Các giám mục Anh kêu gọi Anh quốc loại bỏ kho vũ khí hạt nhân
Hồng Thủy - Vatican News
Hành trình phê chuẩn Hiệp ước
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp quốc được thông qua vào ngày 7/7/2017 và bắt đầu được các nước ký vào ngày 20/9/2017.
Cùng ngày đó, Đức tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đã ký Hiệp ước tại Trụ sở Liên Hiệp quốc ở New York. Khi Honduras phê chuẩn hiệp ước vào cuối tháng 10/2020, hiệp ước đã đạt được 50 quốc gia phê chuẩn bắt buộc.
Hiệp ước nghiêm cấm toàn diện các quốc gia tham gia vào bất kỳ hoạt động nào liên quan đến vũ khí hạt nhân, bao gồm phát triển, thử nghiệm, sở hữu, dự trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Các bên ký kết cũng có nghĩa vụ “ngăn chặn và dập tắt bất kỳ hoạt động nào bị cấm theo Hiệp ước, được thực hiện bởi những người hoặc trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán hoặc sự kiểm soát của họ.”
Một số quốc gia đã phản đối hiệp ước. Hoa Kỳ, Anh và Pháp nói rằng nó “có nguy cơ làm suy yếu cấu trúc an ninh quốc tế hiện có, vốn góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” và tất cả các quốc gia “chia sẻ trách nhiệm chung là bảo vệ và củng cố hệ thống an ninh tập thể của chúng ta nhằm thúc đẩy hơn nữa hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế .”
Lập trường của Đức Thánh Cha về vũ khí hát nhân
Khi thăm Nagasaki vào tháng 11/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi tin chắc rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân là có thể và cần thiết, tôi yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị đừng quên rằng những vũ khí này không thể bảo vệ chúng ta khỏi các mối đe dọa hiện tại đối với an ninh quốc gia và quốc tế.”
Lời kêu gọi của các giám mục Anh quốc
Khi Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 22/1 tới đây, các giám mục Anh quốc gọi hiệp ước là một “cột mốc lịch sử trên con đường giải trừ hạt nhân và là một cơ hội để tập trung lại vào việc xây dựng hòa bình thực sự bắt nguồn từ đối thoại, công lý, tôn trọng phẩm giá con người và quan tâm đến hành tinh của chúng ta.”
Các giám mục kêu gọi dành các nguồn lực để tái đầu tư “để giảm bớt sự đau khổ của những thành viên nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta, vì lợi ích chung của tất cả các dân tộc.” Các ngài cũng xin chính phủ Anh quốc “tăng cường các quy định kiểm soát vũ khí của mình, giải quyết việc sản xuất và buôn bán các loại vũ khí khác, những thứ tiếp tục hủy hoại rất nhiều sinh mạng trên khắp thế giới.” (Crux 11/01/2020)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.