Các vị lãnh đạo tôn giáo ở Pháp lo ngại về dự luật chống ly khai
Ngọc Yến - Vatican News
Theo báo La Croix ra hôm 04/01/2020, tại phiên điều trần của quốc hội liên quan đến bản thảo sẽ được đưa ra vào đầu tháng 02, mỗi đại diện Công giáo, Do Thái, Phật giáo và Chính Thống giáo đã có bài phát biểu trong khoảng một giờ. Đại diện của Tin lành và Hồi giáo sẽ phát biểu trong những ngày kế tiếp.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục, Đức Tổng Giám mục Eric de Moulins-Beaufort nói: “Dự luật này có thể gây cảm tưởng rằng các tín hữu đang quấy rầy các cá nhân và vì thế các cá nhân phải được giám sát đặc biệt”. Đức Tổng Giám mục đặt câu hỏi: Tại sao một số biện pháp kiểm soát, như tài trợ nước ngoài sẽ chỉ liên quan đến các hiệp hội tôn giáo, mà không liên quan đến các lĩnh vực hoạt động khác, như văn hóa hoặc thể thao. Chủ tịch Hội đồng Giám mục kết luận: “Đây là một luật chống lại điều gì đó không phải ơn gọi của chúng tôi”.
Đức Tổng Giám mục Emmanuel Adamakis, chủ tịch các Giáo mục Chính thống bày tỏ quan ngại về sự quá tải hành chính mà dự luật chỉ ra như: chứng nhận tài khoản, bắt buộc trình hồ sơ nhà tài trợ cho các dịch vụ thuế, giới hạn tài trợ nước ngoài… Rabbi trưởng Haim Korsia thì cho rằng đây là một luật vì một điều gì đó, bảo vệ các nguyên tắc cộng hòa. Nói tóm lại, theo đại diện các tôn giáo, về cơ bản, dự luật thể hiện sự đàn áp của chính phủ. Thực ra, Mục đích của dự luật là để chống lại những cuộc tấn công thánh chiến trong thời gian qua.
Dự luật gồm 50 điều, chủ yếu để chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong xã hội Pháp, và bao gồm các biện pháp ảnh hưởng đến giáo dục, các hiệp hội tôn giáo, cuộc chiến chống lại lòng căm thù trực tuyến. Trong số các biện pháp mới được dự kiến có quy định về việc tăng cường kiểm soát nguồn tài trợ nước ngoài cho các nơi thờ phượng và cụ thể nếu số tiền vượt 10 ngàn euro sẽ phải kê khai cụ thể. Dự luật cũng can thiệp vào lĩnh vực giáo dục, hạn chế việc học tại nhà, nhằm tăng cường kiểm soát các trường học của Hồi giáo.
Ngoài ra, dự luật còn cấm cấp giấy phép cư trú cho những người có chế độ đa thê, và quy định thêm một tội danh mới: “gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác qua việc phổ biến thông tin liên quan đến cuộc sống riêng tư, gia đình và nghề nghiệp của một người, làm cho người đó có thể bị nhận dạng và định vị”. Sau cùng, luật đề nghị truy tố những ai đe dọa người khác vì lý do tôn giáo. (Sir. 05/01/2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.