Các doanh nhân Kitô giáo kêu gọi “suy nghĩ lại” nền kinh tế châu Âu
Ngọc Yến - Vatican News
Trong một tuyên bố được đưa ra cùng với Liên hiệp Công đoàn châu Âu (ETUC), Liên minh các nhà điều hành kinh doanh Kitô giáo quốc tế (UNIAPAC), một tổ chức đại kết quốc tế của các doanh nhân Kitô giáo, đại diện cho khoảng 45.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới, than phiền về “mức lương thấp, việc làm không đảm bảo, điều kiện làm việc tồi tệ và hợp đồng tư nhân giả mạo đã trở thành mô hình tăng trưởng ở một số bộ phận của nền kinh tế châu Âu”. Kết quả là, khoảng 1/10 người lao động châu Âu có nguy cơ đói nghèo.
Theo các doanh nhân Kitô giáo, tình trạng này là không thể chấp nhận được. Họ kêu gọi châu Âu đảm bảo cho những người lao động làm việc trọn thời gian được trả lương đủ và công bằng. Phải nhìn nhận phẩm giá của người lao động, cũng như quyền được hưởng một cuộc sống tự do như ý muốn của người lao động.
Nhắc đến những lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô, các doanh nhân nói: “Phục hồi từ đại dịch Covid-19 có nghĩa là phải suy nghĩ lại nền kinh tế của châu Âu, chứ không chỉ là sự trở lại bình thường. Đức Thánh Cha đã kêu gọi mọi người thay đổi và hình dung ra một loại hình kinh tế khác. Chính ngài đã đề xuất một cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng hướng tới một xã hội nhân đạo hơn với sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người”.
Các doanh nhân Kitô giáo đề xuất các công đoàn và người sử dụng lao động nên làm việc cùng nhau để đảm bảo mức lương công bằng và điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động, để không ai bị loại trừ khỏi quyền được hưởng một mức lương tương xứng.
Hướng đến các chính phủ, các doanh nhân kêu gọi các chính phủ và người sử dụng lao động ở châu Âu “nắm bắt cơ hội hành động có trách nhiệm để cải thiện cuộc sống, để tất cả người lao động có thể kiếm sống, trả tiền thuê nhà và có thức ăn cho chính mình và gia đình”. Để đạt được điều này, tiền lương cần phải được chia sẻ công bằng và phản ánh sự đóng góp của người lao động vào lợi nhuận của công ty. Hơn nữa, cần có sự can đảm trong việc lãnh đạo và hợp tác. Can đảm là rất cần thiết để châu Âu có thể tiến về phía trước và trở thành một nơi công bằng và văn minh hơn trong lĩnh vực lao động.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.