Nhà thờ Công giáo duy nhất tại Afghanistan phải đóng cửa vì Covid-19
Hồng Thủy - Vatican
Tòa Đại sứ Ý đã quyết định đóng cửa nhà nguyện này sau khi xuất hiện những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Afghanistan. Tính đến ngày 27/03, đã có 80 trường hợp nhiễm virus corona được ghi nhận tại Afghanistan, bao gồm hai nhà ngoại giao và bốn binh sĩ Ý.
Cha Giovanni Scalese, nhà truyền giáo dòng Barnabe, đã cử hành Thánh lễ cuối cùng vào ngày 23/03. Trong những tuần gần đây, số người tham dự Thánh lễ Chúa Nhật giảm nhiều do nhiều người nước ngoài đã trở về nước của họ. Cha Scalese tiếp tục cử hành Thánh lễ tại nhà nguyện của Đại sứ quán Ý. Về việc cử hành các lễ nghi Tuần Thánh, cha cũng chưa chắc chắn sẽ thế nào. Cha nói: “Tôi không biết liệu tôi có thể cử hành các nghi lễ Tuần Thánh không, vì theo luật phải có sự tham dự của tín hữu hay ít nhất là vài thừa tác viên, nhưng trong mọi trường hợp, bất cứ khi nào có thể cử hành Thánh lễ, tôi sẽ làm.”
Cử chỉ biết ơn của Afghanistan đối với nước Ý
Nhà nguyện tại Đại sứ quán Ý được xây dựng và bắt đầu hoạt động mục vụ từ năm 1933. Đây là cử chỉ biết ơn của chính quyền Afghanistan đối với chính quyền Ý khi nước Ý là quốc gia đầu tiên công nhận Afghanistan độc lập vào năm 1919. Khi được hỏi Afganistan có thể làm gì để cám ơn nước Ý, thay vì xin những quyền lợi kinh tế, nước Ý đã chọn việc mở rộng tự do tôn giáo. Do đó một điều khoản đã được đưa vào hiệp ước Ý-Afghanistan, cho phép Ý xây dựng một nhà nguyện trong Đại sứ quán.
Tại Afganistan, chưa có các giáo xứ, không có linh mục giáo phận, nhưng chỉ có các nhà truyền giáo, gồm các linh mục và tu sĩ một số dòng. Năm 2002, thánh Gioan Phaolô nâng Giáo hội tại đây thành Giáo miền tự quản trực thuộc Tòa Thánh. Các tín hữu là các nhân viên ngoại giao quốc tế và không phải tất cả đều biết có một nhà thờ ở trong Đại sứ quán.
Vào năm 1992, một dự án xây nhà thờ đã được chính quyền địa phương trao cho cha Giuseppe Moretti, khi đó là phụ trách giáo miền. Nhưng dự án này chỉ nằm trên giấy trắng do tình hình chính trị vì xung đột nội bộ, Talibăng lên nắm chính quyền và chiến tranh bùng nổ vào năm 2001. (Cath.ch 29/03/2020)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.