“Trò chơi” chiến tranh và kinh doanh cái chết
Vatican News
Ông Tornielli nhận xét những lời của Đức Thánh Cha ngày 25/11 vừa qua, dịp kỷ niệm 40 năm hiệp ước hoà bình giữa Argentina và Chile được chứng minh trong phúc trình của SIPRI. Dịp đó, Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn nhấn mạnh thói đạo đức giả khi nói về hòa bình và trò chơi chiến tranh. Ở một số quốc gia, người ta nói nhiều về hòa bình, nhưng khoản đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận nhất lại là ở các nhà máy sản xuất vũ khí. Thói đạo đức giả này luôn dẫn chúng ta đến thất bại. Thất bại của tình huynh đệ, thất bại của hòa bình”. Và theo phúc trình vừa được SIPRI công bố: ngành công nghiệp vũ khí tiếp tục phát triển, doanh thu năm ngoái tăng 4,2%, đạt mức 632 tỷ USD (+19% từ năm 2015). Người ta biết rõ sự gia tăng này có liên quan đến những dữ liệu khác: số người chết và bị thương, các thành phố bị phá hủy, người dân phải di dời, tương lai bị đánh cắp khỏi các thế hệ thanh niên, môi trường bị tàn phá.
Theo Tổng Biên tập Vatican News, những lời của Đức Thánh Cha muốn nói đến “trò chơi chiến tranh”. Nếu các cuộc chiến tranh được đề cập, ở mức độ tinh thần, như một loại “trò chơi”, dù là chính trị hay quân sự, thì đây là dấu hiệu cho thấy ý chí tìm hiểu tận nguồn của xung đột đã mất đi. Thiếu ý chí tìm hiểu nguyên nhân và cố gắng khắc phục chúng. Đó là dấu hiệu cho thấy giá trị của hòa bình, tầm quan trọng của đối thoại và đàm phán để giải quyết tranh chấp đã bị mất. Hơn nữa, trò chơi thường bao gồm một cuộc thi đấu, có người thắng và người thua, điều này không có vấn đề gì nếu ngươi ta chơi quần vợt hoặc chơi cờ. Nhưng nếu các quốc gia đang “chơi chiến tranh” thì chính ý tưởng về tình huynh đệ nhân loại và luật quốc tế đã mâu thuẫn với nhau.
Làm nổi bật thói đạo đức giả của những người muốn lợi dụng chiến tranh, bất chấp hậu quả thảm khốc, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời kêu gọi cấp bách đến lương tâm của các nhà lãnh đạo chính trị và của mọi người. Ngài yêu cầu ngừng hoạt động kinh doanh gây thiệt hại cho người khác, gây thiệt hại cho hòa bình, và do đó gây thiệt hại cho những người yếu thế nhất và của toàn thể nhân loại.
Đó là một lời kêu gọi tinh thần sâu sắc, cần sự cầu nguyện mạnh mẽ của toàn thể Giáo hội, đặc biệt trong Mùa Vọng này. Cầu xin “Hoàng tử Hòa bình” truyền cảm hứng cho những suy nghĩ, lời nói và trên hết là hành động nhằm giúp đời sống chính trị quốc tế được sống trong nghiêm túc, biết nhìn xa hơn, nghĩ tới tương lai, đến thế hệ mới. Với nhận thức rằng thế giới của chúng ta đang rất cần những “thỏa hiệp danh dự” - như thỏa thuận được ký kết giữa Argentina và Chile với sự trung gian của Vatican bốn thập kỷ trước - chứ không phải những “trò chơi chiến tranh” của những người chuyên chế.
“Xin Chúa giúp cộng đồng quốc tế có thể thực thi luật pháp thông qua đối thoại, vì đối thoại phải là linh hồn của cộng đồng quốc tế”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.