sát đang diễn ra”. (CSR_5057_2024)

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

19 tháng mười một 2024, 12:04