Khởi động dự án cho di dân ở Nigeria và Mozambique
Ngọc Yến - Vatican News
Trong những năm qua, sự gia tăng các cuộc tấn công của các nhóm thánh chiến địa phương và xuyên quốc gia ở một số quốc gia châu Phi đã buộc hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và sinh kế, gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Trong số đó, Mozambique và Nigeria bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Từ năm 2020, tỉnh Cabo Delgado ở phía bắc Mozambique đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công của các phần tử nổi dậy Hồi giáo có liên quan đến nhóm gọi là Nhà nước Hồi giáo, nhắm vào chính quyền nhà nước, quân đội, lực lượng cảnh sát và dân thường, cả Kitô hữu và Hồi giáo. Và từ năm 2017, khi cuộc nổi dậy bắt đầu, 2/3 trong số các cuộc tấn công này nhằm vào thường dân, làm cho khoảng 730 ngàn người phải di dời.
Tương tự như thế, ở Nigeria, các cộng đoàn địa phương đã phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố và bắt cóc của lực lượng phiến quân Hồi giáo Boko Haram trong hơn mười năm qua, trong bối cảnh các vấn đề bạo lực tôn giáo và sắc tộc đã tồn tại từ lâu. Năm 2014, bạo lực leo thang nghiêm trọng, với hơn 10 ngàn người bị giết. Gần đây, nhóm khủng bố, thành phần cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo đã mở rộng thêm lãnh thổ của họ.
Trong bối cảnh này, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đang tài trợ hai dự án mới nhằm giúp những người Công giáo chạy trốn khỏi bạo lực Hồi giáo ở hai quốc gia châu Phi này. Các dự án bổ sung thêm hơn 25 sáng kiến cứu trợ mà Tổ chức đã tài trợ vào năm 2020 với tổng số tiền hơn 1,7 triệu euro.
Dự án đầu tiên dành cho Giáo xứ thánh Phaolô ở Pulka, nơi có nhiều người tị nạn Kitô giáo thoát khỏi thành phố Maiduguri, thuộc Bang Borno của Nigeria. Ở đây, thường xuyên có các cuộc tấn công của dân quân Hồi giáo. Và các linh mục coi sóc giáo xứ đang cần nước uống khẩn cấp cho những người tị nạn. Văn phòng của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ ở Ý đang quyên góp tiền để xây một giếng nước, với một máy bơm chạy bằng năng lượng mặt trời.
Dự án thứ hai dành cho Giáo phận Quelimane, ở Mozambique, nơi Giáo hội đang giúp đỡ những người tị Kitô giáo đến từ Cabo Delgado. Số tiền quyên góp được sẽ hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ cho 500 gia đình phải di dời sống trong khu vực.
Nói về hai dự án, ông Alessandro Monteduro Giám đốc văn phòng Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ ở Ý, lưu ý rằng ngoài việc gây ra các nạn nhân, bạo lực thánh chiến còn phá hủy các cơ sở hạ tầng, dẫn đến mất sinh kế và buộc những người nông dân không thể thu hoạch được mùa màng phải di dời dẫn đến nạn đói. Ông cũng cảnh báo về nguy cơ một số người trẻ thất vọng có thể bị cám dỗ bởi nghèo đói cùng cực và tuyên truyền cực đoan, sẽ gia nhập hàng ngũ của các chiến binh thánh chiến. Ông nói: “Sự kết hợp của những yếu tố này có thể buộc cộng đồng quốc tế phản ứng, không phải vì những lý do cao cả nhưng là để ngăn chặn áp lực di cư ngày càng tăng từ châu Phi”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.