Giáo hội Pakistan mạnh mẽ chống cưỡng ép từ bỏ tôn giáo
Ngọc Yến - Vatican News
Thực tế, ở Pakistan, các vụ bắt cóc nhằm mục đích cưỡng ép cải đạo và kết hôn của các cô gái trẻ thuộc các cộng đoàn thiểu số, đặc biệt là các thiếu nữ thuộc các cộng đoàn Kitô và Ấn Độ giáo, ngày càng gia tăng. Cưỡng bức cải đạo đã trở thành một công cụ quan trọng của hoạt động bách hại các nhóm thiểu số trong nước.
Cha Saleh Diego, giám đốc Ủy ban Quốc gia về Công lý và Hòa bình, Tổng Đại diện của Tổng Giáo phận Karachi nói: “Chúng tôi sẽ trình bày một đơn kiến nghị để giải quyết vấn đề một lần cho tất cả. Chúng tôi, Tổng Giáo phận Karachi, tất cả các Giáo hội khác của Pakistan, toàn thể cộng đoàn Kitô, là một. Chúng tôi sẽ đấu tranh cho công lý”.
Cha giải thích: “Ở Pakistan, trẻ em dưới 18 tuổi theo hoặc thực hành tôn giáo của cha mẹ mình. Vì thế, theo Giáo hội và luật quốc tế, không một tín đồ thiếu niên nào có thể bị ép thay đổi tôn giáo của mình”.
Trong một tuyên bố hôm 8/11, Ủy ban Điều phối mới về Luật pháp và Công lý, do Đức Hồng y Joseph Coutts đứng đầu, cũng đã lên án mạnh mẽ hiện tượng bắt cóc nhằm mục đích cưỡng bức cải đạo và kết hôn của các cô gái trẻ thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số.
Ở Pakistan, các nhóm thiểu số phải đối diện với sự phân biệt đối xử ở mức độ cao và có nhiều trường hợp bị ngược đãi vì tôn giáo của họ. Một báo cáo năm 2014 của Phong trào Liên đới và Hòa bình khẳng định, mỗi năm, có khoảng 1.000 phụ nữ ở nước này, chủ yếu là các Kitô hữu và tín đồ Ấn Độ giáo buộc phải theo Hồi giáo. Trong một nghiên cứu chi tiết, được công bố vào năm ngoái, Ủy ban Nhân dân về Quyền của Người thiểu số và Trung tâm Công bằng Xã hội đã ghi nhận: từ năm 2013 đến năm 2019, có 156 trường hợp cưỡng bức cải đạo. Ngoài ra, theo Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, Pakistan nằm trong số những nước vi phạm tự do tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới. (CSR_8230_2020)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.