Các giám mục Nhật: “Bảo vệ tất cả sự sống là kiến tạo hòa bình”
Hồng Thủy - Vatican News
Trong sứ điệp nhân dịp này, Đức cha Joseph Mitsuaki Takami của Nagasaki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản, giải thích rằng chủ đề được rút ra từ khẩu hiệu chuyến viếng thăm Nhật Bản của Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối tháng 11/2019, nhấn mạnh mối liên hệ giữa thảm kịch đó và mối đe dọa đang diễn ra của chiến tranh hạt nhân vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay.
Hòa bình bị đe dọa bởi các cuộc xung đột và vũ khí hạt nhân
Đức cha Takami nói rằng ngày nay hòa bình và sự ổn định của cộng đồng quốc tế vẫn bị đe dọa bởi các cuộc xung đột vũ trang, bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn trên toàn thế giới và bởi những căng thẳng ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang dẫn đến một “cuộc chiến tranh lạnh mới”. Ngài nói, “chúng ta không thể không kêu gọi các nước tiếp tục nỗ lực đối thoại kiên nhẫn, để xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn”.
Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Nhật Bản lưu ý rằng mặc dù Hiệp ước cấm sử dụng vũ khí hạt nhân có hiệu lực từ ngày 22/1 năm nay, vẫn còn nhiều quốc gia chưa phê chuẩn nó. Ngài nhận định, “Cả xung đột giữa các quốc gia và sự tồn tại của vũ khí hủy diệt hàng loạt đều là mối đe dọa đối với hòa bình”. Ngài cũng nhắc lại rằng tại các quốc gia khác như Myanmar hay Afghanistan, người dân bị từ chối các quyền cơ bản của con người và bị từ chối hòa bình bởi “các cường quốc và thế lực lệch lạc”, những người “ưu tiên an ninh quốc gia và của cải” hơn là tôn trọng sự sống con người.
Thế giới cần liên đới và tin tưởng nhau hơn
Đề cập đến đại dịch Covid-19, Đức cha Takami lặp lại lời kêu gọi liên đới hơn nữa. Ngài kêu gọi các nước giàu hơn và mạnh hơn nên hỗ trợ các nước nghèo hơn và tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người như nhau để “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau như anh chị em.”
Mọi sự sống đều có giá trị
Theo Đức cha, khi dành ưu tiên cho việc bảo vệ tất cả sự sống, bất kể xuất thân của họ, các giám mục Nhật muốn cổ võ hòa bình, bởi vì “cuộc sống không chỉ là cuộc sống của một cá nhân, nhưng được tạo ra bởi các mối quan hệ của con người: do đó, bảo vệ cái trước cũng có nghĩa là bảo vệ cái sau. Hòa bình là sự hài hòa giữa cuộc sống của tất cả mọi người”.
Sáng kiến “Mười ngày vì hòa bình”
Sáng kiến “Mười ngày vì hòa bình” được các Giám mục Nhật Bản thiết lập năm 1982, sau “Lời kêu gọi hòa bình tại Hiroshima” của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II (ngày 25 tháng 2 năm 1981) trong chuyến viếng thăm Nhật Bản, trong đó ngài nhấn mạnh rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng là trái đạo đức. (CSR_5217_2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.