Tài sản của Kitô hữu ở Iraq bị chiếm đoạt đang được hoàn trả
Ngọc Yến - Vatican News
Cho tới nay, nhờ chiến dịch do ông Muqtada al Sadr tổ chức, đã có hơn 80 tài sản bất động sản - đất đai và nhà cửa – của các Kitô hữu và người Manda được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Thực tế, trong những năm gần đây, tài sản của các Kitô hữu và người Manda đã bị chiếm đoạt cách tùy tiện.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Tư 25/8, ông Hakim al Zamili, thành viên của Phong trào Sadrist, đã chỉ rõ rằng, các bất động sản cuối cùng được trả lại cho các chủ sở hữu hợp pháp là các Kitô hữu và người Mandea tập trung ở Baghdad. Cho đến nay, dựa trên chỉ dẫn của Muqtada al Sadr, Ủy ban do ông Muqtada al Sadr thành lập đã tích cực giải quyết hơn 140 yêu cầu bồi thường của các công dân là Kitô hữu và người Mandea, những người đã bị tịch thu tài sản bất hợp pháp.
Vào đầu năm 2021, ông Muqtada al Sadr, đứng đầu Phong trào Sadrist có ảnh hưởng mạnh mẽ trong quốc hội Baghdad, đã ra lệnh thành lập một Ủy ban thu thập và xác minh tin tức, khiếu nại, liên quan đến các trường hợp chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của các Kitô hữu. Mục đích của ông Muqtada al Sadr là khôi phục công lý, chấm dứt các vi phạm ảnh hưởng đến quyền tài sản của “những anh em Kitô hữu”, ngay cả khi chúng được thực hiện bởi các thành viên của cùng phong trào Sadrist. Yêu cầu báo cáo các trường hợp bị chiếm đoạt bất hợp pháp cũng được gửi đến các gia đình Kitô đã rời khỏi đất nước trong những năm gần đây, và các báo cáo về sự lạm dụng có thể được gửi đến Ủy ban vào cuối tháng Ramadan.
Hành vi trộm cắp tài sản của các gia đình Kitô có liên quan đến cuộc di cư ồ ạt của các Kitô hữu ở Iraq, sau các cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ chế độ Saddam Hussein. Nhiều người đã lợi dụng cơ hội này để chiếm đoạt nhà cửa, đất đai do không có ai trông coi.
Thủ lĩnh người Shiite Muqtada al Sadr cũng được biết đến là người thành lập nhóm vũ trang Mahdi, một lực lượng dân quân, được thành lập vào năm 2003 và chính thức giải tán năm 2008, để chống lại các lực lượng vũ trang nước ngoài hiện diện tại Iraq sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ. Trong thập kỷ qua, các nhà phân tích đã ghi nhận một số thay đổi ngoạn mục bởi nhà lãnh đạo này, vào năm 2008 ông đã giải tán lực lượng dân quân và dường như không liên kết với Iran. Trước đây, Muqtada al Sadr cũng đã cố gắng thể hiện mình là một nhà hòa giải tiềm năng. Chuyến thăm của ông tới Ả Rập Xê út vào tháng 7/2017 để gặp thái tử Mohammed Bin Salman cũng được giải thích theo quan điểm này.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.