Đức TGM Gallagher thăm Cameroon, kỷ niệm 10 năm ký Hiệp định khung
Vatican News
Buổi viếng thăm Đại học Công giáo là ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm 4 ngày đến Cameroon của Ngoại trưởng Toà Thánh, nhân kỷ niệm 10 năm Toà Thánh ký kết Hiệp định khung với quốc gia châu Phi này.
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh trong bài nói chuyện rằng các thoả thuận được Toà Thánh ký kết là một khía cạnh cơ bản của truyền thống ngoại giao lâu đời của Giáo hội Công giáo. Trong khi vẫn là một thực thể đậm tính thiêng liêng, Giáo hội cũng là một tác nhân quan trọng trong quan hệ ngoại giao đa phương với gần như mọi quốc gia trên thế giới, và với các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
Cách riêng với các nước châu Phi, Ngoại trưởng Toà Thánh nói Giáo hội Công giáo đã có sự hợp tác lâu dài và phong phú với các quốc gia này. Ngài cũng lưu ý rằng mối quan hệ giữa châu Phi và Vatican đã có từ nhiều thế kỷ trước, với các thoả thuận ban đầu được ký kết với Tunisia và Congo thuộc Bỉ. Trong thời gian này, Tòa Thánh đóng vai trò là tiếng nói cho các tín hữu và giáo sĩ địa phương, dần dần tham gia vào các công ước liên quan đến các vùng lãnh thổ thuộc địa.
Đức Tổng Giám Mục Gallagher lưu ý, khi thời thuộc địa kết thúc, hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh tại châu Phi phát triển nhiều hơn. Ngày nay, 51 trong số 54 quốc gia châu Phi duy trì quan hệ ngoại giao ổn định với Tòa Thánh. Những mối quan hệ này được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của Công đồng Vatican II, nhằm mục đích duy trì tự do tôn giáo “không phân biệt” và bảo vệ “công ích”. Khi ký kết các thỏa thuận với các quốc gia, Giáo hội không còn tìm kiếm các đặc quyền như trước đây nữa, nhưng chỉ đơn thuần tuyên bố lợi ích của tự do tôn giáo cho Giáo hội Công giáo và người dân.
Kết thúc bài phát biểu, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng ngoại giao của Tòa Thánh là phục vụ Giáo hội và nhân loại, để duy trì “quyền tự do của giáo hội” được bảo vệ trước những “thay đổi chính trị” và là nguồn lực quan trọng để các cộng đồng địa phương thúc đẩy các dấn thân tông đồ của họ đối với phẩm giá con người. Ngài bày tỏ hy vọng rằng Hiệp định khung với Cameroon, sẽ mang lại nhiều thành quả hơn nữa cho phúc lợi của các Kitô hữu và công dân của đất nước, đặc biệt của những người dễ bị tổn thương nhất.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.