Hội thảo chống lạm dụng trẻ em ở châu Phi
Ngọc Yến - Vatican News
Hội thảo được tổ chức trong những ngày vừa qua có sự tham gia của các chuyên gia, thần học gia và các học giả. Với tiêu đề “Trẻ em châu Phi: thúc đẩy văn hóa bảo vệ, chăm sóc và giám hộ trong Giáo hội và xã hội”, các tham dự viên đã thảo luận về những thách đố được đặt ra cho Giáo hội, gia đình và xã hội châu Phi, đối với những vụ lạm dụng tính dục trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương, cũng như bổn phận của Giáo hội và xã hội trong việc giải quyết vết thương này.
Phát biểu tại hội thảo, cha Lawrence Daka, Dòng Tên, hiệu trưởng trường đại học Thánh I-nhã Chishawasha thuộc Tổng Giáo phận Harare nhấn mạnh rằng, sự kiện tạo cơ hội cho cộng đoàn Kitô, các vị lãnh đạo và những người đang làm mục vụ có thể giải quyết hiện tượng này trong bối cảnh của châu Phi, một hiện tượng trong quá khứ không được lên tiếng, và đã gây nhiều tổn hại cho Giáo hội và xã hội.
Theo cha Daka, sự im lặng này là điển hình và triệu chứng của nhiều thách đố đã gây đau thương và làm hoen mờ cam kết mà những người có trách nhiệm phải thi hành. Vì vậy, để phá vỡ văn hóa im lặng này, những người lớn và các vị lãnh đạo các cộng đoàn truyền thống châu Phi phải có tiếng nói chung với các vị lãnh đạo của Giáo hội và xã hội dân sự; đồng thời, về phía các vị lãnh đạo Giáo hội và xã hội “không thể khoanh tay đứng nhìn”, nhưng phải tạo các điều kiện cần thiết để các nạn nhân thoát ra khỏi sự im lặng của họ.
Cha Daka còn nhấn mạnh rằng, để đạt được điều này, Giáo hội cần có một ban lãnh đạo mới “không sợ đối diện với những vết thương của chính mình, nhưng để cho ân sủng Chúa biến đổi”. Cha giám đốc nhắc lại trong Tự Sắc “Vos estis lux mundi - Các con là ánh sáng thế gian”, Đức Thánh Cha đã bắt buộc không những phải tố cáo các vụ lạm dụng, mà còn cả các hành vi che đậy các vụ lạm dụng.
Với trọng tâm là những hành vi lạm dụng của giáo sĩ, nạn ấu dâm đã được các tham dự viên phân tích theo bốn lĩnh vực: công lý cho các nạn nhân và những người sống sót; phòng chống lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương; các nhân tố cơ cấu tạo điều kiện các vụ lạm dụng; và vì thế tái tổ chức các cơ cấu Giáo hội và xã hội để bảo đảm công lý cho chính các nạn nhân và đảm bảo sự ngăn ngừa. (CSR_3217_2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.