Sáng kiến quyên góp thuốc cho người nghèo ở Ý
Ngọc Yến - Vatican News
Tổ chức Banco Farmaceutico, một tổ chức do một nhóm dược sĩ trẻ thành lập vào năm 2000, nhằm đáp ứng nhu cầu thuốc cho người nghèo. Năm nay, tiếp tục tinh thần vì người nghèo, Tổ chức thực hiện cuộc quyên góp thuốc, mời gọi 5.000 nhà thuốc trên khắp nước Ý tham gia. Số thuốc quyên góp được sẽ hỗ trợ 1.800 tổ chức bác ái đang chăm sóc người nghèo.
Theo tổ chức, trong năm 2021, có 600 nghìn người ở các trung tâm bác ái xin hỗ trợ thuốc, nhiều hơn 163 nghìn người so với năm 2020. Thực tế, với sáng kiến quyên góp thuốc, Banco Farmaceutico đã có thể đáp ứng được 47,7% nhu cầu này.
Ông Marco Cossolo, Chủ tịch Liên đoàn các Nhà thuốc Quốc gia Ý cho biết, mạng lưới dược phẩm đã thực sự đóng góp cho sức khoẻ của người nghèo, những người dễ bị tổn thương nhất. Ông nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết ngày nay cần có một động lực liên đới mạnh mẽ hướng đến những người phải buộc từ bỏ điều trị và chăm sóc sức khoẻ, và đây là cơ hội tốt để chúng tôi làm chứng cho điều này”.
Nhân dịp này, ông Sergio Daniotti, Chủ tịch Banco Farmaceutico nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến Tổ chức vào tháng 9/2020. Nhằm khuyến khích mọi người ủng hộ sáng kiến giúp thuốc cho người nghèo. Đức Thánh Cha nói: “Ai sống trong cảnh nghèo đói thì nghèo về mọi thứ, kể cả về thuốc, sức khỏe của họ dễ bị tổn thương hơn. Đôi khi người nghèo không được điều trị vì thiếu tiền hoặc vì không được tiếp cận với một số loại thuốc nhất định. Về mặt đạo đức, nếu một bệnh có thể được điều trị bằng thuốc, thì thuốc phải được cung cấp cho tất cả mọi người, nếu không sẽ tạo ra bất công. Trên thế giới, vẫn còn nhiều người, nhiều trẻ em đang chết vì họ không được chữa trị như ở các nơi khác”.
Đức Thánh Cha đề nghị toàn cầu hóa việc điều trị, nghĩa là khả năng tiếp cận những loại thuốc có thể cứu sống nhiều người. Để làm được điều này, theo ngài cần một nỗ lực chung, có sự tham gia của tất cả mọi người. Cụ thể, các nghiên cứu khoa học luôn tìm kiếm các giải pháp mới cho các vấn đề cũ và mới; các công ty dược phẩm cần hỗ trợ nghiên cứu và định hướng sản xuất, có thể đóng góp một cách quảng đại vào việc phân phối thuốc công bằng hơn; về phía chính quyền, qua các lựa chọn lập pháp và tài chính, cần xây dựng một thế giới công bằng hơn, trong đó người nghèo không bị bỏ rơi.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.