Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ nhất về tự do tôn giáo
Linh Tiến Khải - Vatican
Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ nhất về tự do tôn giáo đang diễn ra tại thủ đô Washington trong các ngày từ 24 đến 26 tháng 7 và quy tụ 80 phái đoàn với hơn 40 ngoại trưởng tham dự. Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ đã luôn luôn tôn trọng và bênh vực quyền tự do tôn giáo, là một trong các quyền căn bản của con người, và coi việc một chính quyền tôn trọng quyền này như tiền đề cho mọi bảo đảm khác. Các quyền con người là các quyền mọi người đều có ngay từ khi còn trong lòng mẹ, vì chúng phát xuất từ phẩm giá là người, chứ không phải do ai ban cho. Vì vậy mọi chính quyền đều phải tôn trọng và có nhiệm vụ thăng tiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi công dân hưởng các quyền đó.
Nền văn hóa hy lạp dùng ba từ để diễn tả bản vị con người: thứ nhất là sarx, tức thịt xác với các nhu cầu cụ thể của nó như đói thì ăn, khát thì uống, mệt mỏi thì ngủ nghỉ; thứ hai là psyche, tức tâm lý với tất cả các tâm tình và cảm nhận của tâm trí con người, trong đó có thất tình là bẩy tình cảm thường ảnh hưởng sâu đậm trên cuốc sống và cùng cách hành xử của con người: đó là hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (vui mừng, giận dữ, bi thương, sợ sệt, yêu, ghét, thèm muốn); và từ thứ ba là Pneuma tức thần khí, linh hồn của con người là phần cao quý và thâm sâu nhất, khiến cho con người cao vượt và khác với mọi thụ tạo khác. Tôn giáo diễn tả nhu cầu của linh hồn con người. Nhưng rất tiếc các chủ thuyết duy vật chỉ chú ý tới các nhu cầu của thân xác và tâm lý, mà lại lơ là, quên đi hay khước từ chiều kích tinh thần thiêng liêng siêu việt của bản vị con người. Chính vì thế đã không có chế độ duy vật nào, duy vật cộng sản, duy vật xã hội chủ nghĩa cũng như duy vật tư bản đã có thể tạo dựng được cuộc sống quân bình hài hòa và hạnh phúc đích thật cho con người và cho xã hội. Vì chỉ coi con người như thú vật, nên các chế độ duy vật khinh rẻ chà đạp phẩm giá và các quyền con người, trong đó đứng đầu là quyền tự do tôn giáo. Đặc biệt các chế độ độc tài cộng sản và xã hội chủ nghĩa vô thần coi tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân, nên thẳng tay đàn áp mọi tôn giáo. Nhưng khi làm như thế họ không chỉ vi phạm các quyền con người, mà còn hủy hoại phần cao quý nhất của bản vị con người. Khi khước từ và triệt tiêu các giá trị linh thiêng siêu việt, các chế độ duy vật vô thần khiến cho cuộc sống con người trở thành nghèo nàn, què quặt, đóng cũi và giết chết các khả năng phát triển của con người.
Trong lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ đây đã là quyền đầu tiên được minh nhiên trong Hiến pháp. Vào năm 1789, Quốc hội đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã thông qua 12 tu chính Hiến Pháp, và gửi tới các tiểu bang để phê chuẩn. Các tu chính này, gọi chung là Tuyên ngôn nhân quyền, được soạn thảo để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân Hoa Kỳ như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, và tự do tôn giáo, cũng như quyền được xét xử công bằng và quyền mang vũ khí để tự vệ, đồng thời bảo đảm các quyền không được trao cho chính phủ liên bang thì được trao cho các tiểu bang và nhân dân.
Chịu ảnh hưởng của Đạo luật về các quyền của Anh năm 1689, Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ được soạn thảo trên nền tảng bản Tuyên ngôn nhân quyền của bang Virginia do George Mason soạn thảo năm 1776. Mason, công dân Virginia, là người suốt đời tranh đấu cho các quyền tự do cá nhân. Năm 1787, ông tham gia Hội nghị Lập hiến và chỉ trích bản hiến pháp chính thức thiếu sự bảo vệ hiến định dành cho các quyền chính trị cơ bản. Trong quá trình phê chuẩn hiến pháp diễn ra sau đó, Mason và các nhà phê bình khác đã đồng ý phê chuẩn hiến pháp để đổi lại sự đảm bảo rằng các tu chính hiến pháp sẽ lập tức được thông qua.
Tháng 12 năm 1791, Virginia trở thành tiểu bang thứ 10 trên 14 tiểu bang phê chuẩn 10 trên 12 tu chính, giúp Tuyên ngôn nhân quyền được hai phần ba số tiểu bang cần thiết thông qua để có hiệu lực. Trong hai tu chính chưa được phê chuẩn, tu chính thứ nhất liên quan đến hệ thống đại diện, trong khi tu chính còn lại cấm các điều luật thay đổi mức lương của các nghị sĩ có hiệu lực trước khi cuộc bầu cử (hạ viện) được tổ chức. Tu chính thứ nhất này chưa bao giờ được phê chuẩn, còn tu chính thứ hai đã được phê chuẩn sau hơn 200 năm, vào năm 1992, trở thành Tu chính thứ 27 của Hoa Kỳ.
Tu chính đầu tiên liên quan tới Tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và báo chí; quyền hội họp và kiến nghị Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.
Năm 1948 Liên Hiêp Quốc đã công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và ghi rõ ở điều 18 như sau: “ Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.”
Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ nhất nói trên cũng nhắm mục đích tái khẳng định các điều khoản này.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung bài phỏng vấn ngoại trưởng Mike Pompeo của Hoa Kỳ danh cho phái viên Devin Watkins của Vatican News, về quyền tự do tôn giáo.
Hỏi: Thưa ngoại trưởng, Bộ thăng tiến tự do tôn giáo của chính quyền Hoa Kỳ nhắm mục đích nào và đâu là sứ mệnh của bộ này?
Đáp: Sứ mệnh của bộ là phổ biến tầm quan trọng của quyền tự do tôn giáo đối với mọi cá nhân trên thế giới. Chính quyền của tổng thống Donal Trump coi đây là ưu tiên đích thực. Tín hữu của mọi tôn giáo có quyền sống niềm tin như họ muốn, và nếu họ không muốn có tín ngưỡng, thì họ cũng được phép làm như thế. Khi các cá nhân được phép hành động và sống tự do với việc tôn trọng niềm tin của họ, thì họ có khả năng làm những điều cao cả, lớn lao.
Hỏi: Thưa ngoại trưởng, vậy thì đâu là vai trò của các vị lãnh đạo tôn giáo và tinh thần trong cuộc sống xã hội?
Đáp: Giới lãnh đạo tôn giáo cũng như các chính quyền phải cổ võ tự do tôn giáo cho niềm tin của chính họ và của các tín hữu của họ, cũng như bảo đảm sự tự do đó cho mọi tín ngưỡng. Vì thế chúng tôi nghĩ Giáo Hội công giáo có thể giữ vai trò quan trọng sứ mệnh mà Giáo Hội đang cố gắng chu toàn qua việc quy tụ các đám đông tại Whasington trong những ngày này.
Hỏi: Thưa ngoại trưởng, ngoại trưởng cũng là khách mời tham dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế về tự do tôn giáo cùng với các phái đoàn đến từ nhiều nước trên thế giới. Quý vị hy vọng đạt được những gì với hội nghị thượng đỉnh này?
Đáp: Quý vị hãy xem. Đây thật là một điều đáng ghi nhận. Chính quyền của tổng thống Trump đã coi tự do tôn giáo như là một ưu tiên đích thực trong hoạt động của mình. Vì thế chúng tôi đang điều hành hội nghị này với hơn 80 phái đoàn các nước tham dự và 40 ngoại trưởng như tôi đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là hội nghị lớn nhất từ trước tới nay. Và sứ mệnh của chúng tôi là thẳng tiến và nó là sứ mệnh quan trọng. Đó là phổ biến rộng rãi tầm quan trọng của quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi muốn thúc đẩy điều này. Có các quốc gia chia sẻ sự hiểu biết này của Hoa Kỳ. Nhưng cũng có những quốc gia không chia sẻ quan điểm này của Hoa Kỳ, vì thế chúng tôi muốn thúc đẩy họ tiến tới trong chiều hướng đúng đắn này, tiến tới chỗ gia tăng quyền tự do tôn giáo. Tín hữu các tôn giáo phải có quyền thờ phượng như họ muốn, hay nếu họ chọn không có tôn giáo, thì họ cũng được phép làm như vậy.
Hỏi: Ngoại trưởng thấy ĐTC Phanxicô và Giáo Hội công giáo nắm giữ vai trò nào trong việc thăng tiến tự do tôn giáo?
Đáp: Chúng tôi nghĩ rằng ĐTC Phanxicô và Giáo Hội công giáo có thể nắm giữ vai trò trọng yếu. Tôi nghĩ rằng thật vô cùng quan trọng, không phải chỉ có các chính quyền – như Bộ ngoại giao Hoa Kỳ - nhưng cả các vị lãnh đạo các tôn giáo nữa cũng hiểu rằng họ cần thúc đẩy cổ võ tự do tôn giáo cho tín ngưỡng và các tín đồ của họ. Nhưng họ cũng phải giữ vai trò bảo đảm cho những tín đồ các tôn giáo khác quyền tự do tín ngưỡng khác với tôn giáo của họ. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng Giáo Hội công giáo có thể nắm giữ một vai trò quan trọng trong hội nghị thượng định quốc tế về tự do tôn giáo diễn ra tại Washington trong các ngày này.
Hỏi: Ngoại trưởng thấy tương quan nào giữa tự do tôn giáo, các quyền con người và các lợi lộc kinh tế?
Đáp: Đây là một câu hỏi lớn! Tôi nghĩ chúng liên quan chặt chẽ với nhau. Chính quyền của tổng thống Trump và tôi đều đồng ý rằng tự do tôn giáo có các lợi ích khổng lồ cho các quốc gia. Khi các cá nhân được hành động và sống một cách tự do trong việc tôn trọng tín ngưỡng của họ, thì họ có khả năng làm những điều cao cả. Như thế chúng ta thấy có mối dây nối kết sâu rộng giữa tự do tôn giáo như là quyền căn bản của con người và các lợi nhuận kinh tế chảy vào trong các quốc gia có quyền tự do tôn giáo rộng rãi. Các tác nhân thương mại coi các nơi có tự do tôn giáo như là các môi trường rộng mở hơn và ít nguy hiểm hơn. Chúng tôi nghĩ rằng tự do tôn giáo và các quyền con người và thành công kinh tế liên hệ mật thiết với nhau – nối liền chặt chẽ với nhau – và chúng tôi nghĩ rằng chính sách đối ngoại của Mỹ được lợi, khi củng cố điều này.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.